Cuộc chạy đua phát triển Máy bay không người lái đang nóng bỏng giữa các cường quốc quân sự. |
Mỹ: Là quốc gia đi đầu trong việc phát triển các thiết bị bay không người lái (UAV), cho mục đích quân sự; trong đó Predator là một trong số các UAV được sử dụng nhiều nhất. Predator có nhiều phiên bản khác nhau, do Tập đoàn General Atomics Aeronautical System sản xuất. Nó được bay thử nghiệm vào năm 1994 và được sản xuất hàng loạt năm 1997, sau đó được "biên chế" cho Không quân và Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Predator (UAV RQ-1) được trang bị radar, máy quay chống rung tự động với hai chế độ quan sát ngày và ban đêm, máy quay ở mũi, các loại thiết bị cảm biến; hệ thống ngắm quang phổ kết hợp với máy dò mục tiêu hồng ngoại và đèn laser.
UAV RQ-1 có thể bay qua quãng đường 740 km để tới mục tiêu và hoạt động liên tục 14 giờ trước. Dữ liệu mà RQ-1 thu thập có thể được gửi tới cả binh sĩ trên chiến trường, trung tâm chỉ huy hoặc toàn thế giới thông qua vệ tinh viễn thông. Khi cất và hạ cánh, Predator được điều khiển từ trạm theo dõi qua hệ thống ăngten mặt đất nhưng khi bay trên trời chúng chịu sự điều khiển của hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Đáng chú ý, hiện Mỹ đã phát triển được loại UAV RQ-4 Global Hawk với độ cao hoạt động lớn - 20 km, thời gian hoạt động 36 giờ, tốc độ tối đa 800km/giờ; trần bay tới 19 km; tầm hoạt động tới 21.720km; phát hiện được các mục tiêu di động trong bán kính 100km. Giá thành máy bay RQ-4 Global Hawk khoảng 35 triệu USD và khi được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ cao có giá trên 100 triệu USD.
Châu Âu: Pháp và Italy rất quan tâm nghiên cứu phát triển các UAV cho cả mục đích quân sự và dân sự. Các chương trình nghiên cứu phát triển quốc gia và các chương trình hợp tác giữa các nước châu Âu đều hướng tới phát triển các UAV có thời gian bay dài, có thể mang theo được nhiều thiết bị cảm biến có ích như radar phát hiện mục tiêu di động (SAR/MTI), video hồng ngoại, thông qua kênh vệ tinh để truyền hình ảnh thu thập được về trung tâm theo thời gian thực, thiết bị chỉ định mục tiêu bằng laser... và đã chế tạo được UAV tầm trung (MALE) có nhiều tính năng ưu việt.
UAV MALE đã được Quân đội NATO sử dụng rộng rãi trong tác chiến ở hai chiến trường Iraq và Afghanistan, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, giám sát và cả nhiệm vụ tấn công mục tiêu. Trong lĩnh vực dân sự, chúng được sử dụng để kiểm soát biên giới trên biển và trên bộ, chống cướp biển, di cư bất hợp pháp, buôn lậu, đặc biệt là buôn ma túy; giám sát các mục tiêu quan trọng liên quan đến các cơ sở hạ tầng sản xuất hoặc vận chuyển năng lượng như đường ống dẫn dầu, gas, nhà máy điện, điện hạt nhân, nhà máy xử lý nước sạch, công trình nghệ thuật; bảo vệ môi trường, theo dõi các nguy cơ tác động đến môi trường biển hoặc đất liền như việc săn bắn trái phép tại các khu dự trữ thiên nhiên ở châu Phi, khai thác vàng ở rừng Amazon, cháy rừng, rò rỉ khí trên biển; cứu trợ trong trường hợp thảm họa thiên nhiên và khủng hoảng nhân đạo…
Nga: Ngay từ thời Liên Xô cũ đã phát triển thiết bị bay không người lái sử dụng động cơ phản lực để sử dụng trong tác chiến trên chiến trường. Đó là chiếc Tupolev Tu-143 Reys nặng 1.230 kg, đã được triển khai tại Afghanistan những năm 1980. Phiên bản nâng cấp Tu-143 Reys-D có bán kính hoạt động lên đến 150 km, được đưa vào hoạt động năm 1999.
Hệ thống chiến thuật Kulon Stroy-P được dựa trên chiếc Yakovlep Pchela-1T, đã được triển khai tại Chechnya năm 1995 và hiện vẫn đang có mặt trên thị trường vũ khí. Hệ thống TipChak đã được Bộ Quốc phòng Nga lựa chọn để thay thế cho hệ thống Stroy. Hệ thống đầu tiên được chuyển giao cuối năm 2008 và 3 hệ thống tiếp theo sẽ được bàn giao năm 2011.
Theo Tư lệnh Không quân Nga Alexander Zelin, Nga sẽ đưa các thiết bị bay không người lái tiên tiến vào phục vụ từ năm 2011 với phạm vi lên đến 400km và thời gian bay lên tới 12h.
Trung Quốc: Tháng 11/1998 đã tiến hành mở rộng nghiên cứu loại trực thăng không người lái dùng cho do thám trên không. Tháng 12/1998, Tập đoàn xuất nhập khẩu Công nghệ hàng không TQ (CATIC) bắt đầu có hoạt động hợp tác sản xuất một sê-ri máy bay không người lái cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10/1999, Khoa Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, Đại học Tổng hợp Nam Kinh đã giới thiệu loại máy bay không người lái loại siêu nhỏ (micro) được trang bị camera và bộ phát tín hiệu hình ảnh thời gian thực. Tháng 12/2002, TQ đã giới thiệu nhiều sản phẩm máy bay không người lái mới có khả năng bay 4-6 giờ với bán kính hoạt động là 100km, độ cao hoạt động khoảng 3.000m.
Tại triển lãm Hàng không Vũ trụ quốc tế Chu Hải 2010 lần thứ VIII, TQ đã giới thiệu khoảng 25 loại UAV, trong đó đáng chú ý là mẫu WJ-600. WJ-600 được trang bị một động cơ phản lực, tốc độ tối đa có thể đạt tới 720km/h, trần bay trên 10.000m, thân vỏ bằng sợi carbon tổng hợp,WJ-600 được trang bị 1 tên lửa không đối đất KD2, 1 tên lửa không đối đất TBI và 1 bom ZD1 do TQ sản xuất, có thể tích hợp lắp đặt hệ thống trinh sát công nghệ hiện đại như: thiết bị ảnh hồng ngoại, máy ảnh kỹ thuật số, camera công nghệ CCD, radar khẩu độ tổng hợp. Cũng tại triển lãm này, TQ cũng giới thiệu loại UAV "Thằn Lằn bay 1", được trang bị radar khẩu độ tổng hợp và cảm biến hồng ngoại.
Theo các chuyên gia quốc tế, TQ đang tập trung đầu tư phát triển công nghệ máy bay UAV, bước đầu đã đảm bảo được nhu cầu phục vụ cho quân đội TQ. Thị phần của TQ trên thị trường vũ khí toàn cầu không lớn, nhưng thiết bị quân sự của TQ có giá rẻ có thể thống trị đối tượng khách hàng là những nước nghèo, đặc biệt là quân đội các nước ở châu Phi, Mỹ La-tinh và châu Á.
Đến năm 2017, TQ sẽ có khoảng 415 UAV mini, 50 UAV cấp chiến thuật, 30 chiếc UAV tầm trung và 3 chiếc UAV tầm cao, có thời gian bay lớn. Nhìn chung, các đặc tính kỹ thuật của các loại UAV do TQ phát triển còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới, đặc biệt là về kết cấu thân hình, khả năng cất-hạ cánh, kỹ thuật điều khiển, kinh nghiệm sử dụng. Nhưng ưu điểm là các sản phẩm của TQ đều được nghiên cứu phát triển dựa trên các phiên bản của Liên Xô cũ và Mỹ.
Như vậy, cùng với sự phát triển của các phương tiện không người lái khác, UAV được quân đội các nước đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những phương tiện chủ chốt của thời đại chiến tranh công nghệ cao. Sự ra đời và phát triển của các UAV là phù hợp với thời kỳ "chiến tranh không tiếp xúc" của các loại vũ khí công nghệ cao. Trong tầm nhìn của 10 năm tới, quân đội Mỹ và các nước khác sẽ tiếp tục chú trọng tới bước phát triển nhảy vọt cả về số lượng, chủng loại, tầm hoạt động và khả năng tác chiến của UAV.
Nguyễn Nhâm (Tổng hợp)