Các lãnh đạo EU chụp ảnh trước cuộc làm việc không chính thức vào tối 5/10 ở Slovenia. (Nguồn: Slovenia Gov) |
Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ tháng 6/2021, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động như tình hình tại Afghanistan, quan hệ đối tác an ninh AUKUS (Anh-Mỹ-Australia) và sự phát triển của quan hệ EU-Trung Quốc.
Trong tuyên bố sau buổi làm việc kéo dài 4 giờ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết, rút bài học từ các cuộc khủng hoảng gần đây, các nước EU cam kết sẽ huy động sức mạnh tổng hợp và củng cố năng lực thích ứng thông qua cắt giảm sự phụ thuộc.
Ông Michel cho rằng, để trở nên quyết đoán hơn trên trường quốc tế, EU "cần tăng cường năng lực để hoạt động một cách tự chủ" với một khối sức mạnh và quốc phòng hợp nhất.
Tuy nhiên, người đứng đầu EC khẳng định, các nước thành viên sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác có cùng quan điểm, đặc biệt là với Mỹ và trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - nền tảng an ninh của EU.
Chia sẻ quan điểm trên, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho rằng, những sự kiện gần đây là biểu hiện của sự thay đổi về địa chính trị và EU cần củng cố năng lực để có hành động ứng phó phù hợp.
Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo cũng đã cân nhắc về cách xây dựng một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn của châu Âu sau khi Washington phớt lờ yêu cầu của châu lục này về việc gia hạn kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và xúc tiến thỏa thuận an ninh AUKUS.
Ông Michel cho rằng, chiến lược của Mỹ đã làm xói mòn các ưu tiên của EU, vì vậy, khối này cần phát huy tính định hình phản ứng của châu Âu.
Về kế hoạch mở rộng thành viên, dự kiến, trong ngày 6/10, các nhà lãnh đạo EU sẽ có cuộc gặp với 6 đối tác khu vực Tây Balkan có nguyện vọng gia nhập khối này gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia và Kosovo.
Trong thư gửi mời họp trước đó, ông Michel cho biết, Hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của EU nhằm thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của khu vực, cũng như làm sâu sắc hơn nữa đối thoại chính trị với Tây Balkan, vấn đề hợp tác an ninh và kế sách can dự chiến lược hướng tới xây dựng một châu Âu mạnh mẽ, ổn định và thống nhất.
Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, về mối quan hệ với Trung Quốc, các lãnh đạo EU đã thảo luận về sự cần thiết phải có “sự kiên định” trong việc đối phó với Bắc Kinh, “ý chí hợp tác với Trung Quốc trong một loạt vấn đề toàn cầu”, đặc biệt là biến đổi khí hậu, cũng như một thỏa thuận đầu tư được ký vào tháng 12 năm ngoái, nhưng “trên thực tế vẫn bị đóng băng”.
Trước cuộc họp, các quan chức cho biết, các nhà lãnh đạo sẽ tìm cách làm rõ lập trường của EU đối với Trung Quốc, với nhiều thay đổi so với lần gần nhất họ thảo luận về Bắc Kinh.
Một quan chức cho biết: “EU bảo vệ các lợi ích và giá trị riêng và bảo vệ các công dân của mình. Vì vậy, trong việc xác định lợi ích của mình, EU cũng bàn về khả năng đối thoại với Trung Quốc cũng như với Mỹ. Tóm lại, đó là nội dung của cuộc thảo luận này”.
| Gọi Dòng chảy phương Bắc 2 là 'sai lầm chiến lược', Tổng thống Ba Lan kêu gọi NATO, EU làm điều này Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cần suy ... |
| Tin thế giới 5/10: Quốc hội Ukraine sẽ xáo trộn cực lớn; Dòng chảy phương Bắc 2 nhận tin vui; Trung Quốc cảnh báo nóng về vấn đề Đài Loan Chính trường Ukraine, Dòng chảy phương Bắc 2 và khủng hoảng năng lượng châu Âu, quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Mỹ-Iran, vấn đề Đài Loan, Hồ ... |