📞

Các ngân hàng lớn bắt đầu dịch chuyển ra khỏi Anh

11:26 | 27/06/2016
ECB chính thức cảnh báo về các thiệt hại liên quan đến quyền lưu thông các dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh đến EU. 

Theo tờ Financial Times, ngay sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các ngân hàng lớn có chi nhánh tại nước này như HSBC, JP Morgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup hay Morgan Stanley đã bắt đầu dịch chuyển hoạt động của mình ra khỏi nước này. Trong đó, có những ngân hàng Mỹ lớn - JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley - với quy mô hoạt động lớn, sử dụng hàng chục ngàn lao động ở Anh.

Hầu hết, các ngân hàng này đều thành lập văn phòng đại diện của mình tại đây rồi sử dụng "hộ chiếu" Anh thuộc EU để tiến vào phần còn lại của khối 28 thành viên.

Nhưng giới luật sư đang cảnh báo rằng sau Brexit, họ có thể sẽ cần một cơ sở pháp lý mới, vì vậy các ngân hàng này đang chuẩn bị để chuyển một phần công việc sang các thành phố thuộc các nước EU khác.

Lao động trong ngành Ngân hàng tại Anh sẽ có xáo trộn lớn về địa điểm làm việc (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phần lớn nhân viên của các ngân hàng sẽ phải đợi vài tháng, cho tới khi quá trình đánh giá tác động của Brexit, tính toán được chính xác số lượng việc làm dịch chuyển từ nước Anh tới các trung tâm tài chính khác như Paris, Dublin hay Frankfurt.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp François de Villeroy Galhau đã từng nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm cho khu vực dịch vụ tài chính của Anh, rằng các ngân hàng sẽ mất quyền "hộ chiếu" hoạt động tại EU nếu Anh rời khỏi thị trường.

Tờ Financial Times cũng cho rằng, Vương quốc Anh có thể thử áp dụng theo cách mà Na Uy đang làm, với tư cách là một thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu nhưng không phải là thành viên EU. Tuy nhiên, cách này có nhược điểm là đòi hỏi Anh phải thực hiện tất cả các quy tắc mà EU đề ra nhưng lại không hề có tiếng nói khi chúng được thảo luận và ban hành.

Theo BBC, Ngân hàng HSBC dự kiến sẽ chuyển 1.000 việc làm từ London tới thủ đô Paris của Pháp.

Đây được xem là phản ứng tức thì của các ngân hàng bởi những lo ngại về vị thế của trung tâm tài chính London sẽ bị suy yếu sau khi nước Anh ra khỏi EU.

(tổng hợp)