📞

Các nhà lãnh đạo thế giới bàn về biến đổi khí hậu

07:44 | 01/12/2015
Ngày 30/11, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu COP21 chính thức khai mạc tại Thủ đô Paris (Pháp).
Lối vào Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu – COP21, tại Paris.

Đây là lần đầu tiên phiên khai mạc của một hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ mà tất cả những người đứng đầu nhà nước và chính phủ đều có bài phát biểu. Nhiều người kỳ vọng rằng, những bài phát biểu này sẽ mang lại những dấu hiệu tích cực để đạt được một thỏa thuận về khí hậu toàn cầu tại Paris.

Khoảng 150 nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu lần lượt phát biểu từ 12 giờ trưa (giờ địa phương), đồng thời ở hai phòng họp, do số lượng đại biểu tham dự đông đảo – khoảng 40.000 người.

"Đây là sự kiện ngoại giao lớn nhất nước Pháp đã từng tổ chức và là một nỗ lực rất lớn về mặt ngoại giao và an ninh", một nhà ngoại giao Pháp nói với hãng thông tấn DW.

Chính phủ Pháp đã triển khai hơn 6.000 nhân viên an ninh trong ngày khai mạc COP21 - trong bối cảnh thủ đô nước này vẫn còn đang chao đảo vì cuộc tấn công khủng bố tàn khốc diễn ra vào ngày 13/11, khiến 130 người thiệt mạng.

Lần cuối cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham gia đàm phán về khí hậu là tại hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009. Nhưng hội nghị này đã thất bại vì các nước tham gia không đưa ra cam kết giảm phát khí thải.

Các nhà quan sát cho rằng, nước chủ nhà Pháp đã có bước đi thông minh khi mời những người đứng đầu nhà nước và chính phủ đến dự lễ khai mạc chứ không phải tham gia vào các cuộc đàm phán vào những giờ cuối. “Về phương diện chính trị, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ đang có mặt ở đây để khởi động hội nghị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng", Jan Kowalzig, một cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của tổ chức phi chính phủ Oxfam nói với DW.

"Chúng tôi mong đợi các bài phát biểu này sẽ củng cố thêm quyết tâm chính trị để đi đến thông qua thỏa thuận" Kowalzig nói.

Một cách tiếp cận mới nữa cũng được đánh giá cao, đó là thay đổi mục tiêu từ tìm kiếm một hiệp ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý sang kế hoạch cam kết của mỗi quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính. Điều này giúp tránh nguy cơ thỏa thuận không được quốc hội các nước phê chuẩn sau khi ký kết.

Nhiệm vụ của hội nghị hai kéo dài một tuần là đạt một thỏa thuận, trong đó tất cả các nước cam kết kiềm chế phát thải khí nhà kính toàn cầu nhằm ngăn chặn trái đất nóng lên hơn 2 độ C vào cuối thế kỷ này, so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thảo Vy (theo DW, Reuter)