📞

Các nước châu Âu đối mặt nguy cơ đình trệ kinh tế ngày càng tăng

Minh Trang 14:21 | 13/05/2022
Giới phân tích nhận định, các nước của châu Âu đang đối mặt với nguy cơ đình trệ kinh tế ngày càng tăng do tác động của cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Các nước châu Âu đối mặt nguy cơ đình trệ kinh tế ngày càng tăng do xung đột giữa Nga-Ukraine. (Nguồn: VOX)

Các số liệu gần đây do Ủy ban châu Âu (EC) công bố cho thấy, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), bao gồm 19 quốc gia thành viên của EU, chỉ tăng trưởng trung bình ở mức khiêm tốn 0,2% trong quý I năm nay, dấu hiệu cho thấy khả năng EU đang bị đình trệ kinh tế.

Tuy nhiên, với việc giá cả tăng do chi phí năng lượng và thực phẩm cao hơn, EC cho biết lạm phát hàng năm của Eurozone chạm mức cao kỷ lục 7,5% vào tháng 4/2022, dẫn tới sức mua của người dân châu Âu bị xói mòn.

Các nhà phân tích cho biết, giá năng lượng là thủ phạm chính dẫn tới tình trạng này, lưu ý rằng chi phí nhiên liệu tăng cao có tác động đến giao thông vận tải và sản xuất trên khắp châu Âu.

Alessandro Polli, Giáo sư kinh tế thống kê tại Đại học Sapienza ở Rome, Italy nói: "Đôi khi lạm phát có thể là dấu hiệu của nhu cầu tiêu dùng cao, nhưng trong trường hợp này, giá cả đang bị đẩy lên cao hơn do chi phí năng lượng tăng. Điều này sẽ kéo dài một thời gian. Tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng lạm phát ở mức 5% hoặc 6% trong tương lai, điều chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1970”.

Theo Fabio Panetta, một thành viên của Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), tác động của giá cả cao hơn đã được cảm nhận theo những cách khác nhau - không chỉ trong tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại mà còn ở nguy cơ "kinh tế đình trệ" đang nổi lên, ngay cả sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi tương đối mạnh mẽ sau đại dịch.

Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với La Stampa, một tờ báo hàng đầu của Italy, ông Panetta nói rằng tăng trưởng kinh tế ở Eurozone đã bị đình trệ và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi có thể cải thiện. Theo ông, điều này làm cho các lựa chọn mà ECB phải đối mặt trở nên phức tạp hơn, vì thắt chặt tiền tệ nhằm hạn chế lạm phát sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế vốn đang suy yếu.

Các thành viên của hội đồng quản trị ECB dự kiến sẽ họp vào tháng Sáu tới để xem xét khả năng tăng lãi suất. Mặc dù những tác động kinh tế gần đây gây ra bởi chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine song các nhà phân tích lưu ý rằng giá cả ở châu Âu đã tăng trước thời gian đó.

Ông Polli nói rằng, ngay cả khi cuộc xung đột kết thúc sớm cũng không thể cứu thế giới khỏi khủng hoảng lạm phát. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga như Italy và Đức đang tìm kiếm các giải pháp thay thế. Quá trình đó sẽ mất thời gian và trong khi quá trình chuyển đổi đang diễn ra sẽ làm tăng thêm chi phí, đẩy giá cả lên cao hơn và đóng vai trò là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế.

(theo Reuters)