📞

Các nước EU bộc lộ mâu thuẫn trong vấn đề ngân sách hậu Brexit

10:25 | 21/02/2020
TGVN. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện những bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ngày 20/2 ở Brussels (Bỉ) nhằm quyết định ngân sách trong giai đoạn 7 năm của khối sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung”, còn gọi là Brexit.
Mâu thuẫn giữa các nước EU xoay quanh các vấn đề ngân sách cần tăng thêm bao nhiều, cần điều chỉnh chi ngân sách cho các vấn đề ưu tiên như thế nào và mỗi nước thành viên nên đóng góp ra sao. (Nguồn: AFP)

Những tranh cãi liên quan đến ngân sách là “vấn đề muôn thuở” của EU, nhưng lần này đặc biệt phức tạp hơn với sự ra đi của nước Anh. Lỗ trống ngân sách mà Anh để lại cho giai đoạn 2021-2027 là 75 tỷ Euro (81 tỷ USD), nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quả quyết rằng, điều này không có nghĩa là EU phải giảm bớt tham vọng bằng cách cắt giảm chi tiêu. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin phản đối quan điểm này khi cho rằng, EU cần phải “thực tế” sau sự ra đi của một trong những nước đóng góp ròng lớn nhất của khối.

Mâu thuẫn giữa các nước EU xoay quanh các vấn đề ngân sách cần tăng thêm bao nhiều, cần điều chỉnh chi ngân sách cho các vấn đề ưu tiên như thế nào và mỗi nước thành viên nên đóng góp bao nhiêu phần trăm trong GDP của mình. Một vấn đề nhạy cảm nữa là phần ngân sách hoàn lại cho một số nước giàu hơn có nên được duy trì hay không.

Bốn nước nổi tiếng “căn cơ” trong EU là Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển muốn thắt chặt ngân sách và chỉ bù đắp một phần cho lỗ trống mà nước Anh để lại. Cũng như Đức, các nước này muốn giữ nguyên phần ngân sách hoàn lại cho nước mình.

Các nước ở phía Nam và phía Đông châu Âu lại muốn duy trì phần chi cho nước mình để nâng cấp cơ sở vật chất lên ngang tầm với các nước giàu có hơn. Trong khi đó, những quốc gia nhạy cảm về nông nghiệp như Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan muốn giữ các khoản trợ cấp cho nông dân.

Nghị viện châu Âu (EP) muốn ngân sách dài hạn của EU, hay còn gọi là khung tài chính dài hạn (MFF), tăng lên 1.320 tỷ Euro để chi cho các mục tiêu lớn như biến EU thành nền kinh tế trung hòa carbon trong 30 năm nữa. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lại đặt mục tiêu 1.130 tỷ Euro.

Trước hội nghị lần này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đề xuất MFF ở mức 1.090 tỷ Euro, giảm chi cho các quỹ gắn kết và trợ cấp nông nghiệp để tài trợ cho các ưu tiên khác. Tuy nhiên, kế hoạch này của ông Michel không nhận được nhiều sự ủng hộ. EP cho rằng, nó quá ít, trong khi Đức xem đó là một “sự thụt lùi”, còn Tây Ban Nha chỉ trích đề xuất nói trên không công nhận vai trò của nông nghiệp trong sự gắn kết của EU.

Nhiều nguồn tin từ EU cho biết, những bất đồng quá lớn đến mức hội nghị lần này có thể kết thúc sớm hơn dự kiến và có thể phải cần đến một hay hai hội nghị nữa trong vài tháng tới.

(theo AFP)