Các nước nhỏ sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong trường hợp chạm trán và xung đột với các nước lớn mạnh hơn. (Ảnh minh họa) |
Sự bi quan của các lý thuyết gia
Quan hệ quốc tế là một lĩnh vực chuyên nghiên cứu về hành vi của các quốc gia trong hệ thống quốc tế. Từ trước đến nay, nghiên cứu quan hệ quốc tế thường tập trung vào vấn đề chiến tranh và hoà bình giữa các quốc gia. Qua thời gian, các học giả đã mở rộng các chủ đề khác như kinh tế chính trị trong giao dịch kinh tế và thương mại, các tổ chức quốc tế và các dạng thức khác của hợp tác quốc tế, các vấn đề pháp lý toàn cầu, phát triển quốc tế và các khái niệm về một xã hội dân sự toàn cầu.
Trong khoa học quan hệ quốc tế, các học giả theo trường phái hiện thực cổ điển thường bày tỏ quan điểm bi quan về bản chất con người và thế giới chúng ta đang sống. Họ cho rằng, trong hệ thống quốc tế, việc thiếu vắng một quyền lực tối cao có khả năng thi hành các quy định của pháp luật thông qua cưỡng chế có nghĩa là chúng ta sẽ phải sống trong một hệ thống mà theo Thucydides (nhà sử học Hy Lạp, cha đẻ trường phái hiện thực chính trị), "kẻ mạnh có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn và kẻ yếu sẽ phải cam chịu những gì họ phải cam chịu".
Khi nhìn thế giới một cách u ám và bi quan như vậy, các nhà hiện thực chủ nghĩa cho rằng con người sẽ tạo ra một thế giới, nơi mà sức mạnh và cạnh tranh giữa các nước là điều không thể tránh khỏi. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với các nước nhỏ, bởi các nước này sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong trường hợp chạm trán và xung đột với các nước lớn mạnh hơn.
Trong trường hợp này, từ “nhỏ” chỉ mang ý nghĩa tương đối - "nhỏ", trên các khía cạnh sức mạnh quân sự, kinh tế và/hoặc chính trị, so với các nước mạnh hơn. Một quốc gia được xem là "lớn" nếu xét theo địa lý, kinh tế, và/hoặc dân số, nhưng vẫn có thể coi là nhỏ so với các nước láng giềng.
Chẳng hạn như Kazakhstan là nước có diện tích địa lý lớn thứ chín trên thế giới, nhưng vẫn là một nước nhỏ nếu được so sánh theo khía cạnh chính trị, kinh tế, và quân đội với một số nước láng giềng (trong đó có Nga, Trung Quốc hay thậm chí là Uzbekistan).
Xu hướng hiện thực không hẳn là lựa chọn hợp lý
Mặc dù các nước nhỏ cũng cần phải có các tính toán thực tế, nhất là khi có bất ổn hoặc các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn tăng cao; nhưng sẽ là sai lầm nếu chỉ xem xét quan hệ quốc tế thông qua lăng kính hiện thực. Tôi có ba lý do để giải thích cho ý kiến này.
Trước tiên, chúng ta thấy rằng trong giai đoạn hậu Thế chiến II, có rất ít nước được quốc tế công nhận bị triệt tiêu. Việc sụp đổ của các đế quốc thuộc địa (nhất là Anh và Pháp) vào những năm 1950 và 1960 đã dẫn tới độc lập cho hàng loạt nước mới. Trong khi đó, các nước (không phải là đế quốc) bây giờ không tồn tại nữa (như Liên Xô, Nam Tư và Tiệp Khắc) lại là các nhà nước liên bang bị phân tách ra thành các nước thành viên.
Trong các trường hợp ly khai thành công - bao gồm Eritrea từ Ethiopia và Nam Sudan từ Sudan, những cuộc ly khai này không dẫn tới việc sụp đổ của các nước cũ mà lại dẫn tới sự ra đời của các quốc gia mới. Sau Thế chiến II, thay vì các nước sụp đổ, xu hướng trong quan hệ quốc tế lại hình thành nên nhiều quốc gia nhỏ hơn.
Thứ hai, mặc dù rất cần thiết làm nổi bật lên sự thiếu vắng một chính quyền toàn cầu có khả năng thi hành các quy tắc luật pháp giữa các quốc gia, nhưng tình trạng vô chính phủ không hoàn toàn có nghĩa là xung đột. Như Alexander Wendt, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế người Đức theo thuyết kiến tạo xã hội, đã chỉ ra rằng, "chính các nước đã làm nên tình trạng vô chính phủ". Bên cạnh đó, các mạng lưới và hệ thống dày đặc những hiểu biết chung, giao dịch thương mại và hợp tác phát triển qua thời gian có thể tạo ra sự bảo vệ và các cơ hội quý cho các nước nhỏ.
Vấn đề thứ ba của phương pháp tiếp cận hiện thực là quá chú trọng tới các quốc gia. Mặc dù mới chỉ là một ý tưởng chưa được củng cố đầy đủ nhưng khái niệm sự đoàn kết toàn cầu và thách thức toàn cầu không chỉ gắn kết các quốc gia mà còn kết nối mọi người ở cấp độ quốc tế.
Phản ứng của quốc tế về các trường hợp khẩn cấp nhân đạo là một ví dụ khi cả chính phủ và hành động cá nhân (thông qua quyên góp và của các quỹ từ thiện tư nhân) đã mang lại những hỗ trợ vật chất tới các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thảm họa trên khắp thế giới.
Chủ nghĩa hiện thực truyền thống hoàn toàn không quan tâm tới bất kỳ lý thuyết nào ngoài lý thuyết về các nước là những chủ thể chính trong hệ thống quốc tế. Bởi vì vậy, chủ nghĩa này có thể sẽ bỏ qua các hành động xuyên quốc gia quan trọng khác, có thể là từ các công ty đa quốc gia, các tổ chức giáo dục, các quỹ từ thiện tư nhân, hay các phong trào xã hội (như các phong trào ủng hộ hành động về biến đổi khí hậu) - những hành động mà có thể mang lại kết quả tốt và xấu tới quan hệ quốc tế giữa các nước.
Kinh nghiệm của Ireland
Ireland là một quốc gia châu Âu nhỏ bé, nhưng đã tích cực ủng hộ Liên hợp quốc qua hàng thập kỷ như là một đường lối cơ bản trong chính sách đối ngoại. Điều này được thể hiện qua những hành động thực tế, như việc gửi quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tham gia mạnh mẽ vào những hiệp ước của Liên hợp quốc về vấn đề chống phát triển vũ khí hạt nhân.
Ireland đồng thời là một thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU) từ khi gia nhập năm 1972, nhưng không tham gia các liên minh quân sự ở châu Âu như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Quan điểm của Ireland trong vấn đề này có lẽ được phát sinh từ quan hệ với những quốc gia láng giềng. Ireland vốn là một đảo quốc nhỏ nằm bên rìa phía Tây của châu Âu, ít có khả năng bị xâm chiếm trong thời hiện đại bởi quốc gia liền kề là Vương quốc Anh, bất chấp sự bất đồng về vấn đề Bắc Ireland (gần như đã giải quyết xong) và lịch sử hàng trăm năm đô hộ của Anh. Ireland may mắn bởi lẽ quốc gia gần nó nhất, mạnh hơn lại có truyền thống dân chủ tương tự.
Một nghiên cứu về quan hệ quốc tế cho thấy các quốc gia theo đường lối dân chủ thì không gây chiến tranh lẫn nhau. Điều này đúng trong thời kì Chiến tranh Lạnh (và cả Thế chiến II) khi Ireland không bị ép buộc phải tham gia vào bất kì liên minh quân sự nào với các nước phương Tây.
Nhưng không phải tất cả các quốc gia đều may mắn với các nước láng giềng.
Tôi cho rằng, các quốc gia nhỏ, cho dù họ chọn cách cân bằng hay đi theo bởi những hoàn cảnh đặc thù, hãy ủng hộ các quy tắc và thể chế để có thể tạo ra một trật tự - bao gồm nỗ lực ủng hộ các quy tắc của luật quốc tế, hoạt động của các thể chế quốc tế (bao gồm các thể chế khu vực) và tìm đến sự ủng hộ của các thể chế này khi bị đe dọa. Cho dù khi làm như vậy, các nước nhỏ sẽ hiểu được những hạn chế quyền lực của các thể chế này.
TS. Rob Kevlihan *
Quỳnh Mai - Quang Chinh (lược dịch)
* Tác giả là Giám đốc điều hành, Trung tâm nghiên cứu phát triển Kimmage, Dublin, Ireland