📞

Các phe phái Sudan bàn việc hợp nhất quân đội, tính tương lai lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất

Bảo Minh 08:29 | 27/03/2023
Ngày 26/3, các nhà lãnh đạo chính trị dân sự và quân sự của Sudan đã bắt đầu đàm phán về đề xuất đưa Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất - nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội.
Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) là lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất ở Sudan. (Nguồn: Sudan Tribune)

Đây là nỗ lực của các phe phái chính trị ở Sudan nhằm hoàn tất thỏa thuận về một quá trình chuyển tiếp hướng tới các cuộc bầu cử.

Phát biểu trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán, người đứng đầu RSF Mohamed Hamadan Dagalo cho biết, quá trình cải cách an ninh và quân đội không hề dễ dàng và mục tiêu của RSF là hướng tới việc thành lập một quân đội duy nhất của Sudan.

Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan (TMC), tướng Abdel Fattah Al-Burhan cũng khẳng định, quân đội sẽ được đặt dưới sự lãnh đạo của một chính phủ dân sự mới, nhắc lại các cam kết rằng quân đội sẽ rút lui khỏi chính trường.

Ông nói thêm, quá trình cải cách an ninh và quân đội là một quá trình lâu dài, phức tạp và không thể bỏ qua.

Các phe phái chính trị ở Sudan đã nhất trí thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới có 9 thành viên, gồm các đại diện đảng phái chính trị, một người từ quân đội và một người từ RSF.

Ủy ban này dự kiến sẽ ký thỏa thuận khung chuyển tiếp vào đầu tháng 4 tới, công bố hiến pháp vào ngày 6/4 và thành lập chính phủ dân sự mới vào ngày 11/4.

Các cuộc đàm phán này tuân theo một thỏa thuận sơ bộ đã được thống nhất vào tháng 12 năm ngoái giữa quân đội và liên minh đối lập chính ở Sudan, Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), nhằm thành lập chính phủ dân sự điều hành đất nước cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức và quân đội sẽ chuyển giao quyền lực và rời khỏi chính trường.

Sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019, Sudan đã bắt đầu chuyển sang chế độ dân sự và được Mỹ đưa ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố hồi tháng 12/2020.

Tuy nhiên, Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, khiến quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự bị chệch hướng và gây khó khăn cho công tác viện trợ.

(theo Reuters)