Chúng ta không chỉ phải đối mặt với virus gây ra đại dịch Covid-19 mà còn phải kiểm soát, đẩy lùi “virus tin giả” lan tràn. |
Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền tụ do thông tin của người dân. Tuy nhiên, đã có không ít người đã lạm dụng, thậm chí là cố tình lợi dụng quyền này để tung tin sai sự thật, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Những toan tính phía sau tin giả
Bản chất tin giả là một dạng thông tin chứa đựng những thông điệp không được kiểm chứng, không đúng sự thật khách quan, hoặc chỉ có một phần sự thật, nhưng được gia giảm nhiều tình tiết không đúng, hay sự giải thích bình luận gây cách hiểu méo mó, nhầm lẫn và sai lệch.
Tin giả không chỉ là chuyện truyền thông mà còn là vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, đạo đức và an ninh quốc gia.
Tin giả xuất hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp và dễ dàng được đăng tải, lan truyền bằng nhiều loại hình truyền thông khác nhau, trong đó phổ biến và gây nhiều tác hại nhất là qua truyền thông xã hội.
Đáng chú ý, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với gần 64 triệu tài khoản Facebook, gần 35 triệu tài khoản Youtube, hơn 50 triệu tài khoản Zalo.
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, niềm tin sai lệch được lan truyền thông tin giống như cách thức bệnh dịch lây lan. Trong đó, các tương tác xã hội trên môi trường truyền thông giống như virus lây nhiễm từ nhận thức, thái độ và hành vi của người này sang nhận thức, thái độ và hành vi của người khác.
Khi các cá nhân chia sẻ tin giả, đồng nghĩa với việc niềm tin giả được “truyền nhiễm” các cá nhân, nhóm xã hội thông qua các mối tương tác xã hội hàng ngày của họ. Niềm tin lệch lạc trên môi trường truyền thông có thể mạnh đến mức độ mà việc trưng ra các bằng chứng không có ích gì, vì không ai bận tâm tìm kiếm chúng.
Một nghiên cứu về tình hình tin tức giả mạo thực hiện mới đây tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cho biết, có 63% người dân ở 2 thành phố công nhận đã tiếp xúc với các tin tức giả mạo trong vòng 3 tháng vừa qua. Tin giả tác động trực tiếp đến nhận thức, thái độ và hành động của người tiếp cận theo những chiều cạnh và xu hướng khác nhau. Điều đáng chú ý là người dùng mạng xã hội có xu hướng chia sẻ tin giả nhiều hơn nhiều lần so với tin thật.
Theo một số nghiên cứu gần đây, tin giả ngày càng hướng đến những mục tiêu, cụ thể rõ ràng hơn. Từ các tin giả xúc phạm cá nhân, đến các nhà lãnh đạo, quản lý, xuyên tạc vấn đề chính trị, hiện nay tin giả còn hướng đến các mục tiêu kinh tế, lừa đảo, trục lợi...
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ về những thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng về việc thành phố sẽ “lock trong 10-15 ngày”, ngày 4/7/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Tin giả được tạo dựng, tán phát từ các cá nhân hay tổ chức liên quan đến các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... có thể nhắm vào một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng, chế độ chính trị với nhiều mục đích khác nhau: nói xấu, làm mất uy tín, gây thiệt hại về kinh tế, chia rẽ xã hội...
Tin giả có thể xuất phát từ sự vô ý, tùy tiện, thiếu trách nhiệm hoặc chủ ý của người tạo ra và đưa tin, nhằm phá hoại và trục lợi về kinh tế, làm giảm uy tín, hiệu quả hoạt động của cơ quan, hệ thống thể chế quốc gia và cá nhân; đầu độc dư luận và sự phát triển lành mạnh, dân chủ của xã hội.
Những kẻ tung tin giả một ngày nào đó cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả do những đối tượng khác phát tán. Tin giả đang thực sự là mối đe dọa cho sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị và tư tưởng văn hóa, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng truyền thông xã hội để tán phát tin giả, phục vụ chiến lược “diễn biến hòa bình”. Có không ít những tin giả, bịa đặt, nhằm phủ định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xuyên tạc mô hình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam...
Tin giả tác động tiêu cực đến dư luận, gây mất an ninh trật tự xã hội, tấn công vào vai trò, năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trên lĩnh vực kinh tế, những cú “áp phe tin giả” liên quan đến nhãn hàng nước giải khát đóng chai có ruồi hay nước mắm có chứa Asen vượt quá chỉ tiêu cho phép đã làm các công ty, doanh nghiệp này điêu đứng. Hay, những âm mưu gây hoang mang về sự nguy hiểm và sức lan tỏa hủy diệt của dịch bệnh Covid-19 có thể đem đến lợi ích cho những kẻ đầu cơ thiết bị, phương tiện, vật tư y tế…
Đối với vấn đề đạo đức và niềm tin trong xã hội, tin giả thao túng, gây hoang mang trong xã hội, làm con người thậm chí không tin vào sự thật, không tin vào những điều vốn đã là đức tin. Không những vậy, tin giả có nguy cơ làm xói mòn đạo đức, lối sống chân chính, lành mạnh trong xã hội. Tin giả tạo nên bệnh hoài nghi, mất niềm tin, xã hội nhiễu loạn, mất phương hướng.
Đối với phương diện bảo vệ quyền con người, nhiều tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, bôi nhọ tràn ngập trên mạng xã hội, tác động xấu đến người dân. Tin giả với đặc trưng thiếu kiểm chứng, dùng từ ngữ lệch chuẩn, xấu xí nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác diễn ra ngày càng nhiều, với mức độ phức tạp, tinh vi cùng sự đầu tư cầu kỳ, kỹ lưỡng cả về trang thiết bị lẫn nội dung đăng tải hay phát trực tiếp.
Đối với tiếp cận thông tin từ truyền thông, báo chí chính thống, tin giả làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông chính thống, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận, luôn ở trạng thái ngờ vực, nhiễu loạn thông tin. Tin giả tạo nên xu hướng thụ động và thiếu trách nhiệm xã hội của một bộ phận không nhỏ công chúng.
Sự phát triển truyền thông xã hội, tin tức trở nên tràn ngập và áp đảo các nguồn tin chính thống cả về tốc độ và số lượng tin tức. Nhiều người chuyển sang truyền thông xã hội vì nhanh hơn, kèm theo đó là sự nhẹ dạ cả tin, thiếu thận trọng trước tin giả, rất có thể trở thành người phát tán tin giả. Thực tiễn còn cho thấy, một số cơ quan báo chí và nhà báo đã vô tình hay cố ý bị mắc bẫy tin giả, sản xuất và phát tán tin giả, thông tin sai sự thật.
Hành vi phản ứng của người dùng mạng xã hội khi gặp tin tích cực và nghi ngờ là “tin giả”. |
Năng lực, trách nhiệm xã hội phòng chống “Virus tin giả”
Tin giả đang ngày càng tinh vi và nguy hiểm khi chúng được núp dưới danh nghĩa các chiêu bài của “chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa mị dân” với sự cộng hưởng của truyền thông xã hội. Đây thực sự là thách thức to lớn, nhưng cần phải vượt qua trong hoạt động phòng chống “diễn biến hòa bình”, đấu tranh phản bác âm mưu của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Việt Nam đã ban hành hệ thống chính sách pháp luật cũng như bộ máy tổ chức có chức năng giám sát, phát hiện, xử lý và chế tài đối với vấn nạn tin giả. Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vào cuộc của các cơ quan chức năng đã tạo nên những chuyển biến trong việc theo dõi giám sát và xử lý kịp thời hiệu quả vấn nạn tin giả trên các loại hình truyền thông, tuy nhiên, sự chuyển biến này là chưa đáng kể so với yêu cầu đặt ra.
Nhu cầu, điều kiện và năng lực cập nhật tin tức của công chúng Việt Nam hiện nay đang thay đổi nhanh chóng. Phạm vi tiếp nhận tin tức của con người hiện đại rộng hơn rất nhiều, có nhiều lựa chọn phương thức tiếp nhận, nhưng lại thụ động hơn, thiếu dần khả năng xác tín thông tin. Tin giả có xu hướng ngày càng diễn ra nhiều hơn, tinh vi phức tạp vì nó không hiện hình, khó phân biệt, len lỏi mọi nơi, mọi lúc, cả công khai và giấu mặt, cả thô sơ và hiện đại, cả trực tiếp và gián tiếp…
Phương thức hoạt động khó nắm bắt trên tất cả các loại hình truyền thông, nhưng nhiều nhất, phức tạp nhất là trên truyền thông xã hội. Do tác hại của tin giả nhiều khi khó nhận biết, khó phân biệt thật - giả, hậu quả không dễ nhìn thấy, không rõ ràng, không phải ngay lập; thậm chí ai cũng nghĩ chẳng liên quan đến mình…, nên công chúng có xu hướng ít đề phòng và dễ dàng bỏ qua.
Thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, các loại hình truyền thông đang có xu hướng cố gắng theo kịp tốc độ hấp thụ tin tức của công chúng, trong khi nhu cầu tin tức của công chúng đang ngày càng gia tăng và chưa bao giờ có dấu hiệu chậm lại. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các tổ chức truyền thông cung cấp tin tức cho công chúng.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy phức tạp khi mà “cung không kịp đáp ứng cầu” dẫn đến gia tăng tin giả. Truyền hình trực tiếp hay “livestream” về một sự kiện nào đó không phải là thông tin nhanh nhất, thông tin nhanh nhất hiện nay chính là tin giả, lý do là chúng đã luôn có kịch bản chuẩn bị sẵn.
Trong thời gian tới, khi công nghệ cao, kể cả sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), được lợi dụng nhiều hơn trong quá trình sản xuất và lan truyền tin giả, thì khối lượng tin giả sẽ còn tăng với tốc độ khủng khiếp hơn nhiều, lan tràn khắp nơi và đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống; ảnh hưởng tiêu cực đến từng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức và đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí đối với cả chế độ chính trị...
Tin giả và đối phó tin giả giống như trò đuổi bắt vô định mà mỗi bên đều cố gắng sử dụng những công cụ tinh vi nhất; kết quả là người đuổi càng nhanh, thì người chạy còn nhanh hơn. Khi mà các thuật toán chỉ giúp thông tin đến người đọc nhanh hơn mà chưa phân biệt để ngăn chặn được tin giả một cách hiệu quả, thì người tiếp cận thông tin cần phải tự nâng cao ý thức, năng lực, trách nhiệm xã hội để phòng chống “virus” tin giả.
Lực lượng chức năng Sóc Trăng xử phạt một trường hợp đăng bài sai sự thật trên mạng xã hội. (Nguồn: TTXVN) |
Để kiểm soát và hạn chế tác hại xã hội của tin giả Việt Nam cần xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
(1) hoàn thiện pháp luật và tăng cường vai trò của quản lý nhà nước trong kiểm soát và giảm thiểu tác hại của tin giả.
(2) phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí trong kiểm soát và giảm thiểu tác hại của tin giả.
(3) tăng cường kỹ năng và trách nhiệm xã hội của công chúng trong trong tiếp cận và chia sẻ thông tin.
(4) tăng cường vai trò trách nhiệm của các tập đoàn truyền thông và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tin giả.
(5) tăng cường nghiên cứu khoa học, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống tin giả.
Việc tăng cường “khả năng đề kháng” của người dân, xã hội, doanh nghiệp và hệ thống chính trị trước tác động của tin giả trên cơ sở kết hợp giữa “phản ứng cứng và phản ứng mềm” đang trở thành một xu hướng có tính khả dĩ cần phải được nghiên cứu và áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới.
Có như thế, quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mỗi công dân đã được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qui định mới không quá đà dẫn đến lộng ngôn, loạn ngôn, vi phạm pháp luật, gây tác động tiêu cực đến an ninh xã hội, thuần phong mỹ tục, đến sự phát triển lành mạnh của đất nước và các giá trị đạo đức tiến bộ, công bằng xã hội.
Các bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy, niềm tin sai lệch được lan truyền thông tin giống như cách thức bệnh dịch lây lan. Trong đó, các tương tác xã hội trên môi trường truyền thông giống như virus lây nhiễm từ nhận thức, thái độ và hành vi của người này sang nhận thức, thái độ và hành vi của người khác. Khi các cá nhân chia sẻ tin giả, đồng nghĩa với việc niềm tin giả được “truyền nhiễm” các cá nhân, nhóm xã hội thông qua các mối tương tác xã hội hàng ngày của họ. |
* Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
| Cẩn trọng khi sử dụng thông tin phân vùng 'đỏ', 'vàng', 'xanh' lan truyền trên mạng xã hội Dữ liệu chuyên môn về phòng chống dịch thay đổi thường xuyên và được cập nhật liên tục việc sử dụng thông tin phân vùng ... |
| Instagram 'tham chiến' chống phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội Ngày 11/8, Instagram thông báo một số biện pháp mới nhằm ngăn chặn các nội dung mang tính phân biệt chủng tộc hoặc lạm dụng ... |