Thứ trưởng Đặng Minh Khôi phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao gồm Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi; Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ; bà Phạm Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, cùng các vị Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2022 đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Đón tiếp đoàn công tác, về phía Lãnh đạo tỉnh Thái Bình có: ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải; Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Đoàn Văn Vượng; và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang.
Đoàn công tác đã lắng nghe đại diện Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trình bày khái quát về tỉnh, bao gồm tình hình phát triển kinh tế-xã hội và công tác đối ngoại, cùng định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Được biết, tỉnh Thái Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như: nguồn khí mỏ tự nhiên ở thềm lục địa, mỏ nước khoáng tự nhiên với trữ lượng lớn (nước khoáng thiên nhiên Vital, nước khoáng Tiền Hải...)
Thái Bình có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao (số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,4 triệu người, mỗi năm có hơn 30.000 người bước vào độ tuổi lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 55% tổng số lao động). Trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học lớn (Đại học Y Dược Thái Bình và Đại học Thái Bình); 4 trường cao đẳng và 20 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo trên 33.500 người/năm, thuận lượi cho việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Với vị trí địa lý thuận lợi, Thái Bình được kết nối với Thủ đô Hà Nội (Sân bay quốc tế Nội Bài); thành phố Hải Phòng (Cảng biển quốc tế Hải Phòng) bằng hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ hiện đại, tiết kiệm thời gian di chuyển; trong giai đoạn tới, tuyến đường bộ ven biển nối liền Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình được hoàn thành sẽ rút ngắn hơn nữa thời gian di chuyền hàng hóa đến cảng biển, tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa Thái Bình với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và vùng.
Về tiềm năng quy hoạch mặt bằng phục vụ đầu tư: Trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 11 Khu công nghiệp (KCN) và 50 Cum công nghiệp (CCN) (tổng diện tích 5.082 ha); trong đó, đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 KCN và 31 CCN (tổng diện tích 2.195 ha). Khu Kinh tế Thái Bình đa ngành, đa chức năng, được quy hoạch với diện tích trên 30.000 ha tại hai huyện ven biển của tỉnh, hiện đang hoàn thiện quy hoạch chi tiết.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Về tiềm năng du lịch: tỉnh có các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như Cồn Vành, Cồn Đen; du lịch lễ hội tâm linh cũng rất phong phú, đặc biệt như di tích Chùa Keo, quần thể di tích Đền Trần, đền Đồng Bằng, đền A Sào...
Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP dự kiến đạt 55.924 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2018, là năm thứ ba liên tiếp, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đồng bằng Sông Hồng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 3.322 triệu USD, tương đương kế hoạch đề ra (3.318 triệu USD) trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.710 triệu USD, tăng 11%.
Tổng lượng khách du lịch cả năm ước đạt 817.000 lượt (khách quốc tế 7.100 lượt), doanh thu ước đạt hơn 335 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các vị Trưởng CQĐD Việt Nam nhiệm kỳ mới tiếp tục hỗ trợ tỉnh quảng bá, giới thiệu tỉnh Thái Bình đến với các nước, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu, khảo sát, đầu tư tại tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Lãnh đạo tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi khẳng định Bộ Ngoại giao luôn sẵn sàng đồng hành cùng địa phương, gắn hoạt động đối ngoại của Bộ cả trong và ngoài nước với mục tiêu hỗ trợ địa phương kết nối, tăng cường hợp tác quốc tế, phục vụ phát triển.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, các CQĐD Việt Nam tại nước ngoài có thể hỗ trợ tỉnh đối với một số lĩnh vực, cụ thể như sau:
Đối với việc hỗ trợ đoàn ra/đoàn vào: Các CQĐD là đầu mối để giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư - thương mại tại địa bàn. CQĐD sẽ hỗ trợ việc kết nối với nước sở tại, xây dựng chương trình và một số nội dung làm việc trên cơ sở yêu cầu, mục đích của tỉnh.
Đối với việc hợp tác với các địa phương nước ngoài: Các CQĐD sẽ giúp tổng hợp, đánh giá và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của các địa phương nước ngoài có các đặc điểm tương đồng và nhu cầu hợp tác; đồng thời kiến nghị và hỗ trợ tỉnh thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ với địa phương nước ngoài. Đề nghị Thái Bình chủ động, tích cực kết nối, phối hợp chặt chẽ với các CQĐD: (i) triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác như đã dự kiến; (ii) tiếp tục dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mình và những điểm tương đồng giữa Tỉnh với các địa phương nước ngoài để chủ động gợi ý, đề nghị các CQĐD giúp tìm hiểu khả năng hợp tác với các địa phương nước ngoài cụ thể.
Đối với công tác ngoại giao kinh tế, thu hút vốn đầu tư, viện trợ nước ngoài: Bộ Ngoại giao với mạng lưới 94 CQĐD ở nước ngoài luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với tỉnh để cung cấp thông tin (dự án đầu tư, hội trợ, triển lãm, diễn đàn…); giới thiệu tình hình, khả năng và nhu cầu hợp tác giữa doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp nước ngoài, tư vấn về biện pháp hợp tác; hỗ trợ địa phương xúc tiến, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học công nghệ, phát triển thị trường lao động ngoài nước, nâng cao năng lực quản lý đô thị; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp nước ngoài khi có yêu cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi thay mặt Bộ Ngoại giao đề xuất với tỉnh một số hướng, kênh tăng cường hợp tác như sau:
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là với Cục Ngoại vụ; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động do Bộ Ngoại giao tổ chức; chủ động kiến nghị tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị liên quan tới các đối tác mà tỉnh mong muốn mở rộng quan hệ đồng thời đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tới các đối tác.
Xác định rõ trọng tâm, nhu cầu về hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới để Bộ Ngoại giao và các CQĐD hỗ trợ tìm kiếm đối tác phù hợp.
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư và các hoạt động xúc tiến để chuẩn bị tốt cho việc tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã và sẽ ký kết; điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Tự do Thương mại với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc.
Đối với việc hỗ trợ Tỉnh vận động các dự án FDI, ODA và NGO: Từ nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao và hệ thống CQĐD Việt Nam ở nước ngoài luôn quan tâm, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác vận động ODA và vốn vay ưu đãi cho các địa phương.
Về công tác phi chính phủ nước ngoài, Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao là cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Bộ sẽ quan tâm, trao đổi thông tin và giới thiệu các đối tác PCPNN phù hợp. Bên cạnh đó, các CQĐD Việt Nam tại nước ngoài sẽ chủ động thúc đẩy, thu hút các tổ chức PCPNN vào hoạt động, viện trợ tại địa phương. Đề nghị Tỉnh tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng phối hợp đồng bộ giữa Tổ công tác PCPNN tỉnh và Ủy ban công tác PCPNN của Trung ương trong công tác vận động, quản lý viện trợ và hoạt động của các tổ chức PCPNN.
Đối với công tác ngoại giao văn hóa: Các CQĐD sẽ hỗ trợ (i) giới thiệu, quảng bá về thế mạnh văn hóa của Tỉnh với các đối tác nước ngoài; tổng hợp, đánh giá, cung cấp thông tin và kiến nghị biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa; (ii) giới thiệu về văn hóa của các nước khác; (iii) hỗ trợ trao đổi đoàn và hoạt động giao lưu văn hóa của Tỉnh với nước ngoài, tổ chức hoạt động, sự kiện văn hóa của Tỉnh tại nước ngoài. Các CQĐD sẽ quan tâm đến nhu cầu của tỉnh trong việc quảng bá và tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch của tỉnh.
Để công tác ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu quả hơn, đề nghị tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao trong tổ chức các chương trình ngoại giao văn hóa; bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa, đặc biệt là về ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động hơn nữa triển khai kế hoạch hành động Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020; chủ động và tích cực trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy các danh hiệu quốc tế, lưu ý cân bằng công tác bảo tồn và phát triển và gắn bảo tồn di sản với phát triển bền vững.
Đối với công tác lãnh sự và bảo hộ công dân: Các CQĐD sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi có sự việc phát sinh hoặc khi có đề nghị bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam tại nước ngoài.
Đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương có hình thức tuyên truyền hướng dẫn để công dân địa phương ra nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin về nước sở tại, tránh rơi vào tình trạng vi phạm quy định, pháp luật nước ngoài.
Lãnh đạo tỉnh trao quà kỷ niệm cho Thứ trưởng Đặng Minh Khôi, đại diện cho Đoàn công tác. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Sau buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh, Đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến tham quan một số nhà máy của Công ty Cổ phần Sản xuất Hàng thể thao – MXP JSC đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Công ty MXP là một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Việt Nam. Với hơn 16.000 lao động làm việc tại 6 nhà máy, MXP là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có năng lực quản trị và sản xuất tiên tiến nhất Việt Nam, vươn tầm khu vực. Hiện nay MXP đang là nhà sản xuất cho các nhãn hàng lớn như The North Face, lululemon, Under Armour, Patagonia, Athleta, Hill City, Marmot, REI, … Các sản phẩm do MXP sản xuất đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, Canada và đang vươn ra nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á.
Rời Công ty MXP, đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đi thăm thắng cảnh Chùa Keo ở huyện Vũ Thư, và tham dự buổi gặp mặt giữa Lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Tại buổi gặp mặt này, Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ thay mặt đoàn Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát biểu nêu rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thái Bình, hôi tụ đủ các yếu tố: thiên thời (đất nước có tình hình chính trị, kinh tế xã hội ổn định, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao…); địa lợi (trong giai đoạn tới, tuyến đường bộ ven biển nối liền Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình được hoàn thành tạo điều kiện kết nối thuận lợi giữa Thái Bình với các trục giao thông huyết mạch của quốc gia và vùng); nhân hòa (đội ngũ Lãnh đạo tỉnh rất năng động, tỉnh có lực lượng lao động trẻ dồi dào, cần cù, được qua đào tạo). Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Bình.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác:
Đoàn công tác thăm và làm việc tại Công ty MXP. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đoàn công tác thăm nhà máy của Công ty MXP. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đoàn công tác thăm nhà máy của Công ty MXP. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đoàn công tác thăm chùa Keo, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đại sứ Cao Trần Quốc Hải, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ phát biểu tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Một tiết mục văn nghệ tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp FDI ở Thái Bình. (Ảnh: Trung Hiếu) |