📞

Cải cách Phố Wall?

14:50 | 23/07/2010
Đã 2 năm kể từ khi Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ, đánh dấu thời điểm thế giới trở nên hoảng sợ với những hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính. Kinh tế thế giới đang dần hồi phục, nền tài chính bị cho là "ốm yếu" của Mỹ được dịp cải tổ với hàng loạt sửa đổi...

Những cái mới

Vào năm 2005, Raghuram Rajan - nhà kinh tế trưởng của Đại học Chicago và cũng từng là chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra quan điểm: "Liệu có phải sự phát triển trong lĩnh vực tài chính đã khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn?" - câu trả lời của ông là "Có".

Câu trả lời bằng thực tế đã xảy ra không mong đợi chỉ sau đó ít năm. Theo GS. Rajan, sai lầm vấp phải bao gồm động cơ bị bóp méo, sự ngạo mạn, niềm tin đặt nhầm chỗ và hành vi điên rồ, khiến những rủi ro trên phát triển mạnh hơn thực tế nó đáng phải có. Chính Mỹ chứ không phải nơi nào khác phát kiến ra những "đột phá" trong lĩnh vực tài chính.

Quá trình phi luật lệ hóa ở nước này được bắt đầu từ cuối những năm 70, tăng tốc vào hai thập niên 80 và 90 với đỉnh cao là một đạo luật cho phép thị trường hợp đồng hoán đổi phát triển rất nhanh, gần như không chịu điều tiết. Đồng thời bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall 1933 tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Mặc dù, đã có nhiều luật lệ điều chỉnh việc quản lý doanh nghiệp ra đời sau bong bóng dotcom và phá sản của Enron, nhưng riêng ngành tài chính, tâm lý phi luật lệ hóa vẫn tiếp tục cho đến tận khủng hoảng 2007.

Mới đây, bộ luật mới với tên gọi Đạo luật Cải cách phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng (còn gọi là Đạo luật Dodd-Frank) vừa được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Một cơ quan bảo vệ tài chính cho người tiêu dùng ra đời với quyền lực rộng lớn, có thể soạn thảo các quy tắc và cấm các sản phẩm tài chính. Quyền lực của các cơ quan giám sát được nới rộng để buộc cả chủ nợ và cổ đông đều phải chịu thua lỗ và yêu cầu các tập đoàn tài chính khỏe mạnh phải chịu chi phí giải quyết hậu quả nếu đối thủ sụp đổ. Đạo luật cũng yêu cầu các chứng khoán phái sinh "tiêu chuẩn" phải được giao dịch qua trung tâm lưu ký và sở giao dịch, các hợp đồng được xây dựng tùy chọn sẽ phải chịu chi phí vốn cao hơn, yêu cầu quỹ đầu cơ và công ty vốn cổ phần quản lý từ 150 triệu USD trở lên đăng ký với Ủy ban chứng khoán và cung cấp thông tin về danh mục cũng như các giao dịch của họ.

Các tổ chức "chứng khoán hóa" các khoản vay sẽ phải giữ lại nhiều rủi ro hơn. Cái gọi là quy tắc Volcker sẽ hạn chế giao dịch tự doanh và đầu tư vào các quỹ đầu cơ và quỹ vốn cổ phần của ngân hàng. Thị trường công cụ phái sinh sẽ không còn được để mặc cho tự hoạt động nữa.

Những quy định trên được ca tụng cũng như lên án với mức độ như nhau. Một số người coi đó là một bước tiến lớn trong bối cảnh vẫn chưa có cơ chế điều tiết nào đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng như hiện nay. Số khác lại lo ngại rằng nó có thể tạo ra thêm nhiều vụ cứu trợ khác. Còn GS. Rajan lại vừa mới cảnh báo "Còn tồn tại vết xe đổ ngay trước mắt chúng ta, cẩn thận kẻo dẫm lên".

… Và những cái không thể cũ hơn

Một thể chế mới, một cơ quan mới, nhiều quy định chặt chẽ hơn và cũng không ít những mặc cả chính trị. Đó là những cái mới của một văn bản được coi là bộ luật quan trọng nhất về tài chính của nước Mỹ kể từ sau Đại suy thoái.

Tuy nhiên, những người không ủng hộ cho rằng, Đạo luật Dodd-Frank đầy rẫy những thỏa hiệp bừa bãi. Quy tắc Volcker bị nới lỏng để cho phép ngân hàng đầu tư tối đa 3% vốn cấp 1 vào quỹ đầu cơ và quỹ vốn cổ phần, tương đương 3-4 tỷ USD với các ngân hàng lớn nhất.

Việc có cấm giao dịch tự doanh hay không còn phải đợi một hội đồng các cơ quan giám sát do Bộ Tài chính đứng đầu nghiên cứu và phê chuẩn, nên các công ty sẽ có ít nhất 7 năm để thanh lý tài sản.

Thỏa hiệp về bộ phận hợp đồng hoán đổi còn tùy tiện hơn. Ngân hàng có thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng hoán đổi lãi suất, ngoại hối và tín dụng chất lượng cao; các hợp đồng hoán đổi được cho là rủi ro hơn như hoán đổi hàng hóa, cổ phiếu và tín dụng hạng đầu cơ thì phải được tách ra và chuyển vào một công ty con với chi phí vốn cao hơn.

Các cơ quan giám sát ngân hàng từ lâu đã sao lãng bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng cơ quan mới này rất có thể sẽ lại là một tổ chức hành chính quan liêu nữa. Hơn nữa, có những thiếu sót đáng chú ý. Các tác giả của đạo luật này lờ đi những câu hỏi lớn như vị thế trong tương lai của Fannie Mae và Freddie Mac. Điều này khiến phe Cộng hòa thất vọng vì họ xem hai cơ quan này đã góp phần gây nên khủng hoảng tài chính. Đạo luật cũng không thật sự tổ chức lại được các cơ quan giám sát liên bang. Lý do của việc này là sức ép chính trị có thể hủy hoại toàn bộ đạo luật.

Minh Anh