Thủ tướng Netanyahu (ngồi thứ 3 từ trái sang) tại phiên họp Quốc hội để bỏ phiếu về kế hoạch cải cách tư pháp Israel hôm 21/2. (Nguồn: AP) |
Ngày 21/2, một số phương tiện truyền thông tiếng Do Thái đưa tin, trong cuộc gặp người đồng cấp Israel Yariv Levin, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann đã bày tỏ quan ngại trước các nỗ lực của chính phủ Nhà nước Do Thái về việc cải cách tư pháp. Các nguồn tin Đức cũng xác nhận việc này.
Tuy nhiên, theo trang tin Ynet, các quan chức Israel bác bỏ việc ông Buschmann thể hiện quan ngại, thay vào đó, quan chức Đức chỉ nêu câu hỏi về kế hoạch cải cách tư pháp.
Cùng ngày, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) Volker Turk cũng đã kêu gọi Israel tạm ngừng kế hoạch cải cách tư pháp.
Theo ông Turk, "những cải cách này có nguy cơ làm suy yếu cơ chế bảo vệ nhân quyền cho tất cả… và sẽ làm xói mòn nghiêm trọng năng lực của tư pháp trong công tác bảo vệ các quyền cá nhân”.
Tuy nhiên, trước lời kêu gọi của quan chức LHQ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày bày tỏ sự không vui, đồng thời nói rõ, quyết định tiến hành cải cách tư pháp "sẽ tăng cường dân chủ" tại Nhà nước Do Thái.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cũng phản bác bình luận của ông Turk, cho rằng vị Cao ủy Nhân quyền không có thẩm quyền đưa ra những bình luận này cũng như không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ" của quốc gia Trung Đông.
Hôm 21/2, Quốc hội Israel đã bỏ phiếu tán thành kế hoạch cải cách tư pháp đang gây tranh cãi của Thủ tướng Netanyahu.
Trong phiên xem xét đầu tiên, Quốc hội nước này đã thông qua 2 dự luật đầu tiên trong cải cách tư pháp, với 63 phiếu ủng hộ, 47 phiếu chống trong tổng số 120 nghị sĩ.
Hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung trước cơ quan lập Pháp Israel cũng như nhiều địa phương khác để phản đối động thái này.