📞

Cái tên cũng nói lên sự chuyên nghiệp

07:00 | 11/03/2016
Ngay sau trận derby Hà Nội vào 6/3, chủ tịch CLB Hà Nội ông Nguyễn Giang Đông đã xác nhận việc đội bóng của ông sẽ Nam tiến kể từ vòng năm và đổi tên thành CLB Bóng đá… Sài Gòn.
CĐV Hull City phản đối ý tưởng đổi tên đội bóng của tỷ phú Allam.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đông cho biết:“Các đơn vị trong TP. Hồ Chí Mình nắm cổ phần rất lớn của Công ty phát triển bóng đá Hà Nội. Họ đề nghị đưa CLB Hà Nội chuyển vào phía Nam và thi đấu phục vụ người hâm mộ ở đây”.

Không chỉ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, quyết định đổi tên đã khiến cho CLB Hà Nội mất điểm hoàn toàn trong lòng người hâm mộ Thủ đô. Vừa lên chơi tại V-League, chỉ sau vài vòng đấu, họ đã “hô biến” tên mình thành Sài Gòn chỉ để tìm đến một môi trường mới, với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn. Và chắc chắn người dân ở thành phố mang tên Bác cũng khó lòng chấp nhận đội bóng này dù cho họ đang thiếu vắng đại diện ở V-League. Tình yêu chân chính phải có sự chọn lọc chứ không hề bừa bãi.

Đổi tên CLB chẳng phải là câu chuyện mới ở V-League. Kể từ khi giải đấu ra đời, đánh dấu nền bóng đá chuyển sang giai đoạn chuyên nghiệp đến nay, các đội bóng tham gia đều có những cái tên… rất dài theo công thức ghép tên địa phương đội bóng với một doanh nghiệp tài trợ. Và thế là những sự gắn kết mang tính chất thời vụ giữa CLB và doanh nghiệp đã tạo ra hiện tượng hỗn loạn về tên đội bóng. Hải Phòng là “trùm thay tên” tại V-League. Cái tên truyền thống là Công An Hải Phòng chỉ tồn tại được hai mùa giải đầu tiên. Sau đó, đội bóng đất Cảng bắt đầu đổi sang Thép Việt - Úc Hải Phòng, Mitsustar Hải Phòng, Mitsustar Haier Hải Phòng, Vạn Hoa Hải Phòng, Xi Măng Hải Phòng, Vicem Hải Phòng, Xi Măng Vicem Hải Phòng và nay là CLB bóng đá Hải Phòng. Tuy nhiên, có lẽ không có đội bóng nào lại đổi tên 180 độ từ Hà Nội thành Sài Gòn như trường hợp vừa qua.

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) có quy định cấm các đội bóng gắn tên sản phẩm vào tên CLB khi ra thi đấu ở đấu trường quốc tế. Do không nắm rõ cũng như không được tư vấn về quy định này, năm 2013, CLB Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đã suýt chút nữa đã bị tước quyền tham dự AFC Cup.

Nhìn ra thế giới, Man United, Chelsea, Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich… hay những đội bóng thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước kia như Spartak Moscow, Dinamo Zagreb, Red Star Belgrade đều không bao giờ chấp nhận đổi tên dẫu cho khoản tiền tài trợ của doanh nghiệp có kếch xù đi chăng nữa. Họa hoằn lắm, một vài đội bóng chấp nhận bán đi tên gọi của SVĐ như trường hợp của Arsenal (từ Highbury thành Emirates) hay Man City (từ The City of Manchester thành Etihad). Dù vậy, họ này vẫn vấp phải sự phản đối dữ dội người hâm mộ.

Năm 2014, CLB Hull City AFC ở Premier League gửi đơn lên Liên đoàn bóng đá Anh (FA) đề nghị đổi tên đội bóng thành Hull Tigers. Ông chủ Assem Allam của đội lấy lý do từ “City” được quá nhiều đội bóng sử dụng và cái tên hiện tại… quá dài để có thể quảng bá trên toàn cầu.

Thế nhưng, hai lần đề xuất của ông Allam đều bị FA từ chối thẳng thừng. Tất nhiên, người vui nhất với quyết định này là các CĐV bởi họ không muốn mất đi cái tên đã gắn bó với đội bóng hơn 110 năm qua.

Dù vậy, ông bầu Allam vẫn rất hậm hực và tuyên bố sẽ quyết đổi tên bằng mọi giá. Thậm chí, vị tỷ phú người Ai Cập này còn dọa sẽ “bỏ rơi” đội bóng nếu không được toại nguyện. Chẳng biết có phải vì mải mê với chuyện đổi tên hai không mà ở mùa giải năm ấy, “Những Chú hổ” phải nhận vé xuống hạng.

Có lẽ, CLB Hà Nội cũng nên tham khảo bài học của Hull City!