📞

Cải thiện cơ chế hút vốn để phát triển giao thông

08:21 | 11/11/2012
Phát triển hệ thống giao thông đô thị là bài toán khó trên mọi phương diện. Tuy nhiên, cái khó đầu tiên vẫn là tiền đâu? Bởi chỉ một “bà đỡ” của dự án là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì hoàn toàn không ổn, cần phải tìm nhiều kênh vốn khác.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đang thi công dang dở.

Theo kế hoạch đến năm 2016, Hà Nội sẽ có tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên được đưa vào sử dụng. tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (tuyến số 3) được thiết kế là đường sắt đôi khổ 1,435 m, với tổng chiều dài 12,5 km (trong đó có 4 km đi ngầm) gồm 12 nhà ga (bắt đầu tại Nhổn và kết thúc tại ga Hà Nội). Tổng mức đầu tư của dự án tính tại thời điểm năm 2008 là 783 triệu euro. Còn tuyến đường sắt số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) có tổng chiều dài 11,5 km, trong đó tuyến đi ngầm dài 8,5 km và có 7 ga. Điểm đầu tuyến tại Ciputra, đi qua Hoàng Quốc Việt, Thụy Khuê, Hàng Ngang, Hàng Bài và điểm cuối giao với phố Trần Hưng Đạo.Tuyến này có mức đầu tư theo giá năm 2008 là hơn 19.500 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Nhật Bản. Dự án này dự kiến được hoàn thành năm 2017.

Tiếp tục tìm nhiều kênh vốn khác

Do vốn lớn, công nghệ hiện đại nên hầu hết các dự án đường sắt đô thị được triển khai với nguồn vốn vay nước ngoài. Cụ thể, 80% là từ nguồn vốn vay ODA được tài trợ bởi các ngân hàng tổ chức tín dụng nước ngoài... gây nên sự phụ thuộc rất lớn. Vì vậy, về lâu dài cần khơi thêm các kênh vốn khác. Ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho rằng việc huy động nguồn vốn tư nhân theo mô hình hợp tác công tư (mô hình PPP) là một hướng đi triển vọng, cần thiết cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Bởi về lâu dài, Việt Nam vẫn đang có nhu cầu vốn lớn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện chưa có khung pháp lý đầy đủ và phù hợp cho các dự án xây dựng không gian ngầm đô thị; thiếu các quy định áp dụng cho các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành. Bên cạnh đó, đầu tư vào các dự án hầu hết là tiền đi vay nên việc phải cùng lúc áp dụng nhiều điều khoản (do các tổ chức cho vay đề ra) gây khó khăn cho quá trình quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng.

Giám đốc Ban QLDA đường sắt đô thị TP.HCM Nguyễn Văn Quốc chia sẻ, hiện TP.HCM có 9 dự án đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 100km. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hiện chỉ có một tuyến đang trong quá trình xây dựng (bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản), 8 dự án còn lại vẫn đang phải "nằm chờ".

Theo phân tích của Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, hiện tại đường sắt đô thị đang ở giai đoạn mới phát triển, nên có rất nhiều cơ hội đầu tư. Điều quan trọng là có cơ chế thu hút vốn hợp lý, huy động sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời xóa bỏ những “rào cản” trong khâu cấp phép, cơ chế thu hồi vốn thấp, quy định chưa rõ ràng vai trò trách nhiệm của Nhà nước, tư nhân khi hợp tác...

Mở cửa với nhà đầu tư nước ngoài

Tại hội thảo “Giao thông đô thị-công nghệ và kinh nghiệm của Pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng với tốc độ đô thị hóa nhanh và các yếu tố thuận lợi khác, Việt Nam cần phải phát triển hệ thống vận tải đường sắt đô thị, và mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là ngành đường sắt phải đáp ứng 13% vận tải hành khách và 14% vận tải hàng hóa.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia nhận định, cần sự chung tay của nhiều thành phần kinh tế - xã hội khi tham gia xây dựng các tuyến đường sắt đô thị. Theo GS Vũ Đình Phụng, giảng viên trường Đại học Xây dựng, thành viên Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, TP cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc quản lý và xây dựng các cơ sở hạ tầng GTCC, đồng thời tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức nước ngoài. Quan trọng hơn cả là cần tích cực tham mưu cho lãnh đạo TP, các bộ, ban, ngành trong việc đề ra những chính sách khuyến khích phù hợp, cởi mở cho các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài.

Trong khi đó, Giám đốc Tập đoàn EGIS Bruno Vantu khẳng định, để thu hút được nhiều hơn vốn cũng như kêu gọi sự tham gia của đông đảo các nhà thầu trong và ngoài nước, TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp lý phù hợp, tăng cường tính minh bạch và đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án công - tư PPP

Nguyễn Việt