📞

Cải thiện không khí ở New Delhi: Bài toán còn nhiều tranh cãi

TRUNG HIẾU 15:14 | 27/11/2021
Nhiều trường học và nhà máy ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ buộc phải đóng cửa do tình trạng ô nhiễm không khí cao.
Màn sương mù độc hại ở trung tâm thủ đô New Delhi. (Nguồn: IQ Air)

Một lớp màn dày đặc của khói mù độc hại bao trùm lên thủ đô New Delhi, buộc các trường học phải đóng cửa và khiến người dân kêu gọi chính phủ hành động khẩn trương. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Ấn Độ phản ứng chậm và ít hiệu quả.

Ô nhiễm không khí trầm trọng trở thành một hiện tượng hằng năm và các nhà khoa học Ấn Độ có thể dự đoán chính xác những ngày tồi tệ nhất. Tuy nhiên, bất đồng giữa các đảng phái và hoạt động thiếu hiệu quả của một số cơ quan đã cản trở những nỗ lực làm sạch không khí.

Cư dân New Delhi đều cho rằng có nhiều việc cần làm hơn nữa để giải quyết tình hình. Ông Jai Dhar Gupta, chủ một doanh nghiệp nhỏ, cho biết: “Mấy tuần nay tôi thấy không thể chịu đựng được nữa”.

Ông Gupta đã trở thành nhà hoạt động chống ô nhiễm không khí từ năm 2013, sau khi mắc bệnh hen suyễn.“Thực sự đáng buồn cho một quốc gia mà mỗi khi có trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, Tòa án Tối cao buộc phải can thiệp”, ông Gupta nói.

Tòa án vào cuộc

Tòa án Tối cao Ấn Độ đã yêu cầu đóng cửa các nhà máy và ra lệnh cho nông dân ngừng đốt ruộng. Tòa án vào cuối tuần trước đã xem xét đơn kiện của một nhà hoạt động môi trường sau khi thành phố phải chịu đựng mức độ ô nhiễm tương đương với mức độ gây ra bởi các vụ cháy rừng lớn.

Vào trung tuần tháng 11, các biện pháp khẩn cấp do Tòa án yêu cầu thi hành đã có hiệu lực. Hoạt động xây dựng, máy phát điện diesel và xe tải bị cấm. Các trường học đóng cửa và các nhà tuyển dụng được yêu cầu để một nửa số nhân viên của họ ở nhà. Sáu nhà máy điện ở ngoại ô New Delhi được lệnh đóng cửa.

Dưới áp lực từ Tòa án, các quan chức thành phố đang triển khai các hoạt động bao gồm sử dụng “súng chống khói” (tạo lớp sương mù nhân tạo để đỡ bụi), dùng xe cứu hỏa phun ướt đường phố và dùng chất khử bụi hóa học.

Chất lượng không khí của Ấn Độ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi việc lạm dụng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt trong hai thập niên qua khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng. Năm ngoái, Ấn Độ “góp mặt” 15 trong số 20 thành phố có không khí độc hại nhất trên toàn cầu và các chuyên gia y tế cho biết điều kiện sống như vậy có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp và tử vong sớm.

Việc chấm dứt sử dụng than đá và củi sẽ rất khó khăn. Đây là một thực tế được nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán về khí hậu vừa diễn ra ở Glasgow, Scotland. Trong các cuộc đàm phán ở Scotland, Ấn Độ yêu cầu sửa đổi vào phút cuối đối với ngôn ngữ của hiệp định, để “giảm” việc sử dụng than thay vì “ngừng” sử dụng nó.

“Nghịch lý” từ than - củi

Thủ tướng Ấn Độ Modi lập luận rằng việc Ấn Độ sử dụng nhiều than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác giúp phát triển nền kinh tế đang đưa hàng triệu người thoát đói nghèo. Nhưng khí thải từ việc đốt than làm cho vấn đề ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn đối với cư dân thành phố.

Các thành phố cũng phải hứng chịu lượng khí thải ô tô ngày càng tăng và khói do dân nghèo đốt củi để nấu thức ăn và sưởi ấm, đặc biệt khi thời tiết lạnh hơn vào tháng 11. Chất lượng không khí của New Delhi cũng bị ảnh hưởng từ việc nông dân các bang lân cận Punjab và Haryana đốt rơm rạ. Không khí xấu lan xuống vùng đồng bằng Ấn - Hằng ở miền Bắc Ấn Độ, bị mắc kẹt giữa sa mạc Thar và dãy núi Himalaya, tạo thành một “vùng chứa” chất độc.

Chất lượng không khí của Ấn Độ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi việc lạm dụng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt trong hai thập niên qua khi nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh chóng.

Chính phủ của ông Modi nói rằng, Delhi do một đảng chính trị đối lập điều hành, đã không thực thi các chính sách giảm thiểu ô nhiễm của họ, chẳng hạn như giới hạn phương tiện giao thông vào những ngày ô nhiễm tăng cao. Đầu tuần này, ông Adesh Gupta, thư ký khu vực Delhi của đảng BJP cầm quyền nói rằng, quan chức đứng đầu Delhi, ông Arvind Kejriwal, nên từ chức.

Ông Gupta nói: “Thay vì biến Delhi trở thành một thành phố đẳng cấp thế giới như ông ấy tuyên bố, Kejriwal đã biến nó thành một thành phố sương mù”.

Đến lượt mình, các quan chức Delhi nói rằng chính phủ ông Modi đã không thuyết phục được nông dân ở các bang lân cận ngừng dùng lửa phát quang ruộng.

Ông Kejriwal nói: “Nông dân ở các bang lân cận buộc phải đốt rơm rạ vì chính quyền bang của họ không làm gì cho họ”.

Mặt trời đỏ mờ ảo sau bầu trời đầy khói, công dân Jasmer Singh ngồi nghỉ dưới một tòa tháp lọc khói ở trung tâm Delhi. Màn hình đo mức độ ô nhiễm cho thấy không khí mà tòa tháp phun ra sạch hơn một chút, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều mức mà Tổ chức Y tế thế giới coi là an toàn.

Tuy nhiên, ông Singh cho biết: “Quanh đây, không khí đã dễ thở hơn nhiều”.

(theo The New York Times)