📞

Cải thiện thể chế, môi trường, 'đón sóng' đầu tư từ doanh nghiệp FDI

Minh Nhật 20:47 | 26/04/2021
Chính phủ Việt Nam đang và sẽ không ngừng nỗ lực cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như Việt Nam cùng phát triển và hợp tác phát triển, tạo nên sức bật cho kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh chung cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, chiều 26/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ngày 26/4, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề "Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội".

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và hơn 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công cuộc Đổi mới.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Với chủ trương này, Việt Nam đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện nhiều chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhờ đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và đến nay thực sự trở thành một bộ phận quan trọng của kinh tế Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam là một câu chuyện thành công về vươn lên thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ tin tưởng, "các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ nắm bắt tốt các cơ hội lớn từ khơi thông những động lực phát triển này để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ cùng đất nước".

Đối với Bộ Ngoại giao, nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trụ cột của ngành Ngoại giao, trong đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Phát huy mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp một số đại diện tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng và toàn diện, ngành Ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong trong kết nối các địa phương và doanh nghiệp với các xu thế phát triển lớn của thế giới, cùng nắm bắt các thời cơ và vận hội để thực hiện khát vọng vươn lên của đất nước.

Thông qua Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kỳ vọng, các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau; trên cơ sở đó, nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, năm 2020 là một năm đầy sóng gió bởi đại dịch Covid-19 hoành hành đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái và đối mặt với vô vàn khó khăn.

Cạnh tranh nước lớn gia tăng. Biến đổi khí hậu, thiên tai… ở nhiều nơi gây nên những hậu quả kinh tế, xã hội rất nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, cho dù gặp rất nhiều khó khăn, năm 2020 được xem là năm thành công với những thành quả đáng ghi nhận.

Tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, là mức cao trong khu vực. Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại châu Á với giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhanh nhất thế giới - tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước chưa như kỳ vọng.

Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; Còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường; Hiệu quả sử dụng các nguồn lực và các nguồn tài nguyên của nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn thấp và chưa thực sự bền vững…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ một số đại diện tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

"Những tồn tại, hạn chế này đã được nhận diện. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Phó Thủ tướng nêu rõ 4 vấn đề Chính phủ sẽ tập trung giải quyết:

Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Thời gian tới, khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển.

Đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, thành tựu FDI là đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội góp phần xoá đói giảm nghèo, khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đưa hàng hoá "Made in Việt Nam" vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những điều này ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế Việt Nam.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, khu vực FDI xứng đáng nhận được huân chương của Việt Nam nhưng cũng có mặt trái của FDI mà chúng ta trăn trở.

Đó là, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng con hổ nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao.

Đáng lưu ý, một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật, mua bán sáp nhập nếu không kiểm soát tốt ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.

"Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Làn sóng này không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ đô nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là định hướng rõ ràng trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn tới. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng", Chủ tịch VCCI đề xuất.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc trao đổi với các đại biểu bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia chia sẻ của nhiều lãnh đạo địa phương cùng đại diện các hiệp hội xúc tiến thương mại và doanh nghiệp.

Đây cũng là cơ hội để lãnh đạo địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo và đánh giá về các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng những thay đổi của bối cảnh kinh tế thế giới mới, cũng như tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Những nội dung được đề cập và trao đổi trong Phiên thảo luận gồm: i) nhận diện bối cảnh và đánh giá cơ hội dịch chuyển đầu tư; ii) xác định chiến lược thu hút đầu tư, đón dòng dịch chuyển mới phù hợp với chủ trương quy hoạch phát triển và tiềm năng, lợi thế của các địa phương; iii) những sáng kiến và giải pháp trên thực tiễn đã được các địa phương triển khai nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp vượt qua thách thức, hoạt động có hiệu quả, tăng cường mở rộng quy mô đầu tư.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) và Công ty TNHH Maistream Renewable Power Việt Nam về bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Ngoại vụ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ kết nối với các địa phương Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio để trao đổi về tình hình quan hệ và tiềm năng hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương của hai bên trong thời gian qua. Bộ trưởng cho biết, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, tin cậy và lâu dài.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua giao lưu, tiếp xúc các cấp; đồng thời tăng cường hợp tác chống Covid-19, nối lại đi lại, thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là tăng cường liên kết kinh tế.

Về hợp tác cấp địa phương, mảng hợp tác được thúc đẩy năng động những năm qua, hai bên chia sẻ trong bối cảnh Covid-19 còn gây nhiều cản trở giao lưu, hai bên càng cần phải sáng tạo, đổi mới và đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương hai nước duy trì và củng cố quan hệ hợp tác.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên nhất trí cùng tăng cường hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, nhất là Liên hợp quốc, ASEAN và các vấn đề Biển Đông.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ hợp tác chặt chẽ với Đại sứ để khai phá “tiềm năng vô hạn” của quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Nhật.