📞

Cải tổ nội các Nhật Bản: Thay đổi để tồn tại

14:31 | 10/08/2017
Động thái “thay máu” nội các và ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được cho là nhằm khôi phục uy tín của chính phủ đương nhiệm với người dân.

Đầu tháng Tám, ông Abe đã tuyên bố cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng LDP cầm quyền. Động thái này diễn ra trong bối cảnh ủng hộ của người dân với chính quyền đương nhiệm đã tụt xuống dưới 30%, mức thấp nhất kể từ khi Thủ tướng Abe trở lại chính trường hồi tháng 12/2012. Đây cũng là lần thay đổi nội các Nhật Bản thứ ba của ông Abe kể từ khi ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản 5 năm trước.

Nội các mới của Nhật Bản ra mắt công chúng ngày 3/8. (Nguồn: Japan Times)

Đáng chú ý, trong số 19 thành viên của nội các cải tổ có sáu gương mặt mới, còn 13 thành viên khác đều có kinh nghiệm nắm giữ các chức vụ lãnh đạo. Dường như Thủ tướng Abe đang muốn cân bằng lại nội các của mình. Ông bổ nhiệm những cá nhân có tư tưởng cởi mở và thẳng thắn hơn, nhưng vẫn giữ lại những trụ cột trong nội các cũ để duy trì tính tiếp nối và xây dựng sự ổn định.

Làn gió mới

Thay đổi đáng chú ý nhất trong nội các Nhật Bản lần này là ở vị trí người đứng đầu ngành Ngoại giao. Thay thế cho ông Fumio Kishida là Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính Taro Kono. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống chính trị, có cha là cựu Chánh Văn phòng nội các Yohei Kono, ông Taro Kono có quan điểm khác biệt với các nhà lãnh đạo thế hệ trước, trong đó có Thủ tướng Abe. Ông từng gây ngạc nhiên khi yêu cầu đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, hay thẳng thắn chỉ trích những động thái ngăn cản người nhập cư của Chính phủ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng việc ông Kono tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ), có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh và có mối quan hệ gần gũi với Washington sẽ mang đến luồng gió mới cho quan hệ Nhật - Mỹ. Chủ tịch Quỹ WisdomTree Nhật Bản Jesper Koll nhận định: “Ông Kono có mối quan hệ rộng rãi với phía Mỹ, từ các nghị sĩ, các quan chức Bộ Ngoại giao cho đến lãnh đạo tập đoàn xuyên quốc gia và các nhà đầu tư lớn. Việc ông Kono làm người đứng đầu ngành Ngoại giao Nhật Bản có thể mang lại sự ổn định cho quan hệ giữa Washington và Tokyo, vốn đang gặp nhiều trắc trở”.

Trụ cột vững chãi

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ chuyển sang đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu chính sách của đảng LDP cầm quyền. Ông Kishida được xem là ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch LDP trong thời kỳ hậu Thủ tướng Abe, do đó việc đảm nhận chức vụ quan trọng trong đảng sẽ là bàn đạp thuận lợi cho ông Kishida tham gia tranh cử trong tương lai.

Một thay đổi khác đáng chú ý trong nội các lần này là việc ông Itsunori Onodera được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Bản thân ông Onodera từng có thời gian đảm nhiệm vị trí này trong hai năm dưới thời ông Abe. Nhà bình luận chính trị tại Shizuoka Philip McNeil nhận định việc bổ nhiệm vị chính trị gia dày dạn kinh nghiệm và được công chúng yêu mến này là bước đi an toàn của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Tuy nhiên, ông McNeil cho rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng cần phải chấn chỉnh lại các cơ quan của mình, để đảm bảo những vụ bê bối tương tự như thời của người tiền nhiệm Tomomi Inada sẽ không tái diễn.

Bên cạnh hàng loạt quyết định bổ nhiệm, ông Abe vẫn giữ nguyên một số vị trí chủ chốt như Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Tổng Thư ký đảng LDP Nikai Toshihiro và Bộ trưởng Công nghiệp, Kinh tế và Thương mại Hiroshige Seko. Theo giới quan sát, việc giữ lại những “công thần” của nội các cũ nhằm tạo tính tiếp nối, xây dựng sự ổn định cho nội các mới.

Khi cỗ xe lăn bánh

Động thái cải tổ nội các của Thủ tướng Abe đã ngay lập tức phát huy tác dụng. Cuộc thăm dò dư luận của nhật báo Mainichi ngày 4/8 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Chính phủ đã tăng 9%, lên mức 35%. Bên cạnh đó, những Bộ trưởng mới được bổ nhiệm cũng đã đạt được thành tựu bước đầu. Ngày 7/8, tân Bộ trưởng Taro Kono đã có các cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 50 tại Manila, Philippines.

Trong khi đó, ngày 6/8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cũng có buổi họp báo đầu tiên. Ông cho rằng Nhật Bản cần tăng cường sức mạnh quân sự và tiến tới việc tấn công phủ đầu các mối đe dọa an ninh quốc gia nếu cần thiết. Tokyo cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Washington và Seoul để gây áp lực, buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình.

Đánh giá về nước cờ của Thủ tướng Shinzo Abe, chuyên gia về Nhật Bản Michael MacArthur Bosack cho rằng nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thành công trong việc xoa dịu những chỉ trích và lấy lại niềm tin của người dân vào đảng cầm quyền LDP. Cùng chung ý kiến này, ông Yukio Okamoto - cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản, nhận định trên Financial Times: “Nội các mới rất vững chắc và chúng ta không phải lo lắng nhiều về họ”. Bên cạnh đó, ông Bosack tin rằng nếu “cỗ xe” mới của Nhật Bản có thể vận hành trơn tru và gắn kết, đây sẽ là tiền đề không nhỏ để ông Abe theo đuổi chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng “Abenomics”, cũng như mở rộng ảnh hưởng chính trị của đất nước Mặt trời mọc tại khu vực trong thời gian tới.