Những giấc mơ dang dở
“6 suất được bố trí đến Rouen”, một nhân viên người Pháp nói với những người tị nạn đang đứng thành hàng để chờ lên xe trung chuyển. Dilo, một thanh niên 24 tuổi từ Afghanistan, hỏi lại: “Nơi đó là ở đâu?”. Nhân viên người Pháp mở bản đồ ra và chỉ vào vùng Normandy: “Gần Paris”. Cuối cùng, sau nhiều ngày chờ đợi, Dilo cùng nhiều người tị nạn cũng đã rời khỏi “rừng” Calais trên chuyến xe có ghi dòng chữ: “Hãy theo đuổi giấc mơ của bạn”.
Đối với khoảng 8.000 người tị nạn - chủ yếu đến từ Sudan, Afghanistan và Eritrea - sống tạm bợ trong những túp lều ở Calais trong nhiều tuần qua, lựa chọn của họ không còn nhiều. Nhiều người muốn được định cư ở Anh - phía bên kia eo biển Manche, tuy nhiên việc London xây dựng những hàng rào thép gai xung quanh khu vực đường hầm cộng với sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của Pháp, đã khiến nhiều người tị nạn nản lòng. Một chàng trai 29 tuổi người Afghanistan tên Jan chia sẻ :“Tôi đã cố gắng vượt đường hầm nhiều lần nhưng không thành công”. Hiện tại, Jan cũng đang được bố trí tái định cư tại vùng Normandy, Pháp.
Khoảng 8.000 người sống tạm bợ trong các lều trại tại Calais. (Nguồn: Reuters) |
Cách đây khoảng 1 tháng, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ chủ động giải quyết vấn đề người tị nạn tại Calais - một động thái có phần bất bình trước việc chính phủ Anh từ chối tiếp nhận người tị nạn đang tập trung ở khu vực này. Cho đến nay, Anh mới chỉ tiếp nhận 200 trẻ em không có người lớn đi kèm, trong tổng số 1.400 em tại Calais. Theo quy định chung, London không nhất thiết phải chấp nhận những người tị nạn thông thường, bởi theo luật của Liên minh châu Âu (EU), những người này phải đăng ký tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đặt chân đến.
Bất chấp những căng thẳng giữa Anh – Pháp, việc giải tỏa lán trại Calais diễn ra một cách trật tự. Chỉ sau 3 ngày, gần 5.600 người đã được chuyển đến các trung tâm tiếp đón trên khắp nước Pháp. Hàng trăm trẻ em tại Calais đang được các tình nguyện viên chăm sóc tận tình để chờ đợi các thủ tục chuyển tiếp sang Anh. Tuy nhiên, nhiều em đã quyết định ở lại Pháp, chẳng hạn như Hassan. Rời khỏi quê nhà Sudan, Hassan đã phải di chuyển đến Libya, vượt biển Địa Trung Hải để đến Italy, sau đó tìm cách để đến Anh. Dù vậy, khi được hỏi về cảm nghĩ của mình khi được bố trí định cư ở Pháp, Hassan trả lời rằng: “Em thực sự cảm ơn nước Pháp”.
Sau khi người tị nạn chuyển đi, chính quyền đã đưa nhiều máy xúc đến Calais để phá dỡ những căn lều, trong khi những nhân viên vệ sinh thu dọn chăn chiếu, quần áo những người tị nạn bỏ lại để mang đi tái chế. Chính quyền Pháp cho đốt sạch những khu lều trại, khiến nhiều khu vực ở “rừng” Calais bị san thành bình địa.
Nhiều khu vực trong khu lán trại Calais bị đốt thành bình địa. (Nguồn: Reuters) |
Quan điểm mâu thuẫn của các nước
Trên thực tế, Calais có ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng. Cuộc sống đáng thương của những người tị nạn tại khu rừng lầy lội, bẩn thỉu này đã cho thấy quan điểm mâu thuẫn của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn. Về lý thuyết, các nước châu Âu cần chia sẻ trách nhiệm trong việc tiếp nhận hàng trăm nghìn người từ Syria tràn vào châu lục qua ngả Hy Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có Đức là tỏ ra “rộng lượng” nhất với 447.000 người đăng ký xin tị nạn, gấp 5 lần số người xin tị nạn ở Pháp.
Về phần mình, Pháp cho rằng họ là một quốc gia trung chuyển hơn là đích đến của những người tị nạn. Vì vậy, Pháp không thể chấp nhận được việc trở thành “người gác cổng bất đắc dĩ” cho Anh. Trong nội bộ chính trường Pháp, tình hình tại Calais đang khiến cho đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia giành thêm sự ủng hộ của người dân, qua đó đạt thêm nhiều lợi thế cho kỳ bầu cử Tổng thống vào năm sau. Cả ông Alain Juppe - thủ lĩnh phe trung tả, và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đang có ý định tái tranh cử, đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận Le Touquet, cho phép Anh có quyền kiểm tra xuất nhập cảnh tại khu vực Calais. “Chúng tôi không thể chấp nhận được việc Anh lựa chọn ngay trên đất Pháp những người mà phía họ không muốn tiếp nhận”, ông Juppe nhấn mạnh.
Calais nằm ở đầu đường hầm xuyên eo biển Manche nối Anh - Pháp. (Đồ họa: BBC) |
Trong bối cảnh đó, cho dù khu trại Calais được giải tỏa một cách yên ổn, căng thẳng giữa Anh – Pháp được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn. Ông Pascal Brice, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ người tị nạn của Pháp (OFPRA) cho biết, khoảng 70% trong số những người tị nạn Calais nộp đơn xin định cư ở Pháp được chấp nhận. Năm ngoái, OFPRA còn đưa nhiều chuyến xe sang Đức để chở người tị nạn về Pháp. Những người tái định cư ở nhiều thành phố của Pháp, chẳng hạn như Cergy-Pontoise gần Paris, được đi học tiếng Pháp và bắt đầu cuộc sống mới. Tuy vậy, nhiều người cũng bỏ trốn và di chuyển về bờ biển phía Bắc nhằm tìm đường đến Anh. Trong khi chính quyền đang dỡ bỏ khu lán trại tại Calais, nhiều khu khác lại mọc lên tại Dunkirk, Saint-Omer, dọc theo bờ biển.
Không đến được Anh, nhiều người tị nạn đành cam chịu ở lại Pháp. Ngồi một mình trên một đụn cát cao, Ibrahim nhìn người ta tháo dỡ khu trại bên dưới. Đằng sau Ibrahim là căn lều dựng từ gỗ và vải dầu, trên đó anh ghi dòng chữ “Khách sạn London”. Với tình hình hiện nay, Ibrahim đã từ bỏ hy vọng được định cư tại thủ đô Anh quốc. Giấc mơ thôi thúc anh từ bỏ quê nhà Sudan để đến châu Âu nay đã vỡ tan. Khi được hỏi về cảm xúc hiện tại, Ibrahim trả lời: “Tôi cảm thấy trống rỗng”.