📞

Cam go quan hệ Nga - Mỹ

08:30 | 05/08/2017
Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao Trung Đông còn chưa kết thúc, thế giới mới đây lại chứng kiến màn căng thẳng, cam go trong quan hệ Nga – Mỹ. 

Cuối tháng Bảy, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt mới với Nga. Dự luật dài 184 trang nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump và đang chờ được ban hành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 7/7 ở Hamburg, Đức. (Nguồn: AP)

Khủng hoảng ngoại giao Nga – Mỹ bắt đầu từ năm ngoái khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đóng cửa hai khu ngoại giao đoàn của Nga tại bang New York và Maryland, đồng thời trục xuất 35 quan chức ngoại giao Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.  Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không phản ứng ngay mà quyết định chờ đợi Washington đổi ý khi Nhà Trắng có chủ mới đầu năm 2017.

Tuy nhiên, ngay sau khi dự luật trừng phạt Nga được thông qua, phía Moscow đã ra động thái trả đũa khi tuyên bố cắt giảm 755 viên chức làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga. Đồng thời, phía Moscow cũng tuyên bố tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya từ ngày 1/8. Theo ông Derek Chollet, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế và hiện là cố vấn cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, quy mô đáp trả đáng kể này từ phía Nga thậm chí ở mức như thời Chiến tranh Lạnh.

Mục đích của động thái “ăn miếng trả miếng” này được đánh giá là nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm cứng rắn của Nga, đồng thời đặt ra một phép thử cho ông Trump: “Liệu ông Trump có im lặng cho qua hay sẽ tung thêm phản ứng mới làm leo thang căng thẳng?”

Giới quan sát đang khá hoài nghi về khả năng phản ứng có thể có của Tổng thống Trump bởi dự luật mới đã bó hẹp khả năng kiểm soát của ông Trump với các lệnh trừng phạt Nga. Theo đó, ông Trump cần phải có sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ nếu muốn nới lỏng lệnh trừng phạt này.

Theo ông Chollet, về cơ bản, lợi ích đan xen giữa Mỹ và Nga khá lớn. Bởi vậy, trong chừng mực nào đó ông Trump luôn muốn giữ mối quan hệ tốt với người đồng cấp Nga Putin. Tuy nhiên, thật khó để tạo lập cơ sở cho một mối quan hệ phát triển trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Tất cả đang phụ thuộc vào phản ứng của nhà lãnh đạo Mỹ và thực tế là chiều hướng của quan hệ Nga - Mỹ sẽ được vạch rõ dựa trên quyết định này.