📞

Cam kết mạnh mẽ và nhất quán của Việt Nam nhằm thúc đẩy vai trò, quyền năng của phụ nữ

Huyền Trang 17:48 | 29/03/2022
Theo TS. Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Việt Nam đã cam kết và đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.
Ông Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội thảo quốc tế “Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam”, TS. Nguyễn Hải Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, đã chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ trong mọi tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Xin ông cho biết cam kết và vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh trong khuôn khổ Liên hợp quốc?

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã có những cam kết và hành động rất tích cực trong việc thực hiện chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Điều này được thể hiện ở nhiều dấu mốc như trong hai nhiệm kỳ chúng ta tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2008-2009 và 2020-2021), Phụ nữ, Hòa bình và An ninh luôn là một trong những ưu tiên xuyên suốt của Việt Nam.

“Việt Nam đã và đang đóng vai trò đi đầu trong gìn giữ hòa bình, đảm bảo hiệu quả việc bảo vệ nhân đạo đối với phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột và khủng hoảng. Hòa bình và an ninh chỉ có thể có được, duy trì được nếu phụ nữ và trẻ em gái được tham gia đầy đủ, đồng thời tiếp cận các cơ hội về phát triển, nguồn lực và sự bảo vệ theo hướng bình đẳng….Cam kết chính trị mạnh mẽ khẳng định quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường hơn nữa thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh”, bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Năm 2009, chúng ta đã chủ trì xây dựng và thúc đẩy thành công Nghị quyết số 1889 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột.

Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực mang tầm khu vực và quốc tế nhằm tiếp nối nỗ lực này. Trong đó, tiêu biểu là tổ chức thành công Hội nghị quốc tế “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả” vào tháng 12/2020.

Tại Hội nghị, “Cam kết hành động Hà Nội” do ta giới thiệu với nội dung đề cao và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi tiến trình hòa bình, đã được thông qua và được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Xuyên suốt tất cả các sáng kiến đó, chúng ta thể hiện những cam kết rất mạnh mẽ, nhân văn và nhất quán về thúc đẩy vai trò và sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ trong mọi tiến trình xây dựng và tái thiết hòa bình hậu xung đột tại tất cả quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ những kinh nghiệm thành công của mình trong việc bảo đảm bình đẳng giới, hoàn thành trước hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững liên quan đến bình đẳng giới, cũng như những kinh nghiệm về việc huy động, trao quyền cho sự tham gia của phụ nữ trong mọi tiến trình phát triển kinh tế - xã hội.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới?

Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm thành công trong quá trình xây dựng đất nước sau chiến tranh, chẳng hạn như việc làm thế nào để tăng cường đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng chính sách, huy động sự tham gia của phụ nữ trong các quá trình triển khai chính sách…

Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những nước điển hình thành công trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó tỉ lệ nữ quân nhân Việt Nam luôn ở mức cao, hơn hẳn so với mức trung bình của Liên hợp quốc.

Cho đến nay, Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao khi đề ra rất nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội tiến bộ, trong đó lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Có thể khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm chăm lo đến việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế 'Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam' ngày 28/3. (Ảnh: Tuấn Anh)

Những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới đó đã được Việt Nam cụ thể hóa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như thế nào, thưa ông?

Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam, tác động nhiều chiều đến khả năng thụ hưởng quyền con người.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách tiến bộ nhằm chăm lo, bảo vệ cho những đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái.

Đơn cử như quyền giáo dục của trẻ em vẫn được đảm bảo bằng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện học tập trực tuyến như miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm yếu thế; trang bị vật chất, kỹ năng học tập trực tuyến hiệu quả; đồng hành, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em và gia đình, tiếp thêm động lực duy trì học tập trong bối cảnh dịch Covid-19…

Cùng với đó, những đối tượng gặp nhiều khó khăn như trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, luôn được các cấp chính quyền địa phương chăm lo tạo điều kiện để đến trường trong điều kiện và khả năng cho phép.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Phụ nữ không chỉ được ưu tiên, quan tâm, chăm lo trong đại dịch, mà còn là đối tượng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thích ứng và trở lại cuộc sống bình thường khi đại dịch lắng xuống.

Chính quyền địa phương, các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo dành cho phụ nữ nhằm trang bị đầy đủ các kĩ năng, tri thức cần thiết giúp phụ nữ tái hoà nhập, tham gia trở lại thị trường lao động với đầy đủ cơ hội, tiềm năng.

Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh đại dịch cũng như sau đại dịch, phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam luôn được đối xử một cách công bằng, bình đẳng trong việc tiếp cận tất cả các cơ hội về giáo dục, việc làm, y tế và các nhu cầu cấp thiết khác.

Xin cảm ơn ông!

“Việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh sẽ cho phép Chính phủ Việt Nam phản ánh những nỗ lực hiện có về bình đẳng giới, xác định các ưu tiên và cơ hội trong tương lai, đồng thời đảm bảo tính nhất quán của chính sách. Đồng thời, đồng bộ hóa các chính sách liên quan và tạo sự gắn kết giữa các chiến lược quốc gia như Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cùng với các cơ quan Liên hợp quốc khác, sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan trong quá trình này”, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.
(thực hiện)