Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 5. |
CHÚNG TÔI, người đứng đầu Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhân Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5:
Tuân thủ truyền thống GMS về hợp tác dựa trên định hướng và kết quả, chủ quyền quốc gia mạnh mẽ, tham vấn chặt chẽ với các quốc gia thành viên và theo đuổi các lợi ích chung và toàn diện;
Khẳng định lại những định hướng, các mục tiêu và các cách tiếp cận trong Khung Chiến lược GMS (2012-2022) mà chúng tôi đã thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 4 tại Nay Pyi Taw, Myanmar vào tháng 12 năm 2011;
Đánh giá cao những nỗ lực mạnh mẽ của các Bộ trưởng, cán bộ cấp cao và các bên liên quan trong việc đưa Khung Chiến lược vào Khung Đầu tư khu vực theo định hướng của chúng tôi để tạo ra danh mục các dự án đầu tư GMS thế hệ thứ hai cho thập kỷ mới;
Nhận thấy những nỗ lực đang tập trung vào việc thực hiện kiên quyết và kịp thời Khung Đầu tư khu vực để đạt được mục tiêu cuối cùng là phát triển bền vững và bao trùm khu vực GMS;
TẠI ĐÂY CAM KẾT thực hiện thành công các dự án đầu tư ưu tiên và các cam kết hợp tác khác mà chúng tôi đã thoả thuận và hiện thực hóa các lợi ích cho người dân khu vực GMS theo định hướng có kế hoạch thực hiện rõ ràng, thực tế và huy động sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan.
I. Phát triển trong bối cảnh khu vực và toàn cầu
1. Nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới gần đây, với các nền kinh tế công nghiệp lớn có tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng nói chung vẫn còn chậm và chưa ổn định. Nền kinh tế châu Á đang có dấu hiệu cải thiện rõ ràng sau khủng hoảng và đang dẫn đầu trong cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như đang nỗ lực để duy trì những thành tựu đạt được thông qua các chính sách tài chính và cải cách tài chính phù hợp.
2. Việc tăng cường hợp tác khu vực, hợp tác tiểu vùng đã thúc đẩy mạnh mẽ tính kết nối và quá trình hội nhập trong khu vực châu Á. Các nước thành viên ASEAN cũng đang có những bước tiến vững chắc hướng tới hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với các giải pháp trong các Trụ cột của AEC đang được thực hiện. Hơn nữa, việc tăng cường giao thương và các khung đầu tư giữa ASEAN và các nước đóng vai trò chủ đạo trong khu vực, bao gồm Khu vực thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc đã dẫn đến cắt giảm đáng kể các loại thuế cũng như tăng cường các dòng hàng hóa, đầu tư và dịch vụ qua biên giới.
3. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn đối với sự phục hồi bền vững cũng như tăng trưởng dài hạn của các nền kinh tế châu Á, bao gồm những mối lo ngại về môi trường khu vực và toàn cầu, trong đó bao gồm thiên tai ngày càng nghiêm trọng, trong đó phần nhiều là do biến đổi khí hậu. Sự chênh lệch về cấp độ trong việc chuẩn bị hội nhập hơn nữa vào thị trường của các nước thành viên ASEAN theo AEC cũng đặt ra thách thức cho cả khu vực nhà nước và tư nhân.
4. Trong khu vực GMS, việc mở cửa và hội nhập của Myanmar vào nền kinh tế khu vực đã được thúc đẩy kể từ Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 4 tại Nay Pyi Taw cách đây 3 năm, mang lại cơ hội lớn hơn cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực GMS. Việc hợp tác thông qua tăng cường kết nối qua biên giới, thương mại và đầu tư mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Myanmar cũng như người dân trong khu vực GMS.
II. Những kết quả đạt được của hợp tác GMS trong thời gian qua
5. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức ở cấp toàn cầu và khu vực, việc tiếp tục hợp tác trong tiểu vùng GMS đã mang lại kết quả đáng kể kể từ Hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi trong năm 2011. Trước hết, chúng tôi đã xác định cẩn trọng và rõ ràng các mục tiêu chiến lược của Chương trình Hợp tác Kinh tế GMS cho trung và dài hạn. Kể từ khi chúng tôi thông qua Khung Chiến lược GMS mới tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4, các diễn đàn GMS, các nhóm công tác và các cán bộ cấp cao đã hoàn thiện Khung đầu tư khu vực (RIF), chương trình đầu tư chi tiết và có giới hạn thời gian để hỗ trợ Khung chiến lược mà các Bộ trưởng GMS đã thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 19 vào năm ngoái.
6. Hơn nữa, để đảm bảo cho các dự án ưu tiên cao nhất trong danh mục RIF thu hút được các nguồn tài chính cần thiết và được thực hiện, Kế hoạch thực hiện RIF thực tế và khả thi cùng với hệ thống giám sát và đánh giá (M & E) đơn giản đã được chuẩn bị. Kế hoạch thực hiện RIF, đã xác định được 92 dự án tiểu vùng ưu tiên cao cho giai đoạn 2014-2018 với tổng chi phí dự kiến là 30,1 tỷ đô la, không chỉ cung cấp lộ trình chiến lược và kế hoạch hành động mà còn đóng vai trò là công cụ tiếp thị hiệu quả trong nỗ lực của chúng tôi nhằm tạo ra sự hỗ trợ rộng rãi cho các sáng kiến quan trọng trong khu vực GMS.
7. Trong ba năm qua, hợp tác bền vững trong các lĩnh vực cũng đã mang lại nhiều kết quả đáng lưu ý. Trong kết nối hạ tầng khu vực có một số thành tựu đáng ghi nhớ bao gồm:
a. Trong lĩnh vực giao thông, nền tảng cơ sở hạ tầng của các hành lang kinh tế GMS được tăng cường với cây cầu Mekong quốc tế thứ tư giữa Hoayxay, Lào và Chiang Khong, Thái Lan đã hoàn thành, đây là cây cầu kết nối cuối cùng còn thiếu trong hành lang kinh tế Bắc-Nam (NSEC) được khánh thành vào tháng 12 năm ngoái. Tương tự, dọc theo hướng đông của hành lang kinh tế Bắc-Nam, tuyến đường cao tốc dài 240 km Nội Bài-Lào Cai của Việt Nam, một trong những dự án hạ tầng lớn nhất trong khu vực GMS đã được khánh thành vào tháng 9 năm nay. Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) đang chuẩn bị được mở rộng đến Myanmar, việc tài trợ cho dự án đang được xem xét để phê duyệt vào đầu năm 2015. Tuyến đường sắt miền Nam Campuchia từ Phnom Penh đến Sihanoukville đã hoàn thành và thông xe phục vụ giao thông thương mại vào tháng 12/2012. Các nước GMS đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Hiệp hội đường sắt GMS (GMRA) và ADB tiếp tục cung cấp dự án hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động của Hiệp hội. Đây là bước tiến tích cực trong quá trình đưa đường sắt trở thành phương thức vận tải hiệu quả và sạch nhất. Chúng tôi cũng hoan nghênh nỗ lực không ngừng trong việc tối đa hóa lợi ích về kinh tế xã hội của các tuyến đường, các cây cầu GMS thông qua việc tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới, thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (CBTA). Hơn nữa, đã có đánh giá bước đầu về Chiến lược ngành giao thông GMS (2006-2015), trong đó ghi nhận thành tựu kết nối cũng như xác định các ưu tiên chiến lược cho ngành giao thông trong những năm tới.
b. Trong lĩnh vực năng lượng, tất cả các nước GMS đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Trung tâm điều phối điện năng khu vực GMS (RPCC), dự kiến đóng vai trò là cơ quan thường trực thuộc sở hữu của tất cả các nước GMS để tăng cường thương mại điện năng khu vực và thực hiện các dự án kết nối điện trong khu vực GMS. Khi thỏa thuận này có hiệu lực, quá trình lựa chọn nước chủ nhà RPCC sẽ được thực hiện. Các nghiên cứu GMS mới về “Đánh giá Môi trường chiến lược cho Quy hoạch phát triển năng lượng khu vực GMS”, và “Năng lượng tái tạo và Phát triển hiệu quả năng lượng GMS” cung cấp hướng dẫn và tài liệu tham khảo hữu ích cho việc lập kế hoạch phát triển năng lượng cũng như xác định các tiềm năng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng trong GMS.
c. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), kết nối cáp quang giữa các nước GMS được thiết lập và các nước GMS đã ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác chung trong Thúc đẩy xây dựng xa lộ thông tin và ứng dụng trong khu vực GMS, cung cấp lộ trình và các thông số nhằm thúc đẩy tiếp cận phổ cập đối với các ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông nông thôn và công nghệ thông tin truyền thông xanh.
8. Trong các lĩnh vực hợp tác “phần mềm” nhưng có tầm quan trọng tương đương của hợp tác GMS, chúng tôi thấy được những bước tiến đáng kể cũng như những kết quả quan trọng như:
a. Trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho giao thông và thương mại (TTF), nỗ lực tiếp tục thực hiện các hiệp định vận tải đường bộ song phương và ba bên giữa các nước GMS gồm: (i) giữa Campuchia và Việt Nam dọc theo Hành lang kinh tế phía Nam (SEC), (ii) Trung Quốc và Việt Nam dọc theo hành lang kinh tế Bắc-Nam (NSEC), (iii) Lào-Thái Lan-Việt Nam mở rộng hoạt động của thỏa thuận EWEC tới thủ đô của từng nước, (iv) Lào và Việt Nam thực hiện đầy đủ cơ chế Kiểm tra Một cửa Một lần dừng tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Den-sa-vẳn vào năm 2015. Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc, Lào và Thái Lan đẩy nhanh đàm phán Biên bản ghi nhớ về thực hiện CBTA dọc Hành lang Kinh tế Bắc Nam (NSEC), Trung Quốc và Myanmar đàm phán Biên bản ghi nhớ về tạo thuận lợi vận tải và thương mại qua biên giới. Kế hoạch hành động Tạo thuận lợi cho giao thông GMS (2013-2015) đã được thông qua tại cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban Chung về Hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới GMS (CBTA) tháng 11/2013 và đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hành động tạo thuận lợi giao thông và thương mại hiện tại trong khu vực GMS được hoàn thành vào giữa năm 2014. Các sáng kiến TTF trung hạn sẽ tập trung vào tăng cường năng lực cho các nước CLMV và nâng cấp CBTA nhằm áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong khu vực và quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và thương mại qua biên giới trong khu vực GMS.
b. Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2 của Chương trình Hỗ trợ Nông nghiệp then chốt cũng đang được tiến hành và điều này hỗ trợ việc tăng cường các khuôn khổ chính sách và năng lực quản lý chất lượng nông sản, giới thiệu thương mại điện tử cho các sản phẩm thực phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường và lưu tâm đến vấn đề về giới, tăng cường các cơ chế thể chế hợp tác khu vực về nông nghiệp trong khu vực GMS.
c. Trong lĩnh vực du lịch, xây dựng nhằm cải thiện kết nối và đơn giản hóa yêu cầu thị thực nhập cảnh, khách du lịch đến khu vực GMS tiếp tục tăng đạt 52 triệu khách năm 2013. Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực GMS đã được phê duyệt vào năm 2014 và một sáng kiến mới nhằm củng cố Văn phòng Điều phối Du lịch Mê Công (MTCO) cũng đang được tiến hành. Thái Lan, hợp tác với ADB, sẽ tiến hành đăng ký và hoàn thành thủ tục pháp lý thành lập MTCO. Chiến lược ngành du lịch GMS cập nhật cho giai đoạn 2016-2026 đang được chuẩn bị và sẽ cung cấp các kế hoạch chi tiết cho hợp tác tiểu vùng mở rộng trong lĩnh vực này trong thập kỷ tới.
d. Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực (HRD), Khung Chiến lược và Kế hoạch hành động phát triển nguồn nhân lực (2013-2017) đã bắt đầu được thực hiện. Trong khuôn khổ Khung Tham chiếu Trình độ chuyên môn của ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho di cư của lao động có tay nghề và tăng cường tính cạnh tranh của lực lượng lao động GMS, khuôn khổ thí điểm cho việc công nhận lẫn nhau về kỹ năng và trình độ chuyên môn đã được thực hiện và sẽ được mở rộng để bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ năng hơn. Giai đoạn 2 của Dự án Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục nâng cao năng lực cho các nước GMS để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh và bao gồm cả sự lây lan dịch bệnh qua biên giới. Chúng tôi đánh giá cao Kế hoạch Phnom Penh (PPP) cho Quản lý phát triển đã gần đi đến giai đoạn kết thúc sau một thập kỷ thực hiện thành công. PPP đã giúp các cán bộ GMS cũng như các đơn vị nghiên cứu và đào tạo của chúng tôi quản lý tốt hơn chương trình nghị sự phát triển GMS phức tạp và đặt nền tảng vững chắc cho việc phát triển kỹ năng, chia sẻ kiến thức, thiết lập mạng lưới và tăng cường năng lực thể chế trong khu vực GMS.
e. Trong lĩnh vực môi trường, Chương trình Môi trường trọng điểm GMS (CEP) Giai đoạn 2 (2012 - 2016) đang được thực hiện, tập trung vào việc bảo vệ và tăng cường nguồn tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng lớn đối với an ninh lương thực, nước và năng lượng của khu vực. Với việc xem xét thêm về biến đổi khí hậu, ưu tiên triển khai: xây dựng chiến lược quản lý cảnh quan đa dạng sinh học qua biên giới; áp dụng công cụ quản lý môi trường và đánh giá đa tiêu chuẩn đối với đầu tư cơ sở hạ tầng theo thực trạng, quy tắc và quy định cũng như trình độ phát triển của mỗi nước; tăng cường trang mạng của CEP với vai trò là trung tâm tri thức khu vực; tăng cường quan hệ đối tác giữa các chính phủ, các doanh nghiệp, các học viện và các nhóm xã hội dân sự.
9. Trong các lĩnh vực hợp tác mới khác, Khung Chiến lược Phát triển đô thị GMS được xây dựng bởi Nhóm công tác về Phát triển đô thị thành lập vào tháng 7/2013. Dự án Phát triển Đô thị dọc hành lang đầu tiên hiện đang được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển các thành phố cạnh tranh và thân thiện với môi trường dọc theo hành lang kinh tế GMS và các dự án phát triển đô thị dọc hành lang khác hiện trong danh mục dự án. Việc phát triển các khu kinh tế biên giới (CBEZ) đang được nghiên cứu, chẳng hạn như các khu kinh tế biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, giữa Trung Quốc và Lào.
10. Diễn đàn Hành lang Kinh tế (ECF) đã hoàn thành chu kỳ đầu tiên tổ chức luân phiên tại tất cả các nước GMS. ECF đã hoàn thành tốt nhất vai trò hỗ trợ chính, giám sát và điều phối mọi hoạt động hướng tới sự phát triển các hành lang kinh tế GMS. Diễn đàn đã tạo nên mạng lưới trao đổi thông tin, giám sát việc chuẩn bị và thông qua các chiến lược và kế hoạch hành động (SAPs) cho các hành lang kinh tế cụ thể, xác định các vấn đề liên quan đến hành lang có liên quan để có giải pháp, thể chế hóa sự tham gia của chính quyền địa phương, và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển hành lang kinh tế.
III. Những thách thức còn tồn tại
11. Mặc dù Chương trình GMS đã và đang đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy vẫn còn những thách thức lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa kết nối, năng lực cạnh tranh và ý thức cộng đồng của tiểu vùng. Mặc dù có những tiến bộ về kết nối trong khu vực GMS nhưng vẫn còn tồn tại chênh lệch đáng kể về cơ sở hạ tầng, bao gồm các tuyến đường thứ cấp kém chất lượng, thiếu kết nối đường sắt, thiếu cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng hàng không, thiếu cơ sở vật chất hậu cần, thiếu năng lượng và cơ sở truyền tải để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
12. Ngoài ra, mặc dù kết nối tiểu vùng đã được tăng cường nhưng chi phí thương mại qua biên giới cũng rất khác nhau và vẫn ở mức cao, chủ yếu là do các rào cản phi thuế quan, chênh lệch về cơ sở hạ tầng, thủ tục và quy trình thương mại phức tạp và các dịch vụ hậu cần thiếu tin cậy. GMS là khu vực tiên phong trong việc thúc đẩy Khung TTF tiểu vùng trong khuôn khổ CBTA; tuy nhiên, công tác thực hiện bị chậm trễ do nhiều yếu tố và bây giờ là thời điểm để khôi phục những nỗ lực TTF là phương tiện để tăng cường tính kết nối cũng như khả năng cạnh tranh của tiểu vùng. Chúng tôi kêu gọi các nước GMS bắt đầu thực hiện đầy đủ CBTA bằng cách đẩy nhanh việc phê chuẩn các Phụ lục và Nghị định thư của Hiệp định và thúc đẩy đàm phán, thực hiện Biên bản ghi nhớ song phương và đa phương về CBTA.
13. Việc xây dựng cộng đồng GMS hội nhập và thịnh vượng cũng mang lại rủi ro nếu chênh lệch về trình độ phát triển đối với các quốc gia và giữa các nước GMS tiếp tục mở rộng. Chúng tôi cần phải đảm bảo tất cả các dự án đã, đang và sẽ triển khai cần phải có tính bao trùm để những người nghèo cũng sẽ được hưởng lợi từ những dự án này. Chúng tôi cũng cần đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội bằng cách cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu về an sinh xã hội đồng thời đáp ứng nhu cầu cơ bản về an ninh lương thực, chỗ ở, y tế và giáo dục.
14. Sự tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh đã làm gia tăng nhu cầu về năng lượng, đất đai, nước và các tài nguyên khác. GMS, các quốc gia và các cộng đồng địa phương phải đối mặt với những thách thức về môi trường, trong đó có một số vấn đề cần phải kêu gọi hợp tác khu vực để tìm giải pháp.
15. Thành công dài hạn của Chương trình GMS phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia hiệu quả của thành phần kinh tế tư nhân. Việc cải thiện khả năng cạnh tranh của toàn khu vực GMS phụ thuộc vào sự tồn tại và phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) cũng như việc cho phép các DNN&V tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Khu vực tư nhân vẫn là nguồn lực chính để tạo ra công ăn việc làm mới, thu nhập cao hơn và cơ hội tốt hơn cho thế hệ trẻ GMS.
16. Với hơn hai thập kỷ hợp tác thành công, Chương trình GMS đã trưởng thành và phải đối mặt với các thách thức về quản lý các sáng kiến hợp tác và cam kết phức tạp. Việc lập kế hoạch, tài trợ và thực hiện các dự án mới thuộc RIF sẽ đòi hỏi sự phối hợp và năng lực mạnh mẽ hơn nữa giữa các nước GMS. Ban thư ký quốc gia GMS cần có vai trò lớn hơn để thực hiện và phát huy những thành tựu của GMS. Chúng tôi hoan nghênh sự hỗ trợ của ADB và các đối tác phát triển khác trong việc cung cấp tài chính, chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng mỗi nước cũng cần phải nỗ lực nhằm bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cần thiết để duy trì Chương trình GMS trong tương lai.
IV. Định hướng tương lai
17. Để đạt được mục tiêu mở ra triển vọng mới cho hợp tác trong tương lai, tiến tới thịnh vượng chung tại tiểu vùng và hiện thực hóa tầm nhìn GMS về kết nối, cạnh tranh, cộng đồng, cần phải củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa các nước GMS, điều chỉnh tầm nhìn GMS phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, xây dựng nền kinh tế mở trong tiểu vùng với đặc trưng phát triển tổng hợp, liên kết, sáng tạo nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai.
18. Kế hoạch thực hiện RIF (2014-2018) cung cấp cho chúng tôi kế hoạch hành động chiến lược và thiên về hiệu quả để giúp chúng tôi giải quyết các thách thức trong những năm tới cũng như nắm bắt các cơ hội mới nhằm duy trì hợp tác và phát triển GMS. Chúng tôi cần phải làm việc cùng nhau để thực hiện kế hoạch cũng như theo dõi tiến độ thực hiện để đảm bảo đạt được các kết quả và lợi ích phát triển.
19. Chúng tôi cam kết tiếp tục nỗ lực chung để chuyển đổi các hành lang giao thông GMS thành hành lang kinh tế, chúng tôi giao nhiệm vụ cho các Bộ trưởng GMS, các cán bộ cấp cao, các nhóm công tác GMS, các diễn đàn và các nhóm công tác thực hiện Chiến lược và các Kế hoạch hành động (SAP) dành cho các Hành lang kinh tế GMS. Việc thực hiện các SAP nên tập trung lựa chọn các tuyến dọc theo các hành lang kinh tế có tiềm năng lớn nhất trong việc thu hút đầu tư và mang lại lợi ích phát triển lâu dài. Đối với các tuyến hành lang này, việc xác định nhu cầu và cơ hội đầu tư sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của các cán bộ chính quyền tỉnh và địa phương, khu vực tư nhân và cộng đồng dân cư.
20. Cần tăng cường kết nối để tạo đà tăng trưởng mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hơn nữa, chúng tôi cam kết dỡ bỏ các rào cản mềm đối với kết nối qua biên giới. Theo đó, chúng tôi yêu cầu xây dựng Chương trình hành động tạo thuận lợi giao thông và thương mại (TTF) rõ ràng, toàn diện bao gồm tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến lưu chuyển qua biên giới của các phương tiện, hàng hoá, con người và phối hợp thực hiện hiệu quả chương trình này.
21. Việc tập trung vào các hành lang kinh tế đặt ra yêu cầu thực hiện những thay đổi cần thiết đối với khung thể chế và cơ chế của Chương trình GMS để giúp chúng tôi có giải pháp hiệu quả các lĩnh vực hợp tác đang nổi, chẳng hạn như các khu hợp tác kinh tế biên giới (CBEZ), phát triển đô thị tổng hợp và các trung tâm dịch vụ hậu cần. Chúng tôi cũng cần phải hỗ trợ cho hoạt động của các cơ quan GMS mới như Hiệp hội đường sắt GMS (GMRA) và đảm bảo rằng các dịch vụ của Trung tâm Điều phối Điện năng khu vực (RPCC) là diễn đàn để giải quyết những thách thức về năng lượng GMS và nắm bắt các cơ hội trong những năm tới.
22. Xét thấy ECF sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy và phát triển hành lang kinh tế GMS và triển khai thực hiện Khung Chiến lược GMS mười năm, chúng tôi cam kết hành động cụ thể để tăng cường khuôn khổ ECF. Chúng tôi hoan nghênh Chương trình hành động về tăng cường khuôn khổ Diễn đàn các hành lang kinh tế GMS (ECF) và yêu cầu các Bộ trưởng GMS/Quan chức cấp cao tiếp tục nghiên cứu các tài liệu. Chúng tôi đồng ý duy trì thứ tự chủ trì tổ chức Diễn đàn hiện nay và cuộc họp cấp Bộ trưởng của ECF, cho rằng tham gia ECF có thể là cấp bộ trưởng hoặc quan chức cấp cao phụ trách. Chúng tôi đồng ý rằng Diễn đàn Thị trưởng GMS sẽ được khôi phục và tổ chức bên lề ECF hàng năm, và hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc tổ chức Hội chợ thương mại hàng hóa GMS và Tuần lễ Hành lang kinh tế GMS như là hoạt động bổ trợ cho ECF trong năm 2015.
23. Khu vực tư nhân sẽ là động lực chính cho phát triển hành lang kinh tế, cùng với khu vực công sẽ thiết lập một môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi, cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản, tiện ích và dịch vụ cũng như tạo thuận lợi cho hợp tác và cộng tác ở cấp địa phương, quốc gia và tiểu vùng. Chính phủ các nước GMS cần đảm bảo sự thành công các sáng kiến khu vực về kinh tế tư nhân đặc biệt tập trung vào sự thúc đẩy cạnh tranh tiểu vùng như Hiệp hội Vận tải GMS (FRETA) cũng như Sáng kiến Kinh doanh Mê Công gần đây. Chúng tôi cũng kêu gọi ADB thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khu vực tư nhân tại GMS và ủng hộ dỡ bỏ rào cản đối với sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như tiếp cận nguồn vốn, tri thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
24. Nhận thấy rằng những lợi ích của hợp tác GMS chỉ có thể được tối đa hóa và bền vững bằng cách hội nhập sâu hơn với khu vực rộng lớn hơn, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả các nỗ lực phải được liên kết và khai thác sức mạnh tổng hợp với những cơ chế hợp tác khác và các sáng kiến trong khu vực trong đó có ASEAN, ASEAN-Trung Quốc và ASEAN + 3.
25. Chúng tôi đều hiểu rõ khu vực GMS và người dân rất dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai ngày càng tồi tệ hơn, chúng tôi cũng sẽ theo đuổi những nỗ lực chung nhằm xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai khác và thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó có bảo vệ và phát triển hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cần xây dựng hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực môi trường ở GMS, chúng tôi hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Môi trường GMS vào tháng 1/2015.
26. Nhận thấy rằng sự thành công của mọi nỗ lực, đặc biệt là việc thực hiện các dự án ưu tiên trong Kế hoạch thực hiện RIF phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, thành phần kinh tế tư nhân và các bên liên quan khác, chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác và đảm bảo có đủ nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác để thực hiện cam kết chung nhằm phát triển bao trùm và bền vững trong khu vực GMS. Hơn nữa, với số lượng đáng kể các dự án mới vừa đa dạng vừa nhiều thách thức trong Kế hoạch thực hiện Khung Đầu tư khu vực, Chúng tôi đồng ý cần thiết phải tăng cường hơn nữa năng lực của Ban Thư ký Quốc gia GMS để thực hiện kế hoạch cũng như đáp ứng các thách thức mới này. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng Kế hoạch Phnom Penh để tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo cho các quốc gia thành viên.
27. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao ADB với các vai trò thư ký, điều phối viên và nhà tài trợ chính. Chúng tôi tin tưởng rằng ADB và các đối tác phát triển khác sẽ quan tâm và tiếp tục hỗ trợ chúng tôi.
V. Kết luận
28. Trải qua hơn 22 năm tồn tại và phát triển, Chương trình GMS đã mang lại nhiều thành tựu cho tiểu vùng và người dân khu vực GMS, đóng vai trò là hình mẫu cho các tổ chức khác trong khu vực, thể hiện qua những thành tựu đã đạt được với thiện chí và sự hợp tác chân thành giữa các quốc gia.
29. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần xây dựng nền tảng hợp tác để giải quyết nhiều thách thức mới nổi trong khu vực GMS và chúng tôi tin tưởng rằng có thể tranh thủ sự hợp tác của chúng tôi trong Chương trình GMS để đem lại lợi ích lớn hơn cho tiểu vùng và người dân.
30. Chúng tôi thống nhất gặp lại nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam năm 2017.
Thông qua tại Băng Cốc, Thái Lan ngày 20 tháng 12 năm 2014.