Tới dự hội thảo có ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải Quan, ông Craig Hart - Phó giám đốc USAID, ông David Anderson - Giám đốc dự án Quản trị Nhà nước Nhằm tăng trưởng Toàn diện (USAID GIG), ông Alan Ross Hall, ông Clayton Bryant Kerswell chuyên gia gia quốc tế của WB về lĩnh vực Tạo thuận lợi thương mại cùng hơn 50 đại biểu đại diện của các Bộ, Ban, ngành liên quan.
Ông Craig Hart - Phó giám đốc USAID phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: D.L) |
Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện trong bối cảnh thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO (Hiệp định TF) tại Việt Nam.
Hiệp định TF đã được các nước Thành viên WTO thông qua trong Hội nghị Bộ trưởng lần 9 tại Bali – Indonesia tháng 12/1014. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 96/164 nước thành viên phê chuẩn Hiệp định. Như vậy, chỉ cần khoảng 10 nước thành viên thông báo phê chuẩn nữa thì Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực, dự kiến là đầu năm 2017.
Ông Vũ Ngọc Anh - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải Quan trả lời báo chí bên lề hội thảo. (Ảnh: D.L) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Ngọc Anh khẳng định, đây là một hiệp định rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, giúp giảm thời gian và chi phí cho các giao dịch thương mại qua biên giới.
"Theo kết quả nghiên cứu của WB, việc thực hiện Hiệp định TF sẽ giúp giảm 20% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm cho nguồn nhân lực Việt Nam", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Tổng cục Hải quan, với những lợi ích và hiệu quả rõ rệt mà Hiệp định TF mang lại, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm của mình thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động cũng như việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về một cửa và tạo thuận lợi thương mại.
Việt Nam đã không chỉ chứng tỏ mình là quốc gia chủ động và tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế mà còn thể hiện mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp theo đúng mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Trong 3 ngày hội thảo, các đại biểu sẽ hoàn thiện việc rà soát lại cam kết nhóm A, đánh giá và phân tích các cam kết B và C, xây dựng kế hoạch hành động cho hai nhóm này. Trong đó, xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cần phải làm, các mục tiêu và đầu ra chi tiết cho từng cam kết, khoảng thời gian chuyển đổi, nhu cầu hỗ trợ cần thiết, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành.
Kế hoạch hành động này sẽ được Tổng cục Hải quan trình lên Uỷ ban quốc gia về Một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Sau đó, sẽ thông báo kế hoạch thực hiện cam kết cho nhóm B và C lên Ban thư ký WTO khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Khi được thực thi, hiệp định này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thức đẩy thương mại và đầu tư ở Việt Nam.
Hiệp định TF được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali, Indonesia ngày 6/12/2013 sau 10 năm đàm phán. Tháng 11/2015, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 60 phê chuẩn Hiệp định, và tính đến ngày 31/10/2016, đã có 96 thành viên WTO phê chuẩn Hiệp định này. Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại sẽ có hiệu lực khi 109 trên tổng số 164 thành viên WTO phê chuẩn. Các cam kết của Hiệp định được chia thành các nhóm A, B, và C. Việt Nam đã thông báo các cam kết nhóm A của mình lên WTO nhằm xác định những cam kết mà sẽ được thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Được biết, Chính phủ Việt Nam đang hợp tác với USAID thông qua Dự án GIG, phối hợp với các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm thực hiện các cải cách với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và toàn diện tại Việt Nam.
Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế. Do đó, khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan khác trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... |