Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc 2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Từ “Trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”…
Đã là người Việt Nam, hẳn ai cũng hiểu và gắn bó với hình tượng cây tre. Từ truyền thuyết Thánh Gióng nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí giết giặc ngoại xâm đến hình tượng “tre giữ làng, giữ nước” như trong tác phẩm của nhà văn Thép Mới, cả lúc thanh bình cũng như khi bão tố, tre luôn ở bên ta, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người con đất Việt. Cây tre phản ánh tư thế và hồn cốt dân tộc.
Thật nhiều cảm xúc trước hình ảnh khóm tre mảnh mai nhưng dẻo dai, uyển chuyển và quật cường trong giông bão, và cũng thật tự hào khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dùng hình tượng cây tre để đúc kết thành triết lý về bản sắc và phong cách ngoại giao Việt Nam.
Tôi rất ấn tượng lần đầu tiên được nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016. Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra những phân tích sâu sắc hơn, nhấn mạnh đất nước ta có trường phái ngoại giao riêng, trường phái đối ngoại đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, đó là trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
Tổng Bí thư khẳng định rằng, ngoại giao Việt Nam thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, "Cây tre Việt Nam gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, “mềm dẻo nhưng rất kiên cường, không có cơn gió nào quật ngã được".
Theo lời Tổng Bí thư, Ngoại giao Việt Nam “rất bản lĩnh, kiên định can trường trước mọi thử thách khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân, đoàn kết nhân ái nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, biết tiến biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt”…
Hiểu về ngoại giao Việt Nam, càng ngẫm lời đúc kết của Tổng Bí thư, càng thấy đúng cả về lý luận và thực tiễn. Sự đúc kết này có tính khái quát hóa rất cao, thể hiện sự quan sát rất tinh tế lịch sử ngoại giao Việt Nam với truyền thống ngoại giao hòa bình, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh với phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Đặc biệt, nếu nhìn vào đặc thù của Việt Nam là một nước không lớn, ở vào vị trí địa - chiến lược quan trọng, nhạy cảm và luôn phải ứng xử với các nước lớn, thì tư tưởng ngoại giao cây tre kiên định trong nguyên tắc, linh hoạt về sách lược lại càng quan trọng.
Xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, kiên quyết bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, song Ngoại giao Việt Nam cũng rất chân thành, uyển chuyển, quan tâm và chia sẻ lợi ích của bạn bè, đối tác và đóng góp giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, của nhân loại.
Quả thực, nhìn lại lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam nói riêng, chúng ta rất đỗi tự hào bởi như cây tre Việt Nam, ngoại giao cũng phản ánh bản sắc dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc.
Nhìn vào thế nước ngày càng lên, với tất cả lòng khiêm tốn, chúng ta cũng thấy, đúng như Tổng Bí thư đã nói, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Nhận định đó được khẳng định một cách thuyết phục bởi những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của Việt Nam sau gần 40 năm Đổi mới và cục diện quan hệ đối ngoại rộng mở, có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, là thành viên của trên 70 tổ chức quốc tế và khu vực, là mắt xích trong 15 FTA, trong đó có những FTA lớn, thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), hai lần là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiều lần làm Chủ tịch, chủ trì nhiều hội nghị quốc tế lớn…
Tối 29/3/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. (Nguồn: TTXVN) |
…Đến những kỷ niệm đáng nhớ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cá nhân tôi có vinh dự được trực tiếp phục vụ một số hoạt động đối ngoại của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cả trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và trên cương vị Chủ tịch Quốc hội trước đây.
Mỗi lần trực tiếp báo cáo Đồng chí trước các cuộc tiếp xúc đối ngoại với lãnh đạo nước ngoài hay chuẩn bị cho các bước đi quan trọng về đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tôi đều thấy toát lên từ Đồng chí một phong cách lãnh đạo rất chân thành, giản dị, khiêm tốn, song cũng rất cẩn trọng, kỹ lưỡng và thấu đáo.
Thường thì sau khi nghe cán bộ cấp dưới báo cáo, Đồng chí hỏi rất nhiều điều cả về nội dung công việc cũng như đặc điểm, sở thích, phong cách cá nhân của đối tác.
Khi tiếp khách, Đồng chí rất linh hoạt, chủ động tạo không khí cởi mở, thân thiện. Đặc biệt là Đồng chí không né tránh những vấn đề được coi là nhạy cảm mà xử lý bằng sự tinh tế, hóm hỉnh, hay bằng những câu thơ, những tích cổ bao hàm ý nghĩa sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh (theo cách mà Đồng chí giải thích cho anh em cấp dưới: “cần gì phải đao to, búa lớn”), làm người đối thoại vừa cảm phục, vừa thoải mái.
Năm 2008, khi làm Đại sứ Việt Nam tại Hungary, tôi có vinh dự được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hungary, chặng đầu tiên trong chuyến thăm một số nước Châu Âu.
Chuyến đi không may có sự cố kỹ thuật bất ngờ trong lúc chuyên cơ quá cảnh tại sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi người đều hết sức lo lắng vì sự cố nảy sinh có thể ảnh hưởng cả chuyến đi, song rất ngạc nhiên là Chủ tịch Quốc hội vẫn bình thản, điềm tĩnh, động viên anh em bình tĩnh khắc phục. Trong khi đó Đồng chí tranh thủ thời gian dừng chân tại Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nước bạn. Và điều bất ngờ là sau cuộc gặp ngoài kế hoạch đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hẳn một chuyên cơ đưa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và đoàn tiếp tục chuyến thăm tới Hungary.
Qua câu chuyện này, tôi thêm hiểu về ứng xử ngoại giao rất linh hoạt, khéo léo và khả năng “biến nguy thành cơ” của Đồng chí. Chuyến thăm đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với Lãnh đạo và nhân dân Hungary và cộng đồng bà con người Việt Nam tại Hungary đặc biệt về tình cảm chân thành, phong cách cởi mở, thân thiện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Hoa Kỳ, tôi được gặp Tổng Bí thư. Đồng chí đã rất ân cần căn dặn nhiều về nhận thức và tư duy chiến lược, giúp tôi vững vàng và tự tin hơn khi đảm nhiệm trọng trách này.
Vừa qua, tôi lại có vinh dự tham gia quá trình thu xếp và chuẩn bị cho cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Bất ngờ rất thú vị đối với tôi và các cán bộ cùng tham gia phục vụ cuộc điện đàm này là thời gian trao đổi giữa hai nhà Lãnh đạo rất dài, tới hơn 50 phút so với khoảng 15-20 phút của một cuộc điện đàm thông thường. Tác phong ngoại giao tôn trọng, chân thành đã tạo dựng quan hệ cá nhân giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
Nhiều quan chức cấp cao phía Hoa Kỳ trực tiếp tham gia phục vụ Tổng thống Biden tại cuộc điện đàm đã chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất ấn tượng, cảm kích với Tổng Bí thư ta, và cho rằng không khí cuộc điện đàm rất chân thành, thẳng thắn, và thoải mái với những câu thăm hỏi thân tình như giữa những người bạn.
Không lâu sau cuộc điện đàm này, Tổng thống Joe Biden đã gửi thư chính thức mời Tổng Bí thư ta thăm Hoa Kỳ với nội dung rất tình cảm, thực chất, thể hiện rõ sự coi trọng đối với Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Qua những lần được phục vụ Tổng Bí thư trong các hoạt động đối ngoại như thế, tôi càng thấm thía rằng quan hệ giữa quốc gia với quốc gia trước hết cũng được thể hiện rõ bởi quan hệ giữa con người với con người. Phong thái “ngoại giao cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư thể hiện cho thấy lợi ích giữa các quốc gia có những lĩnh vực trùng hợp, có lĩnh vực khác biệt, nhưng nếu có cách tiếp cận chân thành, hài hòa, hiểu biết, thì điểm đồng được nhân lên, còn khác biệt dẫu chưa được giải quyết thì cũng phần nào giảm bớt.
Cách nói nhẹ nhàng, chân tình, điềm tĩnh, không đao to búa lớn, luôn tôn trọng đối tác, biết đặt mình vào vị trí của đối tác, rất biết mình, biết người của Tổng Bí thư được các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, đánh giá rất cao.
Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư tưởng và phong thái ngoại giao cây tre Việt Nam đã thực sự thuyết phục, giành được cảm tình và sự tin cậy của bạn bè, đối tác.
Đối với các cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có tôi, những chỉ đạo, căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kim chỉ nam, là hành trang mang theo suốt cuộc đời ngoại giao, để chúng tôi góp một phần nhỏ bé của mình vào xây dựng trường phái Ngoại giao cây tre Việt Nam, phục vụ đắc lực cho các lợi ích hòa bình, an ninh, phát triển và nâng cao vị thế đất nước.