Trong những tháng gần đây, thị trường Nga đã lâm vào tình trạng thiếu xăng và dầu diesel. (Nguồn: DPA) |
Sau khi hạn chế nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu vào năm ngoái, Nga một lần nữa bị cho là “vũ khí hóa năng lượng” bằng cách cấm xuất khẩu dầu diesel khi mùa Đông đến. Vậy quyết định này của Điện Kremlin có tác động như thế nào tới thị trường nhiên liệu châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung?
Ngày 21/9, chính phủ Nga đưa ra các biện pháp hạn chế tạm thời đối với hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu là Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Quyết định trên được cho là để giải quyết tình trạng giá nhiên liệu tăng cao trong nước và đảm bảo đủ nguồn cung nội địa. Trong những tháng gần đây, xứ sở bạch dương đã phải chịu tình trạng thiếu xăng và dầu diesel.
Moscow cho biết, các hạn chế xuất khẩu sẽ chỉ là tạm thời nhưng không đưa ra ngày kết thúc.
Một số nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm sẽ khiến giá dầu diesel trên thị trường thế giới tăng cao trong mùa Đông này. Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là từng nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Năm ngoái, Nga đã xuất khẩu 4,8 triệu tấn xăng và gần 35 triệu tấn dầu diesel.
Chính xác, Nga đã cấm những gì?
Lệnh cấm của Điện Kremlin áp dụng đối với xăng và dầu diesel, có hiệu lực từ ngày 21/9.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán London cho thấy, Moscow đã cắt giảm gần 30% xuất khẩu dầu diesel và khí đốt vận chuyển theo đường biển trong 20 ngày đầu tháng 9, so với cùng kỳ tháng trước.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga, biện pháp này cũng sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu nhiên liệu động cơ "xám" trái phép. Bộ này khẳng định, “các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó giảm giá cho người tiêu dùng”.
Theo Điện Kremlin, họ cần thị trường diesel đạt điểm bão hòa trước khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Tại sao Moscow cấm xuất khẩu diesel?
Tuy là nước xuất khẩu nhiên liệu hàng đầu thế giới nhưng trong vài tháng qua, Nga đã phải vật lộn với tình trạng thiếu xăng và dầu diesel tại thị trường trong nước.
Mặc dù giá bán lẻ bị giới hạn, giá nhiên liệu bán buôn tại Nga vẫn tăng vọt trong bối cảnh lạm phát cao, xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế xứ bạch dương.
Theo truyền thông địa phương, Nga là nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới và tình trạng thiếu nhiên liệu dùng cho máy móc nông nghiệp đã khiến nông dân ở một số vùng không thể thu hoạch mùa màng.
Các nhà phân tích cho rằng, sự yếu kém của đồng Ruble do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng tới thị trường nhiên liệu trong nước vì nó khuyến khích xuất khẩu nhiên liệu để thu ngoại tệ.
Các yếu tố khác khiến giá tăng bao gồm việc bảo trì tại các nhà máy lọc dầu và gặp một số vấn đề về logistics.
Điều gì có thể tác động tới Bắc bán cầu?
Các nhà phân tích thị trường lo ngại việc Nga cấm xuất khẩu các sản phẩm xăng và dầu diesel có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lượng tồn kho dầu diesel toàn cầu, vốn đã ở mức thấp.
Một số người cho rằng, Moscow đang thắt chặt nguồn cung toàn cầu giống như các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng ngăn chặn sự bùng phát trở lại của lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên ở nhiều quốc gia vào năm ngoái và hiện đang giảm trở lại.
Tuần trước, trong phiên giao dịch ngày 21/9, ngay sau khi Nga thông báo về quyết định cấm xuất khẩu, giá dầu diesel ở châu Âu đã tăng gần 5% lên trên 1.010 USD (952 Euro)/tấn.
Diesel là được coi là nhiên liệu huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu và được sử dụng trong ngành vận tải biển, hàng không và vận tải hàng hóa. Dầu đốt lò (heating oil) là sản phẩm phái sinh của dầu diesel và một số nhà phân tích cho rằng, giá mặt hàng này cũng có thể tăng mạnh vào thời điểm nhu cầu cao trong mùa Đông này.
Năm 2022, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Năm ngoái, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu để trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine. Khi cuộc xung đột diễn ra, châu Âu nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Na Uy và Trung Đông.
Nhưng trong vài tháng trước mùa Đông, người ta vẫn lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến điện bị cắt và các ngôi nhà không có nhiên liệu để sưởi ấm trong những tháng lạnh nhất trong năm.
Nga có thực sự vũ khí hóa năng lượng?
Động thái của Moscow khiến một số nhà phân tích năng lượng lo ngại về việc lệnh cấm có thể kéo dài.
Chuyên gia Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York (Mỹ) nói với Financial Times: “Năm ngoái, Nga cho biết, việc cắt giảm nguồn cung khí đốt chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nước này liên tục ‘thắt chặt thòng lọng’. Năm nay, khi mùa Đông đang đến gần, việc nhắm mục tiêu vào dầu diesel có thể dễ dàng đẩy giá dầu quay trở lại mức trên 100 USD/thùng, kèm theo những tác động không nhỏ tới nền kinh tế thế giới”.
Bloomberg News dẫn thông tin từ công ty tư vấn công nghiệp FGE tại London (Anh) cho biết, lệnh cấm khó có thể kéo dài vì nó "sẽ buộc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa và có tác động chính xác mà Moscow đang cố gắng chống lại - giá sản xuất cao hơn và tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước".
Cuối tuần trước, ông Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá cơ bản của tập đoàn tài chính ING, nhận định, lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu mới nhất của Nga là một diễn biến lớn trước thềm mùa Đông ở bán cầu Bắc, thời gian mà nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng mạnh.
Ông Patterson nói: “Thị trường các sản phẩm chưng cất từ dầu thô đã thắt chặt từ trước khi có lệnh cấm của Nga, với lượng tồn kho đồng loạt giảm ở Mỹ, châu Âu à châu Á trước khi mùa Đông bắt đầu… Sự gián đoạn nguồn cung 1 triệu thùng dầu diesel từ Nga mỗi ngày sẽ được cảm nhận rõ trên thị trường toàn cầu… Giá sẽ tăng tới mức nào tuỳ thuộc vào thời gian kéo dài của lệnh cấm”.
Trong khi đó, Bloomberg trích dẫn một phân tích từ tập đoàn tài chính Citigroup tiết lộ, lệnh cấm có thể sẽ kéo dài trong 6 tuần.
Helima Croft tại tập đoàn đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets nói với Financial Times rằng "việc cắt giảm xuất khẩu chứng tỏ sự sẵn sàng của Điện Kremlin trong việc vũ khí hóa nguồn cung dầu”.
Ngay trước thềm mùa Đông lạnh giá của châu Âu, quyết định cấm xuất khẩu nhiên liệu này của Nga có thể gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và đẩy giá dầu thô thế giới tăng. Cuộc sống của người dân ở Bắc bán cầu trong mùa Đông năm nay có thể bị ảnh hưởng.