Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt, tri ân các cán bộ nhân viên là thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ. (Ảnh: Quang Hoà) |
Buổi gặp mặt có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, đại diện Đảng ủy, Ban Chỉ huy quân sự Bộ, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, cùng hơn 80 cán bộ, nhân viên là thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đồng cảm với những mất mát
Kỷ niệm tròn 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để ôn lại truyền thống tốt đẹp "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc ta. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi tới tất cả cán bộ, nhân viên ngoại giao là thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh những lời thăm hỏi ân cần. Bộ trưởng bày tỏ đồng cảm với những mất mát của các gia đình có thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh một phần cơ thể, đóng góp máu xương trong cuộc chiến giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi tới tất cả cán bộ, nhân viên ngoại giao là thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh những lời thăm hỏi ân cần. (Ảnh: Quang Hoà) |
Xúc động khi ký ức ùa về những ngày tháng còn trong quân ngũ, tận mắt chứng kiến những hy sinh của đồng đội từ khi còn rất trẻ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thấu hiểu những đau thương mà gia đình, người thân của các thương binh, liệt sĩ phải gánh chịu. Bộ trưởng khẳng định rằng, những cán bộ, nhân viên trong ngành Ngoại giao qua các thế hệ đã góp phần to lớn vào khơi thông vị thế cho đất nước được như ngày hôm nay tức là đã giữ vững và phát huy truyền thống yêu nước, xứng đáng với những đóng góp, hy sinh lớn lao của thế hệ những người đi trước trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng cho biết, những ngày vừa qua, trên khắp mọi miền đất nước, toàn Đảng, toàn dân toàn quân đã có những hoạt động tưởng nhớ các liệt sĩ, tri ân các thương bệnh binh và gia đình họ. Hòa trong những nỗ lực chung đó, Bộ Ngoại giao cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực có ý nghĩa, để tri ân, tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn với những đóng góp vô giá của các liệt sĩ, thương bệnh binh vì nền độc lập, tự do của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Bộ đã tổ chức đi thăm và trao quà tặng gia đình chính sách tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ngãi và trung tâm điều dưỡng người có công, tỉnh Phú Thọ. Bộ cũng đã nhận chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cuối tuần này, Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Những hoạt động này không chỉ nhằm đền ơn đáp nghĩa, mà còn giáo dục các thế hệ cán bộ ngoại giao, nhất là cán bộ trẻ về công ơn của những người lính đã hy sinh xương máu, cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì đất nước.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao, các đơn vị trong Bộ luôn quan tâm, đã và đang thực hiện các chính sách ưu tiên về giáo dục, đào tạo, luân chuyển đối với thân nhân của các gia đình thương binh, liệt sĩ là cán bộ nhân viên của Bộ, góp phần khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với người có công với đất nước.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao cũng đề nghị các thủ trưởng đơn vị chia sẻ, hỗ trợ các cán bộ phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, coi đây chính là sự tri ân đối với các thế hệ đi trước.
Bộ trưởng bày tỏ mong mỏi các cán bộ là thân nhân liệt sĩ, thương binh tiếp tục đóng góp để xứng đáng với sự hy sinh đó.
Phút mặc niệm thiêng liêng tại buổi lễ. (Ảnh: Quang Hòa) |
Người lính xưa trên chiến trường, nay trên mặt trận đối ngoại
Buổi gặp mặt năm nay diễn ra long trọng, trang nghiêm và đầy cảm xúc. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ là những câu chuyện và trải lòng của những người tham dự.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc bày tỏ xúc động khi thay mặt Lãnh đạo Bộ gửi tới cán bộ nhân viên và gia đình thương binh, liệt sĩ lời cảm ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc nhất cho những hy sinh xương máu, hay để lại một phần thân thể của mình tại chiến trường hoặc vẫn mang trên mình thương tích, để nhân dân được sống trong bình yên và hạnh phúc ngày hôm nay.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, chính những hy sinh vô giá của các liệt sĩ, thương binh đã góp phần làm rạng danh đất nước ngày hôm nay. (Ảnh: Quang Hoà) |
Thứ trưởng cho biết Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan hữu quan thúc đẩy đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ để xây dựng một trung tâm tìm kiếm, quy tập, nhận dạng hài cốt bộ đội Việt Nam, do Hoa Kỳ tài trợ. Hiện còn hàng trăm nghìn hài cốt đã quy tập chưa xác định được danh tính. Và cũng còn hàng trăm nghìn liệt sĩ mất tích chưa tìm được hài cốt. Đây là trách nhiệm của Bộ đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì đất nước.
Có thể nói, lớp lớp cán bộ Bộ Ngoại giao luôn giữ gìn, phát huy thành quả của sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, tiếp bước cha anh, họ là những người lính trên chiến trường, các cán bộ ngoại giao cũng là những người lính đi đầu trên mặt trận đối ngoại. Những người lính trong thời bình tiếp nối truyền thống tự hào của ngành Ngoại giao, tích cực phấn đấu rèn luyện, không ngại khó khăn gian khổ, hy sinh thầm lặng để lập nhiều thành tích góp phần duy trì môi trường hòa bình ổn định, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển, để nâng cao uy tín vị thế của đất nước.
Thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay rất tự hào trước những bước phát triển đi lên của đất nước, vị thế uy tín ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế nể trọng.
Chính những hy sinh vô giá của các liệt sĩ, thương binh đã góp phần làm rạng danh đất nước ngày hôm nay. Xúc động khi nói về ý nghĩa lớn lao của sự hy sinh của các thương binh, liệt sĩ, Thứ trưởng hồi tưởng những vần thơ trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Tố Hữu): “Dù bom đạn, xương tan thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh/Hỡi các chị, các anh/Trên chiến trường ngã xuống/Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng: Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”.
Những câu chuyện lay động trái tim
Tại cuộc gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thương binh, nhiều người tham dự sinh ra trong thời bình, không phải trải nghiệm những khốc liệt của chiến tranh. Dù vậy, cả hội trường vẫn lặng đi khi nghe về những nỗi đau, những mất mát mà mỗi gia đình các cán bộ nhân viên thân nhân liệt sĩ, thương binh vẫn còn phải gánh chịu cho tới tận hôm nay.
Đó là câu chuyện của anh Lê Phước Quyết, cán bộ Phòng Chuyển sinh hoạt đảng, Văn phòng Đảng ủy Đoàn thể. Anh Quyết cho biết, gia đình anh đều sinh ra và lớn lên từ vùng đất Quảng Trị nơi hứng nhiều khói lửa, đạn bom. Cha anh, các cậu, các bác anh cả đời “ăn cơm vắt, ở dưới hầm” từ nhỏ, lớn lên rồi chiến đấu và hy sinh tại chiến trường miền Nam. Hai bên nội ngoại có tới 6 người là liệt sĩ, một số người thương binh… Không ai có thể thốt lên thành lời khi nghe anh kể, có tháng gia đình anh mất 2 người, trong 2 năm đã mất 6 người…
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, nhân viên ngoại giao là thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ. (Ảnh: Quang Hoà) |
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Hải Lý, cán bộ công tác tại Nhà khách Chính phủ về giai đoạn vất vả khi các thành viên gia đình chị phải chống chọi với nhiều khó khăn khác nhau khi cha chị là thương binh nặng ¼ bị cụt cả hai chân, ốm yếu thường xuyên.
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Đồng Anh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên về chính câu chuyện của gia đình mình với hai người bác là liệt sĩ, một người hy sinh ở Quảng Trị năm 1972, sau nhiều nỗ lực gia đình mới đây đã xác định được bác là một trong 1.200 ngôi mộ không tên tại một nghĩa trang huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Một người bác xung phong nhập ngũ năm 1972, hy sinh tại Đồng Tháp Mười năm 1974. Theo thư của đồng đội gửi về thì không bao giờ có thể tìm thấy mộ vì đơn vị đã trúng đợt đạn pháo khủng khiếp. Chỉ còn vài tháng nữa sau đó là thống nhất đất nước, nhưng bác của Đồng Anh đã không trở về...
Không chỉ với những cán bộ trẻ mới vào ngành, những câu chuyện như vậy thực sự làm lay động trái tim những người tham dự buổi gặp mặt. Được biết, cũng trong tháng 7 này, thanh niên Bộ Ngoại giao đã có nhiều hoạt động như dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị...
Thanh niên Bộ hứa luôn phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn", hiện thực hóa phong trào đền ơn đáp nghĩa bằng những hành động thiết thực, cụ thể, trước tiên là làm tốt những nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó, không ngại khó, ngại khổ, làm việc với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với tinh thần phụng sự Tổ quốc, bảo vệ đất nước từ xa và từ sớm, sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước.
Nhân dịp này, đại diện cho các thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ tham dự, anh Đoàn Thanh Song, Giám đốc Trung tâm Thông tin (con Thương binh) đề nghị Bộ tạo điều kiện để cán bộ nhân viên thuộc đối tượng này phấn đấu, vươn lên, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sự quan tâm của Bộ không chỉ là sự nhớ ơn, tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước mà còn là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể con em gia đình thương binh liệt sĩ của Bộ; giúp thế hệ mai sau tiếp tục phát huy truyền thống của lớp cha anh đi trước, giáo dục các thế hệ hiện nay tiếp nối truyền thống đó và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và dân tộc.
***
Có thể nói, trong thế kỷ XX, hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc, trên Biển Đông... Hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể của mình trên khắp các chiến trường ở mọi miền đất nước.
Máu xương ấy của các thế hệ cha anh đã viết nên những trang sử vẻ vang của một dân tộc anh hùng, thể hiện khát vọng được sống trong hòa bình của một đất nước đã trải qua những năm dài trường kỳ kháng chiến; là điểm tựa vững chắc, vĩnh cửu cho các thế hệ người Việt Nam tự hào và quyết tâm xây dựng đất nước phát triển hùng cường.
| Trên Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào Những ngày này, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào, huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An đón hàng nghìn lượt người đến thắp nến tri ... |
| Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), tối 23/7, tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh ... |