📞

Cán bộ trẻ phải dám "nhảy xuống nước"

08:20 | 14/08/2014
Cho rằng ngoại giao đa phương là khuôn khổ và công cụ quan trọng với các nước vừa và nhỏ, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội có nhiều lời khuyên hữu ích giành cho những cán bộ trẻ làm công tác đối ngoại đa phương hiện nay.

Trong một bài viết trên TG&VN tháng 12/2013, bà từng nói rằng, để tính trước những vấn đề thách thức, cơ hội và biện pháp phát huy chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, trong mỗi giai đoạn, Việt Nam phải xác định lợi ích căn bản, lâu dài và lợi ích trung và ngắn hạn của mình. Vậy theo bà, trong giai đoạn này, Việt Nam cần xác định các lợi ích đó như thế nào?

Theo quan điểm cá nhân của tôi, lợi ích cơ bản được xác định trong ngoại giao đa phương là lợi ích quốc gia, dân tộc, do đó cần tạo thế tốt nhất để có thể phát huy nội lực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Ngoài ra, mọi hoạt động ngoại giao đa phương đều phải hướng tới yêu cầu độc lập chủ quyền và mục tiêu phát triển bền vững, và tối ưu nhất là làm thế nào kết hợp được cả hai yêu cầu phát triển bền vững và hòa bình độc lập, chủ quyền. Bên cạnh đó, trong ngoại giao đa phương phải nhớ hai điều: thứ nhất là không có bạn hoặc thù vĩnh viễn; thứ hai, là việc gặp nhau vì “lợi ích” phải mang tính thời gian và bối cảnh xác định. Chính yếu tố “lợi ích” là chất kết nối, chất keo dính các quốc gia lại với nhau trong khuôn khổ hợp tác đa phương. Ví dụ Việt Nam đã tham gia nhóm CAIRNS, một nhóm các nước xuất khẩu lương thực trong WTO với mục đích đảm bảo lợi ích chung của nước xuất khẩu lương thực và chỉ có gia nhập WTO thì Việt Nam mới tham gia được nhóm này.

Ngoại giao đa phương là khuôn khổ và công cụ quan trọng với các nước vừa và nhỏ. Singapore là một nước có mức sống cao nhưng về diện tích lại rất nhỏ. Trọng lượng kinh tế của họ nhỏ, dân số không đông nhưng tiếng nói của họ vượt lên trên những hạn chế về địa lý và dân số. Cái đó là nhờ vào ngoại giao đa phương. Đó là lý do tại sao Singapore đầu tư nhiều vào ngoại giao đa phương và họ rất năng động trong các diễn đàn đa phương. Cũng thông qua các diễn đàn này, Singapore có thể tập hợp được lực lượng, nâng cao vị thế. Là một quốc gia tầm trung, Việt Nam cũng cần có hoạt động ngoại giao đa phương hiệu quả để phát huy những chủ trương, chính sách của mình.

Ngoại giao đa phương ngày nay “hiện đại” bởi nó phải được hiểu là “đa kênh, đa tầng, đa hình thức”. Điển hình của hoạt động ngoại giao đa phương thế kỷ XXI là Davos (Diễn đàn kinh tế thế giới) hơn là Liên hợp quốc, mặc dù tổ chức này vẫn là tập hợp thường xuyên và lớn nhất của các quốc gia. Hoạt động của Davos đúng theo hình thức “đa kênh, đa tầng, đa hình thức” bởi vì ở đó có các Tổng thống, Thủ tướng, có các chủ tập đoàn lớn nhưng cũng có cả những nhà báo nổi tiếng, học giả hàng đầu, các nhà từ thiện xã hội lớn... Đây là những điều cần tính đến khi hoạt động ngoại giao đa phương.

Về lợi ích dài hạn, Việt Nam vẫn phải làm thế nào để có người tham gia vào các cơ cấu lãnh đạo cao nhất của các tổ chức toàn cầu. Trong khu vực thì ta đã có vị trí Tổng thư ký ASEAN. Một điều luôn làm tôi trăn trở là tại sao Việt Nam có thành tích về nông nghiệp mà Việt Nam lại chưa có người tham gia cơ cấu lãnh đạo của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)? Tại sao Việt Nam có thành tích về xóa đói giảm nghèo lại không có người trong cơ cấu lãnh đạo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)?

Để đạt mục tiêu trên, trước hết, Việt Nam cần có tham vọng có mặt ở những vị trí quan trọng trong các tổ chức quốc tế. Sau nhiều thập niên, phải chăng Việt Nam nên tính đến có một vai trò nổi bật hơn trong quá trình cải tổ Liên hợp quốc, nhằm thể hiện sự chủ động và tích cực của một thành viên có trách nhiệm của tổ chức toàn cầu này?

Về lợi ích trung hạn, Việt Nam nên chủ động đảm nhận vai trò đầu mối, dẫn dắt nhóm làm việc, nhóm đặc nhiệm trong các thể chế và khuôn khổ đa phương... để giải quyết các vấn đề đa phương, kể cả việc đăng cai những hội nghị quốc tế. Ví dụ, việc đăng cai IPU năm 2015 sẽ giúp Việt Nam khẳng định tiếp tục triển khai hội nhập quốc tế theo kênh lập pháp. Những chủ trương trên tạo cho Việt Nam lợi thế trong quá trình xây dựng luật chơi, điều chỉnh và bổ sung luật chơi của các thể chế đa phương, chứ không dừng lại ở tham gia và chấp hành.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần nỗ lực đưa nhân viên Việt Nam vào những vị trí cấp thấp và vừa tại các tổ chức quốc tế, khu vực. Tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN tại Myanmar vừa qua, tôi đã gặp hai phụ nữ Việt Nam là Trưởng đại diện FAO và Phó Trưởng đại diện UNDP, tuy nhiên, họ đã tự ứng cử chứ không phải thông qua kế hoạch bài bản nào của các cơ quan trong nước.

Việc xác định các lợi ích như vậy ảnh hưởng thế nào tới các hoạt động đối ngoại đa phương?

Chúng ta phải nhìn nhận đối ngoại đa phương theo chiều rộng, để từ đó triển khai đối ngoại đa phương một cách tổng lực chứ không nên tách bạch giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa... Một tổ chức mang tính văn hóa như UNESCO hiện cũng rất “chính trị”, và khi UNESCO bàn về du lịch thì họ cũng đã rất “kinh tế” rồi.

Ngoài ra, hiện nếu coi sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông là một thách thức, cũng như nếu tính đến các hiệp định tự do thương mại (như TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán thì chúng ta bắt buộc phải tiến hành đào tạo, bố trí cán bộ về luật quốc tế, luật biển, luật về IP (Sở hữu trí tuệ)... Một giáo sư người Mỹ nghiên cứu lâu năm về luật Biển từng phát biểu: “Đội ngũ luật gia của Trung Quốc khủng khiếp lắm!”. Chúng ta phải đầu tư bài bản, không chỉ dừng lại ở bồi dưỡng, đào tạo mà cán bộ luật cần phải “nhảy” vào các cơ cấu luật để cọ xát, rèn luyện từ đó phát triển năng lực.

Tại sao Việt Nam đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, nhưng vẫn “trống” trong các vị trí cao ở các tổ chức quốc tế?

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu chủ trương, thiếu quy hoạch, đầu tư và bồi dưỡng bài bản. Mặt khác, để làm được điều này cần phải xác lập được những quan hệ cá nhân mật thiết, gần gũi, thân thiện với lãnh đạo những tổ chức quốc tế. Ngoài ra, cần phải xác định mục tiêu (vị trí) rõ ràng và ra sức vận động (lobby). Vận động là yếu tố vô cùng quan trọng, nếu tự ứng cử thì không loại trừ khả năng vào được nhưng trên thực tế, các tổ chức thường ưu tiên cho ứng viên được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ. Và đặc biệt là phải đánh giá đúng thuận lợi và trở ngại đối với sự ứng cử của Việt Nam. Ví dụ sự ứng cử của Việt Nam nên hướng tới những tổ chức trên các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế như quyền phụ nữ và trẻ em, xóa đói giảm nghèo và phát triển. Còn ứng cử vào IMF hay WB thì chúng ta chưa có lợi thế.

Là nhà ngoại giao kỳ cựu, bà có lời khuyên nào dành cho những nhà ngoại giao trẻ để làm tốt công tác đối ngoại đa phương?

Với các nhà đối ngoại trẻ, tôi muốn nói rằng, trước tiên về ngoại ngữ, để làm đối ngoại song phương thì ngoại ngữ có thể là tương đối nhưng đối với ngoại giao đa phương thì ngoại ngữ đòi hỏi trình độ phải cao. Thêm nữa các nhà ngoại giao đa phương phải có hiểu biết tổng quát và nắm bắt các xu thế và tập hợp lực lượng trên thế giới và khu vực. Kiến thức văn hóa cũng phải rộng vì họ sẽ phải tiếp xúc với những tập hợp chính trị, văn hóa khác nhau. Ngoài ra, cần phải trau dồi khả năng lập luận. Khả năng lập luận của các nhà ngoại giao đa phương ở Việt Nam so với mặt bằng chung thế giới còn yếu, còn hạn chế về tính hệ thống và thiếu cả tính sắc bén và góc cạnh.

Vì vậy, các nhà ngoại giao phải luyện và tìm hiểu kỹ lưỡng về tập hợp lực lượng trên từng vấn đề và trong từng thời điểm. Nghĩa là luyện về vận động (lobby) trên cơ sở xác định lợi ích của các bên. Việc xác định “mẫu số chung” về lợi ích cũng rất quan trọng. Hơn nữa còn phải biết xây dựng đồng thuận và thỏa hiệp. Đây là những khái niệm chìa khóa trong ngoại giao đa phương.

Tóm lại, làm ngoại giao đa phương đối với người trẻ cũng cần phải rất chịu khó và chăm. Đặc biệt, không chỉ chăm đọc và nghiên cứu, tìm hiểu mà còn phải không ngần ngại “nhảy xuống nước” vì trong các hình thức ngoại giao, ngoại giao đa phương đòi hỏi sự thực hành liên tục và cao độ nhất.

Xin cảm ơn bà!

Chung Hằng (thực hiện)