📞

Căn cứ quân sự bí mật nhất hành tinh

07:58 | 22/09/2009
Đó là “Area 51” (Vùng 51). Cái tên này không có trên bất cứ tấm bản đồ nào của nước Mỹ. Người ta chỉ biết nó nằm đâu đó gần hồ Groom (bang Nevada) và toàn bộ khu vực xung quanh là sa mạc rộng lớn bị hạn chế đi lại. Nơi đây được cho là trung tâm phát triển các loại máy bay và vật thể bay bí mật chưa từng được biết tới.

Thường gọi là Vùng 51, nhưng thực ra căn cứ quân sự bí mật này có rất nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn như: The Ranch, Watertown Strip, The Box, Red Square, The Farm, Groom Lake, Dreamland, Air Force Flight Test Center hay Detachment 3. Cái tên Vùng 51 được nhắc tới lần đầu trong một tài liệu của công ty chuyên phát triển khí tài quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) cách đây nhiều năm. Vùng 51 mang trong mình rất nhiều bí mật, không ai biết trong đó diễn ra những hoạt động gì. Các quan chức Chính phủ Mỹ thì một mực phủ nhận sự tồn tại của khu vực này, trong khi các chuyến bay, kể cả máy bay quân sự cũng bị cấm bay ngang qua Vùng 51. An ninh nghiêm ngặtVì là khu căn cứ bí mật và cực kỳ quan trọng nên an ninh xung quanh Vùng 51 được tăng cường ở mức tối đa. Toàn bộ khu vực sa mạc bao quanh được quan sát bằng radar và vệ tinh nhằm theo dõi bất cứ vật thể chuyển động nào. Để tăng cường độ an toàn cho Vùng 51, Không quân Mỹ đã trưng dụng các khu vực xung quanh để lập thành “vùng trắng” để không ai hay vật thể nào có thể thoát khỏi tầm quan sát. Vị trí quan sát duy nhất bằng mắt thường hiện nay cách Vùng 51 khoảng 26 dặm, đủ đảm bảo an toàn cho khu vực này. Những ai có công việc phải đến Vùng 51 thì đều được chuyên chở trên những chiếc Boeing 737 hoặc 727 không có số hiệu. Máy bay cất cánh từ Sân bay quốc tế McCarran, Las Vegas, trực thuộc Bộ Quốc phòng.Đó là bên ngoài, còn bên trong là một đội ngũ đông đảo kỹ sư, các nhà khoa học và giới quân sự. Bất kể ai khi làm việc tại Vùng 51 đều phải ký vào bản cam kết không tiết lộ bí mật. Các căn phòng và tòa nhà trong khu vực này đều có rất ít cửa sổ để tránh bên ngoài quan sát và tránh bên trong quan sát ra ngoài. Trong công việc, có thể nhiều nhóm cùng làm việc với một dự án, nhưng người nào biết công việc của người nấy, nhằm đảm bảo bí mật. Khi thử nghiệm một chiếc máy bay bí mật nào đó, tất cả nhân viên được yêu cầu giữ nguyên vị trí làm việc cho tới khi nào cuộc thử nghiệm hoàn tất. Phát triển các dự án máy bay tuyệt mậtVậy Vùng 51 nghiên cứu và phát triển những khí tài gì mà lại bí mật đến như vậy? Câu trả lời là các dự án máy bay thuộc dạng tối mật. Mục đích ban đầu của Vùng 51 là thử nghiệm loại máy bay do thám U-2 do Lockheed (hợp tác với CIA) phát triển, rồi sau đó đến chiếc Suntan – phiên bản nâng cấp của E-2. Suntan có thể bay ở tốc độ siêu thanh mach 2.5 gần 2.000 dặm/giờ, sử dụng nhiên liệu hydro lỏng. Chính vì lý do này mà dự án Suntan phải dừng lại vì nó quá tốn kém. Tiếp sau Suntan là dự án máy bay SR-71 “Blackbird” (còn gọi là A-12). Chiếc phản lực này có thể bay ở tốc độ mach 3 (2.300 dặm/giờ) và ở độ cao 27,5 nghìn km. Khác với dòng máy bay trên, Vùng 51 còn nghiên cứu các loại máy bay do thám không người lái siêu hiện đại, mà điển hình trong số này là Tacit Blue và Have Blue. Tacit Blue có hình dáng một con cá voi mà giới trong nghề thường gọi là “Shamu”. Nó được thiết kế bay qua các vùng chiến sự để do thám. Còn Have Blue là một phiên bản mẫu của F117-A Stealth Fighter, loại máy bay do thám có mặt từ năm 1997. Stealth Fighter mãi là bí mật cho đến năm 1990 chúng mới được biết đến. Một chiếc máy bay nữa là Bird of Prey (lấy tên trong bộ phim Star Trek) - loại máy bay ném bom do thám. Và chiếc máy bay cuối cùng mà người ta từng nghe tới chính là TR3A Black Manta. Đây có thể là một phiên bản của Stealth Fighter, nhưng thuộc dạng khí tài bay không người lái. Ngoài ra, người ta tin rằng có thể còn rất nhiều các dự nghiên cứu máy bay bí mật nữa mà không phải ai cũng biết tới. Gia Vũ  (Theo Discovery)