📞

Cần hơn ba năm để thay đổi tập quán dùng thuốc ngoại

21:16 | 14/11/2016
Về phía các doanh nghiệp dược, có hai việc cần kíp phải làm trước mắt, thứ nhất là tự thân vận động, thứ hai là tăng cường chứng minh với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình đạt chất lượng tốt, để thay đổi tập quán của người dùng.

Đây là lời khẳng định của ông Trần Đức Chính, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam khi trao đổi với phóng viên TG&VN về giải pháp tăng cường tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở các bệnh viện.

Ông Trần Đức Chính, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược VIệt Nam. (Ảnh: AD)

Thay đổi về nhận thức

Sau hơn 3 năm Bộ Y tế thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ông đánh giá như thế nào về tác động của Đề án đối với các doanh nghiệp dược trong nước thời gian qua?

Chủ trương ra đời lúc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp muôn vàn khó khăn để tồn tại và hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào chủ trương này. Tuy nhiên, vấn đề ở đây vẫn là câu chuyện sản xuất phải gắn với tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp dược nội, cần phải xác định rõ, thuốc sản xuất trong nước không thuần túy là thuốc của các doanh nghiệp Việt Nam. Nó bao gồm cả các doanh nghiệp FDI đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Họ cũng được hưởng ưu đãi như thuốc sản xuất trong nước. Vì vậy, chủ trương này của Bộ Y tế không chỉ thúc đẩy nền công nghiệp dược Việt Nam, nhà máy của người Việt Nam mà còn thúc đẩy một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực dược của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam.

Tác động tiếp theo là thay đổi về mặt nhận thức của cán bộ y tế, người kê đơn và của người dân với tư cách là người bệnh dùng thuốc. Bằng chứng là hàng năm, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có tăng, đặc biệt là ở khu vực bệnh viện tuyến huyện (61% lên 69,3%), ở tuyến tỉnh (31% lên 35%). Tuy nhiên, mức độ tăng chưa được như kỳ vọng. Tôi mong muốn nhận thức này phải đi sâu hơn. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng nhiều hơn thì có lợi cho tất cả các đối tượng.

Các doanh nghiệp dược Việt Nam hưởng ứng đề án này như thế nào, thưa ông?

Các doanh nghiệp sản xuất thuốc mà chúng tôi (Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam – PV) làm đại diện đã có một nỗ lực không ngừng. Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta chưa có khái niệm về thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP), cũng không có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn này. Nhưng từ khi Bộ y tế có chủ trương thì hầu hết các nhà máy sản xuất thuốc đã đạt chuẩn GMP. Đầu tiên là GMP ASEAN, sau đó nâng cấp lên GMP theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Và khi có phong trào “người Việt dùng thuốc Việt” thì các doanh nghiệp trong nước cần phải chứng tỏ thuốc của mình sản xuất ra là tốt, không kém thuốc nhập. Các doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đăng ký nâng hạng GMP, rồi thử tương đương điều trị đạt chuẩn, nhiều doanh nghiệp đã đạt GMP của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Để đạt GMP của những nước tiên tiến, thuốc sản xuất trong nước cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguyên liệu, phương pháp bào chế, đáp ứng khi thử tương đương sinh học và bao bì. Chúng ta có quyền tin tưởng, tự hào về bước phát triển ngoạn mục của công nghiệp dược trong nước.

Tuy nhiên, có một thực tế là doanh nghiệp sản xuất dược trong nước vẫn phải nhập nguyên liệu rất nhiều, tới hơn 90% nên chúng ta vẫn bị phụ thuộc. Nhưng cũng không nên quá bi quan vì ngay cả Mỹ cũng nhập nguyên liệu tới hơn 60%. Không nước nào có thể sản xuất 10.000 loại nguyên liệu cho nền công nghiệp dược phẩm của nước mình.

Như vậy, hẳn là vẫn còn những hạn chế, thưa ông?

Một số hạn chế như tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tăng nhưng chưa đạt được kỳ vọng.

Muốn thay đổi một tập quán, chúng ta cần nhiều thời gian hơn là 3 năm. Nhưng chúng ta cũng phải có những biện pháp cụ thể, như: giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, áp dụng thủ tục điện tử, công khai minh bạch.

Xin ông có thể nói cụ thể hơn?

Cục Quản lý Dược cũng đã hết sức nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, bằng chứng là Thông tư 44 quy định về đăng ký thuốc thay cho Thông tư 22, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp về việc gia hạn số đăng ký sau 5 năm. Bởi vì, số đăng ký có tác dụng 5 năm thì mất 3 năm đầu để làm thị trường, 2 năm tiếp theo mới được hưởng lợi từ số đăng ký này. Nếu phải đăng ký lại thì mất thời gian, tốn kém chi phí, tốn kém công sức cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp mất cơ hội, mất thị phần.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã “nới trần” quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dược từ 10% lên 15%, đó cũng là tín hiệu vui cho doanh nghiệp sản xuất dược trong nước.

Tăng cường tuyên truyền quảng bá là một trong những biện pháp hữu hiệu để thay đổi tập quán sử dụng thuốc ngoại của người dân. (Ảnh minh họa)

Cần phải được kiểm nghiệm

Với thuốc sản xuất trong nước, làm thế nào để người tiêu dùng có thể phân biệt được thuốc đạt chất lượng và kém chất lượng?

Bằng hệ thống kiểm nghiệm. Ở cấp Trung ương có Viện Kiểm nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở các sở y tế cũng đều có trung tâm kiểm nghiệm.

Còn ở các nhà máy, khi đã đạt GMP thì bản thân nhà máy phải đạt được tiêu chuẩn Thi hành kiểm nghiệm thuốc tốt (GLP).

GLP có nghĩa là mỗi loại thuốc phải được kiểm nghiệm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất. Sau khi sản phẩm ra, doanh nghiệp phải kiểm nghiệm thành phẩm. Trong quá trình lưu hành, doanh nghiệp phải lưu mẫu định kỳ, tự lấy mẫu kiểm tra chất lượng. Cơ quan lý nhà nước, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng.

Bằng cách này, chúng ta mới phát hiện ra thuốc nào kém chất lượng, của cơ sở nào, kém ở mức độ nào. Trong thang bậc chất lượng chia ra làm 4 bậc với cách thức xử lý khác nhau. Nó liên quan đến chuyên môn nhưng với người tiêu dùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng cơ quan quản lý Nà nước đã nỗ lực thực hiện và có hiệu quả thiết thực, tỷ lệ thuốc giả đã giảm, những loại thuốc không đảm bảo chất lượng dần dần bị loại bỏ khỏi thị trường.

Các công ty sản xuất dược cần phải đáp ứng được những yêu cầu như thế nào để có thể có được chỗ đứng trên thị trường cũng như là tăng tỷ lệ  thuốc nội trong bệnh viện và trong các nhà thuốc?

Khối doanh nghiệp còn rất nhiều việc phải làm. Hiện chúng ta có khoảng hơn 160 doanh nghiệp sản xuất dược. Và mỗi doanh nghiệp đều phải đạt được những tiêu chuẩn GMP, GLP, GSP. Doanh nghiệp cũng đầu tư rất nhiều, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt FMP EU, PIC GMP. Nhưng cái khó vẫn là thay đổi tập quán của người tiêu dùng. Về mặt thuốc, thì người kê đơn là quan trọng hơn cả.

Doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường quảng bá hơn nữa. Quảng bá để bác sĩ hiểu về thuốc này là đạt tiêu chuẩn, là hiệu quả thực sự. Bản thân Hiệp hội Doanh nghiệp Dược cũng mong muốn tổ chức những đoàn bác sĩ đi thăm nhà máy của các doanh nghiệp, tận mắt chứng kiến quy mô, quy trình sản xuất thuốc. Tuy nhiên, việc này chúng tôi cũng chưa làm được nhiều.

Doanh nghiệp cũng phải chứng minh được tương đương sinh học của những sản phẩm mình làm ra. Tương đương sinh học không phải có tiền là làm được. Tự thân doanh nghiệp phải nỗ lực, phải chứng minh cho thầy thuốc thấy được thuốc của mình là thuốc chất lượng tốt, được sản xuất từ nguyên liệu đạt chuẩn, trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đáng tin cậy. Sản phẩm được chứng minh tương đương điều trị và được kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình từ nguyên liệu đến khi ra thành phẩm lưu thông trên thị trường.