📞

Cần nhiều thời gian để phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vì quá thiếu lòng tin

15:05 | 15/06/2018
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore ngày 12/6 đã thành công ở khía cạnh mở ra con đường đối thoại thực chất giữa hai nước để cùng hướng đến mục tiêu đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, song để hiện thực hóa tiến trình phi hạt nhân hóa có thể cần rất nhiều thời gian.

Đây là những nhận định được đưa ra trong một cuộc thảo luận do Viện Korea Society tổ chức tại New York (Mỹ) ngày 14/6. 

Cuộc thảo luận tập trung phân tích những kết quả đạt được từ cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và dự đoán những bước đi tiếp theo của các bên liên quan.

Diễn giả của cuộc thảo luận là hai chuyên gia kỳ cựu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên gồm Chủ tịch Tổ chức Mansfield, ông Frank Jannuzi và Giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên, ông Keith Luse. . 

Theo ông Frank Jannuzi, khía cạnh tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là hai nhà lãnh đạo lần đầu tiên đã ngồi cùng nhau và đưa ra cam kết hòa bình và phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, ông cho rằng tuyên bố chung quá sơ sài, vì vậy, trong quá trình Mỹ và Triều Tiên cùng theo đuổi phi hạt nhân hóa này, sẽ nảy sinh một số vấn đề thực sự hóc búa, trong đó có việc liệu Triều Tiên có đặt kỳ vọng được công nhận là một cường quốc hạt nhân hòa bình hay không.

Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tien trong cuộc gặp lịch sử ngày 12/6. (Nguồn: The Guardian)

Trong trường hợp đó, Triều Tiên sẽ sản xuất nhiên liệu bằng urani có độ làm giàu thấp để phục vụ các nhà máy điện hạt nhân của mình. Ông Jannuzi lưu ý, chừng nào Bình Nhưỡng chưa trình bày cụ thể định nghĩa phi hạt nhân hóa, thì sẽ không thể dự đoán khi nào có thể đạt được một thỏa thuận thực sự với Triều Tiên. 

Trong khi đó, ông Keith Luse đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích mà Mỹ và Triều Tiên thu được từ cuộc gặp thượng đỉnh, cho rằng đến với Hội nghị thượng đỉnh này, cả Mỹ và Triều Tiên đều được nhiều hơn là mất.

Theo ông  Luse, cái lợi lớn nhất mà hai nước thu được sau cuộc gặp thượng đỉnh, đó là thiết lập được đường dây liên lạc trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước. 

Cả ông Jannuzi lẫn ông Luse đều đặc biệt đánh giá cao công lao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc tạo ra bầu không khí đối thoại với Bình Nhưỡng sau thời gian dài thù địch, từ Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra ngày 27/4 tại Panmunjom, đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ngày 12/6 tại Singapore.

Ông Jannuzi nhận định, trong thời gian tới, Tổng thống Moon Jae-in sẽ tiếp tục dẫn đầu nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường ngoại giao.. 

Về vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, hai chuyên gia lưu ý, trong nhiều năm qua, LHQ đi đầu trong các hoạt động viện trợ cho Triều Tiên, làm cầu nối cho các nỗ lực ngoại giao. Chuyến thăm của Phó Tổng thư ký LHQ Jeffrey Feltman tới Bình Nhưỡng hồi tháng 12/2017 được đánh giá là nỗ lực hạ nhiệt đầu tiên cho Bán đảo Triều Tiên, sau một năm bị đẩy đến miệng hố chiến tranh do các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Hai chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, LHQ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thẩm định việc đóng cửa các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, bãi bỏ bao vây cấm vận Triều Tiên và trợ giúp quốc gia này phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này đều tỏ ý hoài nghi trước việc sớm đạt được mục tiêu giải giáp hạt nhân Bán đảo Triều Tiên, vì giữa Triều Tiên và các nước tham gia đàm phán 6 bên gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Triều Tiên vẫn còn quá thiếu lòng tin vào nhau.

Vị chủ tịch tổ chức Mansfield đưa ra hình ảnh so sánh khá thú vị, đó là 6 quốc gia từng tham gia đàm phán sáu bên đang trên cùng một chuyến xe, với đích đến là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chiếc xe đó luôn trong tình trạng có thể dừng lại bất kỳ lúc nào do hỏng hóc và nguy hiểm hơn là trên xe không hề có thiết bị an toàn nào.

(theo TTXVN)