Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã chia sẻ với Báo TG&VN trước thềm sự kiện diễn ra vào ngày 3/11.
Thưa ông, giới doanh nghiệp thường đặt mục tiêu gì khi tham dự những Hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016 lần này? Thông qua các sự kiện lớn bàn về các vấn đề của Việt Nam nhưng mang tầm quốc tế như thế, giới doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng gì?
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Vietcombank nói riêng, việc tham dự các sự kiện mang tầm quốc tế như Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 là cơ hội rất tốt để tiếp cận trực tiếp những nhận định, đánh giá của quốc tế về nền kinh tế Việt Nam, từ đó, xác định chiến lược và hành động cần thiết nhằm thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ trái qua phải: Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cắt băng khai mạc Triển lãm Thành tựu Kinh tế và Môi trường Đầu tư tại Việt Nam. |
Chúng tôi cũng xác định đây là dịp để giới thiệu bản thân với cộng đồng đầu tư quốc tế, mở rộng các cơ hội hợp tác, hội nhập cả chiều rộng và chiều sâu.
Khi đến đây, ông muốn nhận được điều gì cho kế hoạch phát triển hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Vietcombank – một trong những đầu tàu trong lĩnh vực kinh tế lớn của đất nước?
Trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính, sự vận động của nền kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng trực tiếp và có ý nghĩa quyết định đối với định hướng hoạt động của Vietcombank. Đến với Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016, chúng tôi mong muốn nắm bắt được những nhận định, chia sẻ quý báu c?a đại diện Chính phủ Việt Nam, các học giả, các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị về cơ hội và thách thức đối với kinh tế Việt Nam.
Từ góc độ hoạt động kinh doanh, mục tiêu chiến lược của Vietcombank là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam và là một trong 300 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất. Việc mở rộng phạm vi hoạt động cũng như mức độ ảnh hưởng trên trường quốc tế là điều kiện tất yếu để hoàn thành được những mục tiêu trên. Thông tin nhận được từ Hội nghị sẽ là dữ liệu đầu vào hữu ích cho Vietcombank trong việc xác định trọng tâm và định hướng hoạt động, tận dụng các cơ hội, biến thách thức thành thời cơ và nỗ lực cao nhất đáp ứng những kỳ vọng của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
The Economist đánh giá khá khả quan về các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, cũng như tương lai của nền kinh tế. Ông nhìn nhận thế nào về đánh giá này?
Chúng tôi có cùng quan điểm với các chuyên gia của The Economist về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam rất tích cực, chủ động trong việc thực hiện cải cách kinh tế và tham gia tiến trình hội nhập quốc tế. Việc ký kết thành công Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (năm 2000), gia nhập WTO (năm 2007), gia nhập khối ASEAN và AFTA (năm 2015), và gần đây nhất là việc đi đến thỏa thuận thống nhất các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định EVFTA, TPP… cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, cải tổ mạnh mẽ về khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh, và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo chúng tôi, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đến từ các yếu tố sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với khu vực (GDP khoảng 6%/năm), do đó, thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng và cũng là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư nước ngoài;
Thứ hai, các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội cung cấp nhiều hơn nữa các sản phẩm/dịch vụ ra thị trường quốc tế;
Thứ ba, sự có mặt của các nhà đầu tư quốc tế theo dòng chảy của vốn nước ngoài tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tiên tiến nhất trong quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, quản lý nguồn nhân lực…, từ đó hướng tới chuẩn hóa và nâng cao mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp.
Vậy ông có đề xuất gì?
Để hội nhập thành công, một mặt, doanh nghiệp Việt Nam phải tự củng cố và hoàn thiện năng lực hoạt động kinh doanh, năng lực quản trị điều hành để có đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời để có đủ “sức hút” với nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, và không thể thiếu, đó chính là một môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch, mang tính hỗ trợ cho giới doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ triển khai quyết liệt những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế, những cải cách về thể chế, chính sách cho đầu tư, phát triển và đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với vốn đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất để dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể đến được với các doanh nghiệp Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!