Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được đánh giá có tác động to lớn và ảnh hưởng tới thương mại của hai phía; trong đó, đặc biệt là đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, cũng như sự bảo hộ đối với các nhà đầu tư và dự án đầu tư của châu Âu tại Việt Nam.
Thị trường Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp EU tới đầu tư. (Nguồn: Mercedes) |
Các ngành, lĩnh vực như thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; dược phẩm, trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán; ngành công nghiệp ô tô – xe máy; máy móc và trang thiết bị ứng dụng; dệt may – da giày; rượu vang và rượu mạnh; năng lượng – tăng trưởng xanh cùng các sản phẩm công nghệ cao… sẽ là những mặt hàng xuất khẩu chính từ châu Âu thâm nhập vào Việt Nam khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Cùng với đó là việc tạo thuận lợi nhiều hơn cho các doanh nghiệp châu Âu khi Chính phủ Việt Nam chấp nhận nhãn mác hàng hóa có xuất xứ “sản xuất tại châu Âu” đối với những sản phẩm phi nông nghiệp (trừ dược phẩm). Chưa kể, rất nhiều cải thiện đáng kể khác như cơ hội tiếp cận thị trường, đối xử tối huệ quốc và thuận lợi trong bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp…
Để tiếp cận đối tác và hiểu rõ các doanh nghiệp châu Âu đang cần gì, cùng những thách thức và cơ hội đặt ra đối với họ khi xây dựng quan hệ hợp tác, trao đổi thương mại với phía Việt Nam, các chuyên gia và thành viên đoàn đàm phán EVFTA cho biết, đầu tiên, họ đang cần một cổng thông tin đầu mối về Việt Nam, chuyên cung cấp các thông tin thị trường về xuất nhập khẩu; những phân tích về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, nhất là khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ngoài ra, những thông tin về tiếp cận thị trường, về nguồn nhân lực, thuế, các nhà cung ứng trong nước… cũng rất được các doanh nghiệp châu Âu quan tâm và tìm hiểu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) nêu rõ, EU và các doanh nghiệp đầu tư đến từ EU rất quan tâm tới việc tăng cường tính minh bạch đối với những vấn đề cố hữu liên quan tới quá trình ban hành và thực thi các chính sách; cũng như đòi hỏi việc nâng cao chất lượng của hệ thống tòa án trong nước, đi đôi với việc thiết lập cơ chế thực thi hiệu quả và minh bạch các phán quyết và quyết định trọng tài nước ngoài.