Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Tổng hợp kết quả kiểm toán của 276/276 cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính trên 38.300 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Kết quả kiểm toán đã góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của nhà nước và góp phần tích cực vào việc phòng, ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán thông qua việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị vốn nhà nước tại 7 doanh nghiệp đã làm tăng thêm giá trị vốn nhà nước trên 20,8 nghìn tỷ đồng.
Qua kiểm toán 27 dự án giao thông BOT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án tài chính ban đầu là trên 107 năm.
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể, cá nhân, chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra; cung cấp hàng chục bộ hồ sơ, tài liệu cho các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện việc tố tụng.
Bên cạnh đó, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời...
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành 8 nhiệm vụ của Kế hoạch Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2013-2017, trong đó tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng...
Cùng với đó chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế trên các diễn đàn song phương và đa phương, như vai trò thành viên Ban Điều hành Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) 2015-2018, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch của Tổ chức Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) nhiệm kỳ 2015-2017, tham gia các nhóm công tác của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018.
Sau khi nghe những đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của đại diện bộ, ngành Trung ương tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới yêu cầu phải đẩy nhanh việc đưa Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 vào cuộc sống trên cơ sở tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách đầy đủ, hiệu quả, có chất lượng, chú trọng sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng cải cách thủ tục hành chính vào hoạt động kiểm toán để đạt hiệu quả cao hơn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phải luôn theo sát và phục vụ quá trình quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước; nâng tầm các kết luận, kiến nghị thực sự có chất lượng, tương xứng với địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước - một cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Kiểm toán Nhà nước là công cụ quan trọng để phát hiện hiện tượng, dấu hiệu tham ô, tham nhũng, không tuân thủ pháp luật về kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước cần chủ động kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu phạm tội.
Các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm tiếp nhận, điều tra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời, Kiểm toán Nhà nước phải chủ động kiểm toán những ngành, nghề, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, những vụ việc dư luận quan tâm, bức xúc để phòng ngừa, ngăn chặn và qua đó tham mưu các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng chống tham nhũng, thất thoát.
“Thời gian vừa qua, để huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta vay tiền từ các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế... để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư vào những công trình, lĩnh vực trọng điểm, mang tính đột phá để tạo đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế phát triển... Đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa một số chương trình, dự án đầu tư từ nguồn vay nước ngoài vào danh sách kiểm toán hằng năm để ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực, lãng phí… Quan trọng hơn là Kiểm toán Nhà nước phải tư vấn, tham mưu cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ/ngành để làm sao quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài,” Chủ tịch nước Trần Đại Quang giao nhiệm vụ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hoạt động kiểm toán cần kịp thời cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách gắn với điều hành phát triển kinh tế-xã hội thiết thực và hiệu quả; cảnh báo sớm cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề về chính sách tài khóa-thu chi ngân sách nhà nước, nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, tín dụng, ngân hàng...
Kiểm toán Nhà nước phải chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí bằng việc tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí, như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, xây dựng cơ bản…; chủ động tham mưu, tư vấn với Đảng, Nhà nước về những dự án mua sắm, đầu tư lớn, dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, góp phần tích cực, thiết thực vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Kiểm toán Nhà nước phải luôn quan tâm, coi trọng công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ Đề án đầu tư Hệ thống trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018; thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Kiểm toán Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để Kiểm toán Nhà nước nâng cao năng lực, phát huy vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị.