📞

Cần tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Azerbaijan

Tuấn Việt 16:53 | 20/11/2023
Ngày 20/11, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp Phó Chủ tịch Đảng Azerbaijan Mới Tahir Budagov thăm làm việc tại Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp Phó Chủ tịch Đảng Azerbaijan Mới Tahir Budagov. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Azerbaijan; bày tỏ hài lòng về việc quan hệ giữa hai nước thời gian qua không ngừng được tăng cường.

Phó Chủ tịch Đảng Azerbaijan Mới Tahir Budagov nhấn mạnh Việt Nam và Azerbaijan có quan hệ hữu nghị lâu đời, thể hiện qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng sự hợp tác giữa Đảng Azerbaijan Mới và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, sự hợp tác hiệu quả giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Azerbaijan Mới đã góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ giữa hai nước; đồng thời khẳng định, là những nước bạn bè truyền thống, Việt Nam và Azerbaijan cần tiếp tục mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế - thương mại trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Toàn cảnh buổi tiếp. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ông Budagov cho rằng, giữa hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được tận dụng; hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn trên tất cả các kênh Nhà nước, Đảng, Quốc hội. Trước mắt, cần sớm tiến hành khóa họp tiếp theo của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam- Azerbaijan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Hai bên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa hai nước tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế, nhất là Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt bày tỏ cảm ơn lập trường của Azerbaijan ủng hộ Việt Nam và ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.