Động thái này diễn ra sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là một thỏa thuận tồi tệ, đồng thời đe dọa sẽ đàm phán lại hoặc hủy bỏ hiệp định này.
Phát biểu với giới báo chí tại thủ đô Riga của Latvia, Bộ trưởng Champagne nói rõ: "Ngay từ đầu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố rằng chúng tôi sẽ rất vui lòng khi ngồi lại vào bàn đàm phán". Ông nhấn mạnh NAFTA - với sự tham gia của Mỹ, Canada và Mexico, cũng đã từng được sửa đổi.
Bộ trưởng Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne. (Nguồn: afr.com) |
Theo ông, thương mại điện tử thậm chí chưa xuất hiện khi NAFTA sửa đổi lần gần đây nhất, do vậy "có rất nhiều vấn đề chúng ta có thể xem xét lại". Tuy nhiên, ông Champagne cũng cho biết hiện chưa có thông báo chính thức để bắt đầu tiến trình đàm phán lại NAFTA.
NAFTA có hiệu lực từ năm 1994. Theo nguyên tắc của NAFTA, một quốc gia thành viên bất kỳ có thể rút khỏi hiệp định này chỉ đơn giản bằng cách thông báo cho các thành viên còn lại. Việc thông báo sẽ kích hoạt quá trình 180 ngày cho phép các thành viên có những cuộc đàm phán mới về thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận mới nào đạt được, hiệp định này sẽ không còn hiệu lực.