TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc công bố danh sách hàng hóa Mỹ được miễn áp thuế bổ sung | |
Yêu cầu công ty Mỹ rời bỏ Trung Quốc: Thẩm quyền của ông Trump hay quyết định của doanh nghiệp? |
Các doanh nghiệp Mỹ quan tâm nhất tới vấn đề thúc đẩy mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Hơn 25% doanh nghiệp được hỏi cho biết, trong năm vừa qua, họ đã chuyển các dự án mà ban đầu dự định đầu tư vào thị trường Trung Quốc sang các quốc gia khác. Amcham Shanghai cho biết, con số này đã tăng 6,9% so với năm 2018, trong đó, các ngành bao gồm công nghệ phần cứng, phần mềm và dịch vụ có tỉ lệ chuyển địa điểm đầu tư nhiều nhất.
Đây là nghiên cứu do Amcham Shanghai và Công ty Kiểm toán hàng đầu thế giới PricewaterhouseCoopers (PwC) hợp tác khảo sát 333 doanh nghiệp thành viên. Nghiên cứu này được triển khai từ 27/6 đến 25/7, cùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định nối lại các cuộc đàm phán thương mại.
Vẫn là cơ hội tiếp cận thị trường
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ quan tâm nhất tới vấn đề thúc đẩy mở cửa thị trường nội địa Trung Quốc, bởi yếu tố đó được kỳ vọng có thể giúp công việc kinh doanh của họ thuận lợi hơn. Tiếp sau đó là vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và “khả năng gia tăng mua sắm hàng hoá Mỹ” sau các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, một trong những vấn đề phổ biến nhất khi kinh doanh tại Trung Quốc là rất nhiều ngành công nghiệp không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Còn trong các lĩnh vực mở đối với doanh nghiệp nước ngoài, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân được cho là có các mối liên hệ với các quan chức địa phương.
Những cáo buộc về vấn đề ép chuyển giao các công nghệ cốt lõi cho các đối tác Trung Quốc và thiếu hành lang pháp lý cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi kinh doanh tại Trung Quốc.
Cuộc khảo sát của Amcham Shanghai kết luận, tiếp cận thị trường luôn là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt, với việc hơn một nửa số công ty được hỏi (chính xác là 56,4%) cho biết, thủ tục xin giấy phép gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, một số lĩnh vực khác đáng lẽ việc tiếp cận thị trường phải được cải thiện nhưng thực tế cũng không khả quan hơn, đó là ngân hàng, tài chính và bảo hiểm. Có đến 81% số công ty hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này vẫn đang mong đợi một môi trường đầu tư tốt đẹp hơn những gì mà Bắc Kinh đã tuyên bố từ hơn một năm trước, rằng họ sẽ nới lỏng các quy định về quyền sở hữu dành cho người nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, các công ty được khảo sát cũng đã ghi nhận những tiến bộ chung trong tất cả các lĩnh vực họ quan tâm, bao gồm bảo vệ sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Bằng chứng là, tỉ lệ các doanh nghiệp tin Chính phủ Trung Quốc đối xử công bằng với doanh nghiệp nước ngoài đã tăng từ 34% lên 40% trong cuộc khảo sát này.
Mức độ bi quan đang tăng lên
Theo kết quả cuộc khảo sát hồi tháng Tám của Gavekal Dragonomics, sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ. Bằng chứng là, các doanh nghiệp Mỹ và các đối tác liên kết của họ đã đạt doanh số hơn 450 tỷ USD tại quốc gia châu Á này. Con số này lớn gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Mỹ sang Trung Quốc.
Còn theo khảo sát của Amcham Shanghai, các biện pháp trả đũa thuế quan từ hai bên đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh số bán hàng và khiến một vài công ty Mỹ phải thay đổi chiến lược dành cho thị trường Trung Quốc. Nếu Washington áp toàn bộ hàng rào thuế quan như họ đe doạ, thì tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ bị đánh thuế cho đến cuối năm nay. Và để đáp lại những biện pháp gia tăng thuế quan từ phía Mỹ, Bắc Kinh cũng sẽ lần lượt "trả đòn" lên hàng hoá của Mỹ.
Hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết, doanh số đã sụt giảm do những biện pháp thuế quan ngày càng gia tăng. Khoảng 30% tin rằng, con số này dao động trong mức từ 1% đến 10%. Báo cáo cho thấy, lợi nhuận nhìn chung không giảm trong cả năm 2018. Nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp tin rằng, doanh thu và lợi nhuận sẽ sụt giảm, đặc biệt khi so sánh với các hoạt động kinh doanh ở các quốc gia khác. Mức độ bi quan đã tăng từ 14% lên 21% và các doanh nghiệp được hỏi tỏ ra ít lạc quan hơn về tình hình kinh doanh năm 2019.
Còn những tia hy vọng
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những tia hy vọng đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Thiết bị y học, dược phẩm và các sản phẩm trong lĩnh vực khoa học đời sống là những ngành vẫn có doanh thu gia tăng trong năm trước. Đây cũng là lĩnh vực nhận được thái độ lạc quan nhất từ phía các doanh nghiệp được hỏi trong cuộc khảo sát năm 2019. Amcham Shanghai nhận định, các dự báo tích cực này “nhiều khả năng là do những thay đổi trong các chính sách của Bắc Kinh, bao gồm việc tạo điều kiện trong nhập khẩu dược phẩm”.
Một nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
Theo báo cáo này, cũng có khoảng 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp dự tính sẽ gia tăng đầu tư vào thị trường Trung Quốc trong năm 2019. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng có kế hoạch gia tăng vốn đầu tư, đặc biệt tại các thành phố nhỏ của đất nước đông dân nhất thế giới, nơi mà các nhà phân tích nhận thấy có mức tăng trưởng nhiều nhất.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Từ cuộc khảo sát này, 35% doanh nghiệp tin, những căng thẳng thương mại sẽ tiếp tục kéo dài từ 1 đến 3 năm nữa, trong khi 13% cho rằng, cuộc chiến này sẽ kéo dài thêm từ 3 đến 6 năm. Khoảng 17% thậm chí còn bi quan hơn khi nhận định, cuộc chiến tranh thương mại sẽ kéo dài không có hồi kết.
Báo cáo cũng đưa ra nhận định: “Đến nay, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một thỏa thuận thương mại song phương sẽ được ký kết, vì thế năm 2019 sẽ là một năm khó khăn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, năm 2020 thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn”.
Trung Quốc nên tránh “lao vào hố đen” căng thẳng thương mại lâu dài TGVN. Trước những “nỗi đau” mà căng thẳng thương mại gây ra, một học giả am hiểu về Mỹ tại Trung Quốc cho rằng, Trung ... |
Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc: Cuối cùng EU đã thách thức Trung Quốc? Điểm nổi bật của hội nghị Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU - Trung Quốc là một loạt tuyên bố cứng rắn của EU ... |
Cựu quan chức Trung Quốc, Mỹ "đấu khẩu" về vai trò của Trung Quốc trên trường thế giới Các cựu quan chức Trung Quốc và Mỹ đã có buổi nói chuyện tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào Chủ nhật vừa qua ... |