📞

Căng thẳng Mỹ-Trung: Ông Biden đắc lợi, Bắc Kinh bất cần và 3 lý do để dự đoán mối quan hệ tay đôi

Dương Liễu 14:34 | 05/05/2021
Ông Biden cần tìm ra điểm chung để Mỹ lấy lại được lòng tin và sự hợp tác của các đồng minh. Luận điểm “mối đe dọa từ Trung Quốc” dường như vẫn hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Trong bài viết với tiêu đề 'Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc có thể cải thiện dưới thời chính quyền Biden?" trên The Diplomat, hai tác giả Ge Jianhao và Dingding Chen nhận định, cho đến nay, không có thay đổi lớn nào trong chính sách Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng vẫn có hy vọng về một mối quan hệ ổn định hơn thời tiền nhiệm.

Cuộc gặp cấp cao ở Alaska giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 18/3. (Nguồn: AP)

Nước Mỹ đồng thuận về vấn đề Trung Quốc

Trong 100 ngày đầu tiên nắm giữ vị trí Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã áp dụng một chiến lược đối phó Trung Quốc không khác mấy so với chính quyền ông Trump. Với hầu hết các biện pháp đối đầu vẫn còn đó, chẳng hạn như các rào cản thương mại kinh tế và chỉ trích về vấn đề dân chủ, mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ vẫn ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ qua.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã có một khởi đầu (dưới thời vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ) đầy chông gai. Ông Biden được “kế thừa” mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc, phần lớn do quan điểm "tổng bằng không" (zero-sum), cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương của chính quyền ông Trump.

Vòng xoáy quan hệ Mỹ-Trung liên lục đi xuống kể từ năm 2018 khiến ông Biden gặp khó để cải thiện mối quan hệ song phương.

Quan trọng hơn, sự đồng thuận của lưỡng đảng, coi Trung Quốc là "cường quốc xét lại" (revisionist power) và kêu gọi áp dụng chính sách cứng rắn với Bắc Kinh, đã trở thành yếu tố quyết định trong việc thiết lập lại lập trường của Mỹ về Trung Quốc. Và tất nhiên, ông Biden cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden nhiều lần chỉ trích ông Trump về phản ứng “mềm mỏng” và “không hiệu quả” trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và cam kết sẽ xác định lại chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Bắc Kinh nếu ông đắc cử.

Không chỉ chính quyền, người dân Mỹ cũng đã thể hiện thái độ lo ngại với Trung Quốc, đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới vào đầu năm 2020. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Gallup, chỉ 20% người Mỹ có quan điểm tích cực về Trung Quốc - mức thấp nhất kể từ khi Gallup bắt đầu thăm dò ý kiến dư luận ​​về chủ đề này cách đây 40 năm.

Giữa sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng và công chúng đối với việc “cứng rắn” với Bắc Kinh, phản ứng ban đầu của ông Biden đối với Trung Quốc là một điều dễ hiểu.

Về mặt chiến lược, ông Biden cũng có thể được hưởng lợi từ cách tiếp cận này. Sau mối quan hệ ngày càng đi xuống với các đồng minh dưới thời chính quyền tiền nhiệm, ông Biden cần tìm ra điểm chung để Mỹ lấy lại được lòng tin và sự hợp tác của các đồng minh. Luận điểm “mối đe dọa từ Trung Quốc” dường như hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Một trong những mục tiêu chính của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc hồi tháng 3 là thu hút sự chú ý đến điều mà ông gọi là “sự ép buộc và gây hấn” của Trung Quốc trong khu vực.

Trong nước, với việc chính trị đảng phái trở nên phân cực hơn, thách thức Trung Quốc là một trong số ít vấn đề nhận được sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng. Và rõ ràng, nhiều khả năng ông Biden sẽ lợi dụng điều này để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình.

Trung Quốc tự tin và ‘bất cần’?

Về phía Trung Quốc, dường như Bắc Kinh cũng không quan tâm nhiều đến sự phục hồi nhanh chóng trong quan hệ song phương với Mỹ. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng trở nên tự tin hơn về khả năng thúc đẩy chương trình nghị sự của mình và ngày càng không bị áp lực ngoại giao từ thế giới bên ngoài.

Trung Quốc hiện đang lặng lẽ chờ xem liệu chính quyền của ông Biden có thực hiện một số động thái thân thiện để cải thiện mối quan hệ song phương hay không, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 - yếu tố đã thực sự mang lại ưu thế cho Bắc Kinh trong việc phục hồi kinh tế và gia tăng ảnh hưởng toàn cầu.

Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì đã từng nói: “Trung Quốc hiện đang nhìn Mỹ từ quan điểm bình đẳng”.

Bất chấp sự miễn cưỡng của cả hai bên trong việc hòa giải mối quan hệ, các tác giả bài viết vẫn tin rằng, có lý do để mong đợi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện vào cuối năm nay, nếu không phải là sớm hơn. Các tác giả nêu 3 lý do chính để chứng minh cho khẳng định này.

Thứ nhất, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thực sự muốn đối đầu với nhau, minh chứng điển hình là cuộc gặp cấp cao ở Alaska hồi tháng 3. Ngay từ phiên khai mạc cuộc họp đã chứng kiến ​​các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước đưa ra những lời lẽ gay gắt về một số vấn đề, từ an ninh mạng, vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan, cho đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tuy nhiên, dù cuộc họp khởi đầu không hề dễ chịu nhưng kết quả cuối cùng lại không tệ như mọi người vẫn nghĩ. Phía Trung Quốc đưa ra một tuyên bố nói rằng “cuộc trao đổi chiến lược lần này là thẳng thắn, mang tính xây dựng và hữu ích”. Điều này báo hiệu một chiều hướng có lợi hơn đối với Mỹ, chắc chắn rất khác so với thời chính quyền ông Trump.

Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc chia sẻ một chương trình nghị sự sâu rộng về các lợi ích song phương và toàn cầu chung, kêu gọi hợp tác, nhất là về vấn đề biến đổi khí hậu.

Chuyến thăm Bắc Kinh của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do ông Biden chủ trì là những dấu hiệu ban đầu cho thấy, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài trong lĩnh vực này.

Và đương nhiên, sự hợp tác sẽ không dừng lại ở đây.

Những lo ngại về an ninh khu vực như vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Triều Tiên phải có sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc thì mới có thể thành công.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu đang diễn ra chắc chắn cũng sẽ không được giải quyết nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục không tin tưởng lẫn nhau và không công nhận vaccine của nhau.

Thêm vào đó, cần phải nói rằng, hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu cũng không thể hoạt động hiệu quả nếu không có hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hợp tác.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, một thực tế thường bị bỏ qua, đó là cả Trung Quốc và Mỹ đều cần có thời gian để hàn gắn quan hệ. Giống như bất kỳ vết sẹo nào khác, những “vết thương” trong cuộc chiến kéo dài 3 năm qua có thể mất nhiều thời gian để chữa lành.

Như thành ngữ "dục tốc bất đạt" của người Trung Quốc, sẽ mất nhiều thời gian để hai bên cuối cùng nhận ra các giá trị của sự hợp tác, chứ không phải cạnh tranh và đối đầu.

Do đó, cách tiếp cận đúng là không làm mọi thứ vội vàng, đôi khi sự đốt cháy giai đoạn sẽ dẫn đến thiệt hại nhiều hơn. Cải thiện mối quan hệ nên bắt đầu từ những bước đi nhỏ.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn một mối quan hệ được cải thiện. Trung Quốc đã và đang tìm cách tăng cường sức mạnh công nghệ và giảm bớt các áp lực kinh tế trong công nghệ lõi, chẳng hạn như chất bán dẫn. Và Mỹ cũng không có dấu hiệu lùi bước trong các lĩnh vực như bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ.

Đó là lý do tại sao năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden sẽ rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương, vì các vấn đề chính liên quan đến Trung Quốc vẫn đang được “xem xét”. Và ông Biden, giống như người tiền nhiệm của mình, vẫn chưa xây dựng một chiến lược toàn diện về Trung Quốc.

Tóm lại, mối quan hệ Mỹ-Trung có tiếp tục đi vào một vòng xoáy đi xuống hay không phụ thuộc nhiều vào đánh giá của chính quyền ông Biden về các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến Trung Quốc, cũng như cách Trung Quốc có thể thận trọng và chậm rãi trong việc mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế.

(theo The Diplomat)