Chất bán dẫn luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Bốn năm trước, thời điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thăm Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh đang vướng vào một cuộc chiến thương mại. Chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó chuẩn bị đưa Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ và mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.
Bốn năm sau, khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen chuẩn bị đến Bắc Kinh (từ 6-9/7), nhiều mối lo ngại về chính sách kinh tế vẫn tồn tại giữa hai quốc gia - hoặc thậm chí còn gia tăng.
Đến nay, các mức thuế mà chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn có hiệu lực. Tổng thống Biden đã và đang có các động thái để hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ quan trọng như chất bán dẫn. Và những quy định mới nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc đang xuất hiện.
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã hạ thấp kỳ vọng về những đột phá trong chuyến công du 4 ngày tới Trung Quốc của bà Yellen. Thay vào đó, họ gợi ý rằng các cuộc gặp của bà với các quan chức cấp cao Trung Quốc nhằm cải thiện giao tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhưng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vẫn ở mức cao, và các cuộc đối thoại giữa bà Yellen và những người đồng cấp có thể sẽ khó khăn. Theo Bộ Tài chính Mỹ, hôm 3/7, Bộ trưởng Yellen đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tạ Phong. Hai bên đã có “cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả”.
Dưới đây là một số vấn đề gây tranh cãi nhất đã gieo rắc sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Kiểm soát công nghệ và thương mại
Các quan chức Trung Quốc vẫn đang hành xử thông minh trước quyết định năm 2022 của chính quyền ông Biden về việc đặt ra những hạn chế đối với các loại máy móc sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến có thể được xuất khẩu sang quốc gia Đông Bắc Á. Những giới hạn đó đã cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo và các loại máy tính tiên tiến khác, vốn được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và quân sự của mỗi quốc gia trong tương lai.
Ngày 30/6 vừa qua, Hà Lan, quê hương của nhà sản xuất máy móc bán dẫn ASML, đã công bố những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc. Đáp lại, ngày 3/7, Trung Quốc đặt ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu gecmani và gali, hai kim loại được sử dụng để sản xuất chip.
Chính quyền ông Biden đang cân nhắc kiểm soát nhiều hơn đối với chip tiên tiến và đầu tư của Mỹ vào công nghệ tiên tiến của Trung Quốc.
Chất bán dẫn luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc, và trong khi Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào năng lực trong nước, thì quốc gia này vẫn đi sau Mỹ nhiều năm.
Chương trình trợ cấp của Washington nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn cũng khiến các quan chức Bắc Kinh lo lắng, đặc biệt là vì nó bao gồm các hạn chế đầu tư vào nền kinh tế số 2 thế giới. Các công ty nhận tiền của chính phủ Mỹ để xây dựng các cơ sở sản xuất chip mới ở nước này bị cấm thực hiện các khoản đầu tư mới, công nghệ cao ở Trung Quốc.
Các quan chức Bắc Kinh - và một số nhà sản xuất Mỹ - hy vọng chính quyền ông Biden sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, điều đó dường như không xảy ra. Bà Yellen đặt câu hỏi về tính hiệu quả của thuế quan, trong khi các quan chức hàng đầu khác trong chính quyền coi các khoản thuế này là hữu ích để khuyến khích các chuỗi cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Washington đang sử dụng cả "củ cà rốt và cây gậy" để thực hiện chính sách “giảm thiểu rủi ro” hoặc “kết bạn” - tức là lôi kéo chuỗi cung ứng cho các sản phẩm quan trọng như pin xe điện, chất bán dẫn và tấm pin Mặt trời ra khỏi Trung Quốc.
Các công ty kinh doanh tại Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về việc thu hút sự chú ý tiêu cực từ chính phủ. Mục tiêu gần đây nhất là Micron Technology, một nhà sản xuất chip bộ nhớ của Mỹ đã thất bại trong cuộc đánh giá bảo mật của Bắc Kinh vào tháng Năm. Động thái này có thể khiến Micron không thể bán hàng cho các công ty Trung Quốc, khiến khoảng 1/8 doanh thu toàn cầu của doanh nghiệp gặp rủi ro.
Các công ty cũng bất an về Luật an ninh quốc gia ngày càng thắt chặt của Trung Quốc, bao gồm luật chống gián điệp nghiêm ngặt có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty có quan hệ với Trung Quốc, như ứng dụng truyền thông xã hội TikTok, ứng dụng mua sắm Temu và nhà bán lẻ quần áo Shein, đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng đối về vấn đề lao động, sử dụng dữ liệu khách hàng Mỹ và cách họ bán sản phẩm vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen (giữa) trong cuộc họp nội các với Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, tháng 6/2023. (Nguồn: NYT) |
Vấn đề tiền tệ
Nhân dân tệ (NDT), đồng tiền của Trung Quốc, thường là mối lo ngại của các quan chức Mỹ, những người đã có lúc cáo buộc Bắc Kinh làm suy yếu đồng tiền của mình để khiến sản phẩm của họ rẻ hơn khi bán ra nước ngoài.
Sự suy yếu gần đây của NDT có thể là vấn đề khó khăn nhất đối với bà Yellen. Đồng tiền này đã giảm hơn 7% so với USD trong 12 tháng qua và giảm gần 13% so với Euro.
Sự suy giảm đó làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn ở Mỹ. Thặng dư thương mại của quốc gia Đông Bắc Á đối với hàng hóa sản xuất đã chiếm 1/10 sản lượng của toàn bộ nền kinh tế.
Gần đây, không chỉ có NDT giảm giá so với USD mà đồng Yen Nhật cũng giảm giá vì nhiều lý do, bao gồm cả việc tăng lãi suất ở nền kinh tế số 1 thế giới khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cố gắng giảm lạm phát.
Các nhà kinh tế Trung Quốc cũng cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến sự giảm giá của NDT. Ông Zhan Yubo, một nhà kinh tế cấp cao tại Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải, cho biết, sự sụt giảm của NDT là kết quả trực tiếp của việc tăng lãi suất gần đây của Fed.
Đồng thời, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm - một tiêu chuẩn có xu hướng ảnh hưởng đến tất cả các loại lãi suất khác - hiện chỉ hơn 5% ở New York và gần 1% ở Thượng Hải. Điều đó đảo ngược mô hình truyền thống, trong đó lãi suất ở Trung Quốc thường cao hơn tại Mỹ.
Việc Fed tăng lãi suất đã khiến các công ty và hộ gia đình gửi tiền ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Mỹ trở nên hấp dẫn hơn, bất chấp các giới hạn nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Ba năm trước, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, Trung Quốc đã cam kết không tìm kiếm lợi thế trong thương mại bằng cách hạ giá trị đồng tiền của mình. Nhưng các lựa chọn của Washington có thể bị hạn chế nếu Bắc Kinh vẫn để NDT suy yếu.
Nợ toàn cầu
Trung Quốc đã cung cấp hơn 500 tỷ USD cho các nước đang phát triển thông qua chương trình cho vay, khiến nước này trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới. Một số “con nợ”, bao gồm cả một số quốc gia châu Phi, đã gặp khó khăn về kinh tế kể từ sau đại dịch Covid-19 và đối mặt với khả năng không trả được nợ.
Mỹ, cùng với các quốc gia phương Tây khác, đã thúc giục Trung Quốc cho phép một số quốc gia đó cơ cấu lại nợ và giảm số tiền nợ. Tuy nhiên, trong hơn hai năm, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng, các chủ nợ và bên cho vay đa phương khác phải chịu thiệt hại tài chính như một phần của bất kỳ sự tái cấu trúc nào, làm chậm quá trình cứu trợ khoản vay và đe dọa đẩy hàng triệu người ở các nước đang phát triển vào cảnh nghèo đói hơn.
Tình hình trở nên bớt căng thẳng hơn khi tháng 6 vừa qua, các chủ nợ quốc tế bao gồm cả Trung Quốc đã đồng ý với kế hoạch giảm nợ với Zambia, đưa ra thời gian ân hạn cho các khoản thanh toán lãi cũng như kéo dài ngày khi các khoản vay đến hạn. Thỏa thuận không yêu cầu Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xóa bất kỳ khoản nợ nào. Điều này mang lại cho các nhà hoạch định chính sách toàn cầu như bà Yellen hy vọng về việc tái cơ cấu nợ tương tự ở các nước nghèo hơn.
Vấn đề an ninh quốc gia
Căng thẳng về an ninh quốc gia và nhân quyền đã tạo ra bầu không khí mất lòng tin lẫn nhau và lan sang quan hệ kinh tế. Việc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tại Mỹ đã khiến công chúng nước này vô cùng lo lắng.
Trong khi đó, các quan chức Bắc Kinh tiếp tục phản đối các biện pháp trừng phạt khác nhau mà Washington đã ban hành đối với các công ty, tổ chức và cá nhân Trung Quốc vì các mối đe dọa an ninh quốc gia, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Bắc Kinh viện dẫn các biện pháp trừng phạt đó là lý do để từ chối các cuộc đối thoại quân sự cấp cao.
Chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của Bộ trưởng Tài chính Mỹ được kỳ vọng giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nước trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc về các lĩnh vực, từ kinh tế tới an ninh quốc gia. Trước chuyến thăm, đã có nhiều nhận định tích cực, tuy nhiên, quan chức cấp cao Mỹ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu.