📞

Căng thẳng Trung Quốc-EU: Thời điểm quan trọng đang đến gần, Bắc Kinh chưa thực sự 'bóp cò'

Linh Chi 08:26 | 30/09/2024
Bất chấp các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc thời gian gần đây, bế tắc về kế hoạch áp thuế của khối 27 thành viên đối với xe điện do Bắc Kinh sản xuất vẫn chưa được giải quyết. Căng thẳng có thể sẽ tiếp tục leo thang.
Trung Quốc 'chắc chắn sẽ kiên trì cho đến những phút cuối cùng' để đấu tranh về vấn đề thuế quan của EU. (Nguồn: Thời báo Hoàn cầu)

Hồi tháng 7, khối 27 thành viên công bố kế hoạch đánh thuế nhập khẩu lên tới 36% đối với một số loại xe điện (EV) nhập khẩu từ Trung Quốc. Để hòa giải, ngày 19/9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis đã có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) để bàn bạc về vấn đề này.

Sau cuộc điều tra chống trợ cấp do Brussels khởi xướng vào năm ngoái, EC cho biết, các khoản trợ cấp nhà nước lớn của Trung Quốc tạo ra lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất ô tô nước này và vi phạm nguyên tắc về sân chơi bình đẳng cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xe điện.

Tuy nhiên, phía nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bác bỏ kết quả điều tra của EU. Ông Vương Văn Đào cho biết, Trung Quốc "chắc chắn sẽ kiên trì cho đến những phút cuối cùng" để đấu tranh về vấn đề thuế quan này.

Sau cuộc gặp, ông Dombrovskis đăng trên X rằng, cả hai bên đều đồng ý "tìm ra giải pháp hiệu quả, có thể thực thi và tương thích với Tổ chức thương mại thế giới (WTO)" cho cuộc xung đột.

Hai bên đang thỏa hiệp?

Trung Quốc đe dọa trả đũa

Kể từ khi EU bắt đầu điều tra chính sách định giá của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ trả đũa mức thuế quan cao hơn này.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố sẽ áp thuế cao hơn đối với một số sản phẩm của EU và cảnh báo về hậu quả lớn đối với thương mại song phương.

Ông Noah Barkin, cố vấn cấp cao của Rhodium Group tin rằng, Bắc Kinh sẽ "tăng gấp đôi nỗ lực" để xoay chuyển cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên trong EU. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu thịt lợn, rượu mạnh và các sản phẩm từ sữa của châu Âu - một động thái được coi là trừng phạt đặc biệt là Pháp vì lập trường ủng hộ thuế quan mạnh mẽ của nước này.

Ngành công nghiệp sữa của Bắc Kinh cũng đã yêu cầu chính phủ xem xét việc xuất khẩu phomai, kem và sữa của châu Âu.

Đất nước tỷ dân cho rằng, trợ cấp của khối 27 thành viên mang lại cho nông dân châu Âu một lợi thế không công bằng trên thị trường Trung Quốc, gây tổn hại cho ngành công nghiệp sữa trong nước.

Theo cơ quan thống kê EU - Eurostat - Trung Quốc là thị trường lớn thứ 8 đối với xuất khẩu sữa của EU. Trong khi đó, Italy, Hà Lan, Đan Mạch và Pháp là những nước xuất khẩu sữa lớn nhất của EU sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đánh giá về chính sách thuế quan trả đũa của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cho biết, chính phủ của ông vẫn "ủng hộ lập trường của EU" về thuế quan đối với xe điện.

Trung Quốc đang hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ đối tác thương mại lớn nhất của EU là Đức. (Nguồn: AFP)

Ngược lại, Tây Ban Nha tỏ ra lo lắng hơn.

Ông Gregor Sebastian, một nhà kinh tế khác của Rhodium Group tiết lộ: "Tây Ban Nha lo ngại về thuế thịt lợn sẽ gây hại cho ngành công nghiệp của đất nước".

Và thực tế, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã phát biểu trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây rằng, ông sẽ thúc giục EC "xem xét lại" mức thuế với ô tô điện của Trung Quốc.

Hiện tại, đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đang hy vọng nhận được sự hỗ trợ từ đối tác thương mại lớn nhất của EU là Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay, chính phủ của ông không có ý định "đóng cửa thị trường đối với các công ty nước ngoài". Vì vậy, Đức đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu về thuế quan xe điện của Trung Quốc vào mùa Hè này.

Các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW, Mercedes và Volkswagen cũng lo ngại về những chiếc xe điện của họ đang sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn của EU. Điều này sẽ khiến chúng đắt hơn ở châu Âu.

Hơn nữa, căng thẳng leo thang có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của những hãng xe nói trên tại Trung Quốc - thị trường nước ngoài lớn nhất của ô tô Đức.

Thời điểm quan trọng đang đến gần

Ông Noah Barkin cho hay, Đức phản đối thuế quan với xe điện Trung Quốc đã kêu gọi các thủ đô khác "theo chân". Tây Ban Nha dường như đã đảo ngược lập trường của mình, nhưng Pháp, Italy, Ba Lan và Hà Lan vẫn tiếp tục ủng hộ EC. Vì vậy, đây có thể là một nhiệm vụ khó khăn với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ông Barkin tin rằng, Bắc Kinh không muốn "cuộc xung đột thương mại lớn".

"Với nền kinh tế đang gặp khó khăn và xung đột thương mại với Mỹ, Trung Quốc cần đảm bảo rằng thị trường châu Âu vẫn chào đón các sản phẩm của nước này. Nếu phản ứng quá mạnh mẽ, có nguy cơ phản tác dụng", ông khẳng định.

Nhà kinh tế Sebastian cũng nhận thấy, Trung Quốc chỉ phản ứng theo cách đe dọa.

Ông nói: "Rượu mạnh, thịt lợn và sữa đều là các cuộc điều tra, vẫn đang trong quá trình cân bằng. Phía Trung Quốc không muốn 'bóp cò' ngay mà chỉ muốn đe dọa các thành viên EU".

Dự kiến, EU sẽ bỏ phiếu về thuế nhập khẩu đánh vào xe điện của Trung Quốc trong tuần này. Nếu được thông qua, mức thuế mới sẽ lên tới 45%, tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại và sẽ đi vào hiệu lực từ tháng 11 tới.

(theo DW)