Cạnh tranh chiến lược: Phương Tây ‘tung hỏa lực mạnh’ củng cố nền kinh tế ‘tự cung tự cấp’, châu Á gặp nguy hiểm? (Nguồn: Shutterstock) |
Lâu nay, song song với xu hướng trỗi dậy của Trung Quốc vẫn tồn tại một luống ý kiến phản biện, không đánh giá cao năng lực sản xuất của nước này. Ngay cả khi tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của nền kinh tế số 1 châu Á liên tục tăng, thì vẫn có một điệp khúc rằng, chi phí lao động ngày càng tăng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của Bắc Kinh, trong khi những trở ngại sâu sắc về cơ cấu sẽ ngăn cản quốc gia Đông Bắc Á tiến vào các ngành công nghiệp tiên tiến hơn.
Những người ủng hộ quan điểm trên thường xuyên lập luận rằng, sự thống trị về sản xuất của đất nước tỷ dân cuối cùng sẽ bị đảo ngược - nó chỉ là vấn đề thời gian.
Sự thành công của Trung Quốc?
Không cùng quan điểm trên, trong bài phân tích trên trang asia.nikkei.com, chuyên gia William Bratton tác giả cuốn “Trung Quốc trỗi dậy, châu Á suy thoái” và cũng từng là chuyên gia kinh tế trưởng, đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần châu Á-Thái Bình Dương tại Ngân hàng HSBC nhận xét: “Điều kỳ lạ là những lập luận này vẫn còn khá phổ biến. Nhưng trên thực tế, bất chấp những lời tiên đoán rằng khả năng cạnh tranh của Trung Quốc đã giảm bớt, chi phí đầu vào cao hơn nhiều… thì đất nước này đồng thời tiến lên vị trí phát triển hàng đầu trong nhiều lĩnh vực tiên tiến”.
Vấn đề hiện nay là, bằng chứng thực tế về chiến lược cạnh tranh kiểu Trung Quốc và tính lâu dài của xu thế cạnh tranh kiểu này dường như đang được nhân rộng, thấy rất rõ trong các chính sách công nghiệp mang nặng tính can thiệp đang được áp dụng trên khắp nước Mỹ và các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Đáng chú ý nhất là các đạo luật nhằm bảo hộ phát triển công nghiệp Mỹ. Lời hùng biện mạnh mẽ nhất xuất phát từ chính quyền của Tổng thống Joe Biden về sự cần thiết phải duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiên tiến và ưu tiên việc làm cho người Mỹ. Xét về nhiều mặt, chuyên gia William Bratton nhận xét, “xu hướng này có vẻ mang 'đặc tính Trump' nhiều hơn cả cựu Tổng thống Donald Trump”.
Tuy nhiên, không giống như học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump, nỗ lực khôi phục nền sản xuất của Mỹ của Tổng thống Biden có thể đạt được thành công về dài hạn vì luôn có cam kết từ chính phủ "chống lưng". Đồng thời, sự thay đổi ý thức hệ này cũng sẽ không sớm bị đảo ngược, do sự hỗ trợ của lưỡng đảng đằng sau nó.
Các đạo luật nhằm củng cố nền sản xuất của Mỹ đã gây ra sự lo lắng trên khắp châu Âu, đặc biệt là khi những lo ngại về sự chuyển biến trong công nghệ và sản xuất xuyên Đại Tây Dương đã trở thành hiện thực và xuất hiện xu hướng các công ty châu Âu chuyển hướng ưu tiên đầu tư vào Mỹ, để tìm cách tiếp cận các khoản trợ cấp hào phóng trên xứ cờ hoa.
Tuy nhiên, để đáp lại, EU cũng đang tìm cách “bắt chước” cách làm của Mỹ. Đạo luật công nghiệp Net-Zero nhằm đảm bảo cung cấp ít nhất 40% nhu cầu của khối về công nghệ net-zero chiến lược đến năm 2030.
Khối này cũng đang tìm mọi cách nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp của mình thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - một công cụ chính sách nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Như vậy, cơ chế CBAM sẽ áp đặt thuế carbon lên tất cả các đối tác thương mại của châu Âu.
Những hành động này đã được biện minh bởi mong muốn chung của ba siêu cường kinh tế thế giới là nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước, đảm bảo quyền sở hữu các công nghệ quan trọng và thiết lập khả năng phục hồi kinh tế trong nước. Nhưng tiếc rằng, không mục tiêu nào trong số này có lợi cho hệ thống thương mại quốc tế.
Phần còn lại của thế giới sẽ ra sao?
Trung Quốc, Mỹ và EU có thể phải chỉ ra trách nhiệm nằm ở đâu trong xu hướng làm xói mòn các nguyên tắc cơ bản của thị trường mở và thương mại tự do khi hướng đi của họ rất rõ ràng tập trung vào khả năng "tự cung tự cấp" trong nước và sẵn sàng áp dụng các chính sách bảo hộ hơn. Tất cả các chính sách đó đều đang được thực thi mà không xem xét đến hậu quả đối với các đối tác thương mại, bao gồm cả các đối tác ở châu Á.
Về cơ bản, khả năng cạnh tranh trong sản xuất chủ yếu là về quy mô - yếu tố củng cố hiệu quả chi phí tương đối, cũng như xác định các nguồn lực sẵn sàng cho đổi mới và khả năng hỗ trợ chuyên môn hóa cao hơn. Việc thiếu quy mô trong nước có thể được bù đắp bằng mô hình phát triển theo kiểu cổ điển là dựa vào xuất khẩu - như đã được chứng minh thành công bởi các Con hổ châu Á.
Nhưng nếu ba siêu cường kinh tế - chiếm tới 60% GDP toàn cầu và 54% hàng nhập khẩu "đóng cửa" hoạt động kín - tức là khả năng tiếp cận thị trường một cách hiệu quả của các nền kinh tế còn lại đã bị giảm đáng kể, khi đó, sẽ thật ngây thơ khi cho rằng, phần còn lại của thế giới chẳng bị ảnh hưởng gì.
Hiện tại, các nền kinh tế châu Á chịu rủi ro cao nhất từ xu hướng bảo hộ sản xuất này là những nền kinh tế ở cùng giai đoạn phát triển công nghiệp và đang phát triển các ngành công nghiệp tương đương, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Không ai trong số họ có “hỏa lực tài chính” đủ mạnh để cạnh tranh được với tài lực của ba siêu cường kinh tế.
Nhưng ngay cả những nền kinh tế kém phát triển hơn cũng có thể thấy nỗ lực phát triển hoặc mở rộng sản xuất của họ bị hạn chế, do tâm lý bảo hộ ngày càng cản trở việc tiếp cận thị trường phương Tây và Trung Quốc. Và khi đó, sự tập trung lâu dài các hoạt động sản xuất toàn cầu ở chỉ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ gây ra những hậu quả kinh tế và chính trị lâu dài.
Mối liên hệ giữa một bên là các ngành sản xuất năng động và cạnh tranh với bên kia là tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng thường không được đề cao. Nhưng thực tế, sản xuất thường là thành phần quan trọng cần thiết cho sự phát triển bền vững và tự chủ. Điều này thể hiện rõ nhất ở những quốc gia đang nỗ lực phát triển kinh tế.
Và trên thực tế, những hậu quả bất lợi của quá trình phi công nghiệp hóa cũng đã được chứng minh rộng rãi, bao gồm giảm năng suất, thu nhập trì trệ, bất bình đẳng gia tăng và năng lực đổi mới giảm sút. Và sau đó là những rủi ro địa chính trị.
Đầu tiên, việc mất đi hoạt động sản xuất sẽ dẫn đến sự phụ thuộc về công nghệ và hậu quả là đòn bẩy chính trị. Các quốc gia bị buộc phải đưa ra những lựa chọn về công nghệ không mong muốn, mà sau này sẽ khó thoát ra được và bị hạn chế về khả năng tiếp cận phần lớn nền kinh tế toàn cầu.
Rủi ro thứ hai là tầm quan trọng về mặt địa chính trị của một quốc gia phần lớn là do sự tham gia của quốc gia đó vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nên tầm quan trọng của quốc gia này chắc chắn sẽ giảm sút khi vai trò của quốc gia đó bị thu hẹp.
Ví dụ, nếu Mỹ thành công và sở hữu tiềm năng bán dẫn tương đương Hàn Quốc, liệu có thực tế khi cho rằng, nước này sẽ vẫn là một đối tác an ninh kiên định? - Rất khó để trả lời, bởi suy cho cùng, sự can dự của Mỹ vào Trung Đông đã giảm hẳn khi tầm quan trọng của khu vực này với tư cách là nhà cung cấp năng lượng đã suy yếu.
Một động lực tương tự phải được giả định, khi Mỹ và EU "hồi hương" các ngành công nghiệp chiến lược khác về nội địa.
Hiện tại, các nhà sản xuất châu Á đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng luôn hiện hữu do tính siêu cạnh tranh của Trung Quốc. Nhưng chiến lược mới của EU và Mỹ hầu như không cho thấy họ có thể được tin cậy như “những người bạn đang cần giúp đỡ”.
Thay vào đó, hệ thống thương mại quốc tế đang chịu áp lực ngày càng tăng, với chủ nghĩa bảo hộ được biện minh dựa trên cơ sở địa chính trị, trong khi các đối tác thương mại truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đơn giản là "đối tượng phải hy sinh" không thể tránh khỏi, trong một trận chiến đang diễn ra giữa các cường quốc kinh tế.
Tuy nhiên, có một cách để né tầm ảnh hưởng của các siêu cường kinh tế, đó là tăng cường các hiệp định thương mại tự do, trong đó có loại trừ ba nền kinh tế khổng lồ trên để đảm bảo rằng, các mối quan hệ đối tác quốc tế được ưu tiên sẽ cân xứng hơn, cả về kinh tế và địa chính trị. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho là sẽ phù hợp với mục đích này.
.