Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là những đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. (Ảnh minh họa – Quang Hòa) |
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Thể chế Quản lý và thực thi các quy định thúc đẩy cạnh tranh công bằng: Thúc đẩy cạnh tranh công bằng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Nhiều bất cập, nghịch lý
Theo ông Cung, Hội đồng cạnh tranh của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là chuyên viên của các Bộ do một Thứ trưởng đứng đầu chứ không phải do tổ chức độc lập gồm luật sư, công tố… như các nước khác. “Chúng ta có đầy đủ các cơ quan quản lý cho sự cạnh tranh công bằng nhưng thực tế lại gần như không có”, ông Cung bức xúc.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành ở Việt Nam thường hoạt động theo mô hình “ba trong một”: vừa hoạch định chính sách, vừa là chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước kiêm cơ quan điều tiết thị trường. Vì vậy, khi các Bộ đứng ra xử lý các vấn đề cạnh tranh thì thường bảo vệ các chủ sở hữu doanh nghiệp hơn là bảo vệ lợi ích của cộng đồng. Sự cấu kết giữa doanh nghiệp nhà nước với quan chức cũng tạo ra thị trường méo mó, được bảo hộ bởi các cơ quan nhà nước. Thị trường hơi biến động là đã lo điều tiết mà quên rằng đã là thị trường là phải có sự biến động.
Ông Cung dẫn chứng một nghịch lý, trong khi các nước tiếp cận theo hướng cạnh tranh công bằng thì Việt Nam lại ít tiếp cận theo hướng này mà coi cạnh tranh là xấu, đặc biệt là cạnh tranh quá mức. Một khi còn tồn tại nghịch lý như vậy thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Điều này đã được chứng minh, qua nhiều năm, dù chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chỉ đóng góp vào GDP có 11,2% trong khi doanh nghiệp nhà nước chiếm đến 32%, kinh tế hộ gia đình chiếm 33,2%.
“Tôi thấy còn dư địa để tự do hóa thị trường, nhưng chúng ta đang thiếu hệ thống đảm bảo duy trì cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận kinh doanh. Do đó cần thay đổi, nâng cấp trình độ thị trường của nền kinh tế Việt Nam. Nếu không chúng ta sẽ có một thị trường méo mó, sai lệch phân bố nguồn lực... dẫn đến nền kinh tế năng suất và năng lực cạnh tranh thấp”, TS. Cung nhấn mạnh.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngay cả những nước có nền kinh tế thị trường từ rất lâu thì việc bảo đảm cạnh tranh công bằng và kiểm soát độc quyền vẫn còn nhiều vấn đề. Trong khi đó, Việt Nam lại muốn hội nhập ở mức sâu hơn. Vậy môi trường pháp lý, năng lực thể chế, năng lực giám sát sẽ như thế nào?
“Tôi nhận thấy năng lực giám sát cũng như sự lẫn lộn vai trò của các Bộ, sự yếu kém của các Cục đang là lời cảnh báo nghiêm khắc. Chúng ta không thể lạc quan tếu rằng cứ mở cửa là mọi việc sẽ tốt đẹp”, ông Doanh thẳng thắn.
Cần có Luật cạnh tranh công bằng
TS. Warren Mundy, Uỷ viên Hội đồng Uỷ ban năng suất của Australia khuyến nghị, để tránh một thị trường méo mó, cần thiết phải có Luật cạnh tranh công bằng. Luật phải được áp dụng một cách rộng rãi, chính sách cạnh tranh phải được xây dựng đảm bảo lợi ích tốt nhất của cả cộng đồng.
Với sự phát triển của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay thì chính sách cạnh tranh phải đưa ra được định hướng ngăn ngừa việc lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển đủ lớn để tận dụng lợi thế kinh tế. “Chính sách này phải thúc đẩy cạnh tranh phát triển trong doanh nghiệp và khả năng tích lũy vốn trong nền kinh tế, cũng như nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp”, ông Mundy nói.
Cũng theo TS. Mundy, trong cạnh tranh bình đẳng, các hình thức xử phạt phải được áp dụng đầy đủ đối với các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả các hoạt động của cơ quan chính quyền địa phương. Luật cũng cần quy định việc áp dụng các miễn trừ đối với bất kỳ công ty hoặc nhóm công ty nào trong một thời gian nhất định nếu việc miễn trừ này phục vụ lợi ích công.
Ngoài ra, các hình thức xử phạt nên phản ánh mức độ thiệt hại kinh tế đã gây ra, mức độ cần thiết để ngăn chặn cũng như hướng dẫn hành vi thị trường trong tương lai.
Việt Nguyễn