📞

Cạnh tranh khốc liệt với smartphone, Olympus chính thức bị 'khai tử' khỏi thị trường máy ảnh

BQT 11:35 | 26/06/2020
TGVN. Olympus - một trong những thương hiệu máy ảnh nổi tiếng nhất thế giới, vừa tuyên bố rút khỏi lĩnh vực này sau 84 năm gây dựng và duy trì thương hiệu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Dân trí)

Xu hướng chụp ảnh bằng smartphone mang lại nhiều tiện ích hơn, ít phải mang vác nặng hơn, còn ranh giới chất lượng ảnh chụp thì ngày càng thu hẹp với máy ảnh kỹ thuật số.

Điều này khiến người dùng smartphone và các hãng sản xuất điện thoại hưởng lợi, nhưng lại khiến các thương hiệu máy ảnh truyền thống gặp khó khăn. Theo một ước tính, thị trường máy ảnh đã giảm 84% trong giai đoạn từ 2010-2018.

Và mới đây, Olympus - một thương hiệu máy ảnh Nhật Bản nổi tiếng với 84 năm tồn tại và phát triển trong lĩnh vực nhiếp ảnh vừa quyết định rút lui khỏi thị trường.

Công ty Nhật Bản Olympus sản xuất chiếc máy ảnh phim đầu tiên vào năm 1936. Chiếc Semi-Olympus I có giá hơn cả một tháng lương trung bình của người Nhật Bản khi đó. Trong những thập niên tiếp theo, Olympus tiếp tục phát triển kinh doanh máy ảnh, trở thành một trong những thương hiệu đình đám nhất.

Tất nhiên bên cạnh sự nổi lên của smartphone, hãng còn đối mặt nhiều vấn đề như áp lực từ việc đổi mới sản phẩm, nâng cấp cảm biến to hơn, tốt hơn với chi phí thấp.

Miếng bánh cho thị trường nhiếp ảnh ngày càng nhỏ lại, nhưng sự cạnh tranh vẫn được duy trì giữa các bên khiến không phải ai cũng có thể đi hết con đường. Và đặc biệt, nó càng không dành cho những nhà sản xuất kém đột phá, ít mang đến tính năng mới về mặt công nghệ trên thiết bị của mình.

Kém đột phá đồng nghĩa với "án tử"

Trước sức ép từ thị trường smartphone, nhiều hãng sản xuất máy ảnh cho tới nay vẫn đang phát triển tốt. Cụ thể, Sony vẫn bán được máy ảnh, nhờ vào công nghệ cảm biến ấn tượng. Việc dành nhiều năm để xây dựng, tài trợ và phát triển công nghệ này đã giúp họ gặt hái được những thành công đáng kể.

Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng nắm bắt được những xu thế mới, để rồi chấp nhận cảnh thua lỗ tệ hại. Điều này lại càng dễ xảy ra với các công ty Nhật, vốn nổi tiếng về mặt bảo thủ, khó thay đổi.

Olympus từng nhiều lần cho rằng, nếu nhiếp ảnh gia biết sử dụng thiết bị, họ vẫn có thể chụp được những tấm ảnh đẹp mà không cần phần mềm và cảm biến quang học quá "xịn". Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng với tất cả mọi người - và thực tế cũng chứng minh không phải ai cũng là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Mẫu máy ảnh chụp phim của Olympus trong thập niên 70 của thế kỷ trước. (Nguồn: Dân trí)

Có thể kể đến như mẫu máy ảnh OM-D EM-1 Mark III ra mắt vào đầu năm 2020 của Olympus tính đến nay vẫn sử dụng cảm biến 20.1 MP - vốn đã không được nâng cấp trong nhiều năm với khả năng kém trong xử lý ánh sáng yếu, dẫn đến sự thụt lùi trong cuộc đua công nghệ với các hãng máy ảnh khác.

Quan điểm bảo thủ này của Olympus khiến hãng đối mặt với những khó khăn về mặt doanh số, khi chịu mức thua lỗ 3 năm liên tiếp, trước khi đưa ra quyết định phải bán mảng kinh doanh máy ảnh cho Japan Industrial Partners (JIP), công ty đã từng mua lại bộ phận máy tính Vaio của Sony.

(theo Dân trí)