📞

Cạnh tranh Mỹ-Trung: Lĩnh vực bán dẫn trở thành 'chiến địa' mới, Washington có đạt được mục tiêu?

Việt An 16:12 | 20/09/2022
Mỹ đang lên kế hoạch hạn chế các lô hàng xuất khẩu chất bán dẫn Trung Quốc vào tháng tới và Bộ Thương mại nước này có thể ban hành quy định chính thức cấm xuất khẩu một số loại chip sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lĩnh vực bán dẫn trở thành 'chiến địa' mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc. (Nguồn: Datadriveninvestor)

Những động thái này cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn là một trong những điểm đối đầu nóng nhất giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia đặt câu hỏi, liệu Mỹ có thể đạt được mục tiêu bằng cách sử dụng các biện pháp trừng phạt Trung Quốc và khuyến khích các nhà sản xuất nội địa?

Nhà Trắng cần “ghi điểm”

Theo hãng tin Reuters, Bộ Thương mại Mỹ dự định công bố các quy định mới yêu cầu các công ty nước này không xuất khẩu thiết bị sản xuất chip dưới 14 nanomet và chip AI cho các nhà sản xuất Trung Quốc trừ khi có giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ.

Không chỉ vậy, Washington nhiều khả năng sẽ lôi kéo sự tham gia của các đồng minh nhằm kiềm chế đà phát triển công nghệ của Bắc Kinh thông qua một số quy định chung.

Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ hành động đơn lẻ, những chính sách hạn chế này sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc và sẽ chỉ làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ, vì công ty từ các nước thứ ba sẽ có thể cung cấp cho Trung Quốc các công nghệ và thiết bị liên quan.

Đối với chính quyền Mỹ, động thái này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sắp diễn ra.

Tổng thống Joe Biden đang đối mặt với nhiều vấn đề trong nước như lạm phát cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc. Do đó, Nhà Trắng cần “ghi điểm” bằng một số kết quả tích cực về chính sách đối ngoại và ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành một mục tiêu được nhắm tới.

Theo các nhà quan sát, Washington có những lợi thế nhất định về công nghệ và chất bán dẫn là cơ sở hoạt động của tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, công nghệ thông minh, công nghệ số hóa nền kinh tế.

Mỹ nhận thức rõ rằng, quốc gia này đang giảm sức nặng trong chuỗi sản xuất toàn cầu: tỷ trọng của Mỹ về sản lượng thành phẩm trong ngành bán dẫn chưa đến 10%.

Do đó, Nhà Trắng cho rằng, việc trả lại các ngành công nghiệp chủ chốt cho Mỹ và ngăn chặn Trung Quốc thông qua việc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu là chìa khóa để giải quyết những vấn đề nêu trên.

Hơn nữa, một sự đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng đã được hình thành về sự cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ cần sự hỗ trợ?

Mùa Hè năm nay, Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, trong đó cung cấp 52 tỷ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất chip quyết định phát triển sản xuất tại Mỹ. Điều kiện quan trọng để nhận trợ cấp là không đặt sản xuất ở Trung Quốc.

Nhưng để ngăn Bắc Kinh tích trữ thành phẩm hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài để tạo ra các bộ xử lý công nghệ của riêng mình, Washington đang cố gắng hạn chế việc tiếp cận càng nhiều càng tốt.

Giờ đây, Bộ Thương mại Mỹ muốn chính thức hóa các hạn chế xuất khẩu mới đối với việc cung cấp các công cụ tự động hóa thiết kế điện tử (EDA Tools) cho Trung Quốc.

Chuỗi sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn mang tính quốc tế đến mức Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cả Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với nhau trong đó.

Ví dụ, mặc dù Mỹ gần như độc quyền trong việc cung cấp các công cụ EDA cần thiết cho thiết kế chip, song ASML của Hà Lan mới là nhà cung cấp máy in thạch bản lớn nhất thế giới được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến.

Nói cách khác, nếu không có ASML, kế hoạch của Mỹ sẽ không trở thành hiện thực. Hơn nữa, không có nhiều doanh nghiệp sản xuất chip đã được thiết kế sẵn trên thế giới và các công ty hàng đầu trong lĩnh vực này lại là các công ty Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một vấn đề quan trọng khác là việc đóng gói chip được thực hiện bởi hầu hết tại các cơ sở ở Trung Quốc. Các chuỗi sản xuất như vậy đã được hình thành trong nhiều năm dưới tác động của các yếu tố khách quan của thị trường và phân công lao động quốc tế.

Ngoài ra, việc chuyển hoạt động sản xuất trở lại Mỹ là một công việc cực kỳ tốn kém và gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như vấn đề tài chính, việc lựa chọn chuyên gia, đáp ứng các quy định của luật lao động, những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19...

Việc đàm phán với các nhà cung cấp nước ngoài lại càng khó hơn. Trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản phẩm chính của nhiều nhãn hàng, việc Mỹ nỗ lực thuyết phục các công ty tham gia vào các biện pháp hạn chế chống Trung Quốc gần như không khả thi.

Để so sánh, con số 52 tỷ USD trợ cấp của chính phủ Mỹ cho các doanh nghiệp là một động lực cực kỳ yếu để từ bỏ thị trường Bắc Kinh và các doanh nghiệp nhiều khả năng vẫn tìm cách vượt qua những hạn chế do Washington áp đặt.

(theo Sputnik)