📞

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc: Nắm 'quân át chủ bài', tại sao Bắc Kinh không 'chơi tất tay'?

Gia An 14:52 | 23/03/2021
TGVN. Đất hiếm là chủ đề nhạy cảm được giới truyền thông thế giới quan tâm kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra và đã không ít lần đoán già, đoán non về việc Bắc Kinh sẽ dùng quân bài này để phản công.
Máy bay thương mại C919 trong tham vọng phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay toàn cầu là một điểm yếu của Bắc Kinh trong cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc. (Nguồn: CNN)

Tờ Financial Times của Anh đã có lần dẫn lời một cố vấn chính phủ Trung Quốc đặt vấn đề rằng, “nếu Trung Quốc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu thì liệu hoạt động sản xuất máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ có gặp khó khăn hay không”.

Quả thực, đất hiếm là quân át chủ bài trừng phạt Mỹ của Trung Quốc, nhưng đây là một quân bài rất khó ra tay.

“Truyện cổ tích thời toàn cầu hóa”

Năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu hơn 46.000 tấn đất hiếm. Trữ lượng, sản lượng và khối lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đều đứng số 1 thế giới. Theo báo cáo của Cục khảo sát địa chất Mỹ năm 2019, trữ lượng đất hiếm toàn thế giới là 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc đạt 44 triệu tấn, chiếm khoảng 36,7% trữ lượng toàn cầu. Sản lượng đất hiếm toàn cầu năm 2019 xấp xỉ 210.000 tấn, trong đó khối lượng khai thác của Trung Quốc là 132.000 tấn, chiếm 62,86% sản lượng toàn cầu.

Điều quan trọng hơn là Trung Quốc dường như đã lũng đoạn năng lực gia công và tinh chế đất hiếm của thế giới, làm chủ chuỗi cung ứng đất hiếm quốc tế. Điểm yếu của Trung Quốc chỉ là thiếu công nghệ mũi nhọn để tiến hành sản xuất giá trị gia tăng cao, do đó nước này vẫn bán nguyên liệu thô, chứ không phải thành phẩm. Chẳng hạn, Trung Quốc bán sản phẩm đất hiếm cho các công ty Nhật Bản để pha vào gang thép, sau đó Trung Quốc lại nhập khẩu thép đặc chủng từ Nhật Bản.

Mỹ hiện phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Sản phẩm đặc chủng này lại chính là điểm yếu của Mỹ. Mỹ phụ thuộc 100% vào việc nhập khẩu kim loại và hợp chất hóa học đất hiếm, trong đó Trung Quốc đáp ứng 80% nhu cầu của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ từng là nhà tạo lập ngành công nghiệp đất hiếm, tất nhiên, câu truyện giờ đây đã thành “cổ tích trong thời toàn cầu hóa”.

Trong lịch sử ngành đất hiếm, các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra đất hiếm, cũng là nhà phát minh công nghệ tinh luyện và sản xuất đất hiếm. Doanh nghiệp của Mỹ cũng từng độc quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất đất hiếm từ khâu khai thác, sàng lọc cho đến làm sạch và tinh luyện. Mỹ cũng đã dự trữ một lượng lớn đất hiếm - có thể đủ để Mỹ sử dụng trong 100 năm. Quặng đất hiếm ở Mountain Pass có thể đáp ứng hơn một nửa nhu cầu đất hiếm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, sau đó, với lý do ngành đất hiếm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kết hợp với các biến cổ xảy ra trên thị trường lúc đó, Mỹ đã dựa vào tiến trình toàn cầu hóa để chuyển dịch ngành sản xuất này sang cho doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 2000, nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu của Mỹ - Magnequench bị phía Trung Quốc mua lại và được chuyển đến Trung Quốc, đổi tên thành Magnequench Thiên Tân.

Không ít người cho rằng, nếu thương vụ diễn ra trong thời điểm hiện tại, Mỹ chắc chắn đã ngăn chặn với lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, khi đó, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào.

Đến nay, theo một báo cáo có liên quan đến đất hiếm được Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO) Mỹ công bố vào năm 2016, đất hiếm đặc biệt quan trọng đối với quân đội Mỹ, có thể ứng dụng trong lớp phủ động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống phòng thủ chống tên lửa, hệ thống vệ tinh và thông tin liên lạc… Chẳng hạn, tất cả kim loại đất hiếm sử dụng trong radar của hải quân Mỹ đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Điều này cũng có nghĩa là nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ thì chuyện gì xảy ra không cần nói cũng có thể đoán được.

Nếu Bắc Kinh sử dụng đất hiếm là đòn tấn công?

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát vào năm 2018 khiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ ý thức được tầm quan trọng của đất hiếm. Năm 2019, Washington bắt tay xây dựng lại năng lực sản xuất đất hiếm, nhưng năng lực hiện tại của Mỹ rất hạn chế.

Hằng năm, quặng được khai thác bởi công ty đất hiếm MP Materials trước tiên cần chuyển đến Trung Quốc, sau khi tinh luyện thành các hợp chất hóa học và sản phẩm sẽ bán ngược lại cho Mỹ.

Năm 2018, mặc dù mỏ Mountain Pass hoạt động trở lại, nhưng năng lực sản xuất, phân tách và tinh luyện chưa thể khởi động đồng bộ, nhà máy tinh luyện Mountain Pass chưa khôi phục hoạt động.

Ngoài ra, vấn đề gây rắc rối cho Mỹ là quy định pháp luật của Mỹ đã trở thành rào cản cho việc khôi phục hoạt động sản xuất đất hiếm, nhiều khu vực ở Mỹ không còn có thể khai thác đất hiếm, hoặc để có được một giấy phép khai thác, mở mỏ mới phải mất từ 7 đến 10 năm.

Như vậy có thể cho thấy, ngay cả khi Mỹ có khả năng hồi sinh ngành công nghiệp đất hiếm, thì cũng khó có thể thay đổi thực trạng phụ thuộc Trung Quốc trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, Bắc Kinh biết rằng, nếu sử dụng đất hiếm để tấn công Mỹ thì chắc chắn sẽ nhận được đòn trả đũa. Mặc dù đất hiếm là điểm yếu của Mỹ, nhưng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc nhất định sẽ đánh quân bài này, bởi vì Trung Quốc cũng có những "nỗi khổ" riêng.

Trên thực tế, mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ lớn hơn nhiều so với sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc. Cả hai nước đều “vũ khí hóa” quan hệ phụ thuộc, song Trung Quốc không dễ dàng sử dụng được thứ vũ khí này bởi còn phải tính đến cân bằng giữa lợi với hại, được và mất.

Ngoài chip điện tử, Trung Quốc còn nhiều điểm yếu khác trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn máy bay thương mại C919 của Trung Quốc phụ thuộc vào các linh kiện then chốt như động cơ, điện, hệ thống thủy lực…cũng như các linh kiện như phanh, thậm chí lốp từ các nhà cung ứng của Mỹ.

Mà theo như nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia, nếu thiếu nguồn cung ứng của các công ty thiết bị linh kiện và công nghệ nước ngoài, máy bay của Trung Quốc không thể bay được.

Sau nhiều chục năm nỗ lực, tiêu tốn hàng chục tỷ USD, năng lực của ngành chế tạo máy bay Trung Quốc vẫn rất hạn chế, hiện C919 vẫn chưa có được giấy phép của Cục hàng không Liên bang Mỹ và Cục an toàn hàng không châu Âu.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden vẫn đang cân nhắc liệu có tiếp tục gia tăng trừng phạt hay không. Điều này nghĩa là nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí đất hiếm để tấn công Mỹ, thì chắc chắn ông Biden sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc và C919 sẽ càng "khó bay" hơn.

Khả năng Trung Quốc sử dụng đất hiếm để đối phó với Mỹ cũng không cao, bởi Bắc Kinh đã từng không sử dụng quân bài này dưới thời cựu Tổng thống Donald - khi căng thẳng khó chịu hơn nhiều so với hiện nay chính quyền Tổng thống Biden dù tuyên bố “cạnh tranh đến cùng” thì vẫn đã vạch ra lằn ranh đỏ “không xung đột”

Ngoài ra, hiện đất hiếm hiện cũng không còn quá hiếm. Xét từ góc độ của Mỹ, ngay cả khi Trung Quốc đánh quân bài đất hiếm thì cũng không thể “bóp nghẹt” được ngành công nghiệp quân sự của Mỹ, bởi vì đồng minh của Mỹ cũng sản xuất đất hiếm.

Từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018 đến nay, Mỹ luôn bố trí chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu. Tháng 7/2019, tờ Nikkei Asian Review đưa tin Mỹ, Australia và Nhật Bản đang hình thành liên minh ba nước về ngành công nghiệp đất hiếm để phá vỡ cục diện kiểm soát của Trung Quốc đối với đất hiếm.

Hiện tại, năng lực và tiềm năng về đất hiếm của các đồng minh thân cận của Mỹ như Canada, Australia, Nhật Bản đều không thể xem thường. Chẳng hạn theo đánh giá, hiện tối thiểu Canada có thể khai thác 39.000 tấn đất hiếm, vượt tổng sản lượng năm 2017 của 4 nước Australia, Myanmar, Nga và Malaysia, giữ vững vị trí nước sản xuất đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

Như vậy, xét về dài hạn, đất hiếm không còn hiếm, việc giải quyết khó khăn về đất hiếm với Mỹ chỉ là vấn đề thời gian. Bởi vậy, Trung Quốc không sử dụng quân bài đất hiếm với Mỹ là lựa chọn tỉnh táo. Quân át chủ bài sẽ chỉ là một trong những lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, bất đắc dĩ mới sử dụng.