Bình luận về tuyên bố của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, người cáo buộc Moscow vi phạm logic các thỏa thuận Minsk khi cấp hộ chiếu Nga cho người dân Donbass, bà Zakharova lưu ý: "Việc cấp quyền công dân Nga cho người dân Donbass là biện pháp nhân đạo miễn cưỡng trong bối cảnh Kiev phong tỏa kinh tế-xã hội và giao thông vận tải khu vực, mà theo các thỏa thuận Minsk, điều này phải được dỡ bỏ.
Do thực tế Kiev không làm điều này, người dân Donetsk và Lugansk đã 7 năm bị xâm phạm các quyền của họ. Vì vậy, cử chỉ nhân đạo của Nga là hệ quả trực tiếp của việc Ukraine không thực hiện nghĩa vụ của mình theo các thỏa thuận Minsk. Hơn nữa, nó hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế".
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy hồi cuối năm 2019. (Nguồn: Reuters) |
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga nói: "Thật khó để hiểu được logic và tuyên bố của ông Volodimir Zelensky".
Theo bà Zakharova, Ba Lan, Hungary và Romania cũng cấp hộ chiếu của họ cho người Ukraine với số lượng lớn. Vì vậy, trong tay các công dân Ukraine, theo nhiều ước tính, hiện có khoảng 300.000 hộ chiếu Ba Lan, 300.000 hộ chiếu Hungary và 200.000 hộ chiếu Romania.
Đồng thời, chính Ukraine cũng tích cực cấp quyền công dân cho người dân Transnistria, "những người có khoảng 120.000 hộ chiếu Ukraine".
Bà Zakharova kết luận: "Thật đáng tiếc khi Tổng thống Ukraine coi những công dân của mình đang sống trong tình trạng bị phong tỏa ở miền Đông và buộc phải nhập quốc tịch Nga còn tệ hơn những người Ukraine được phép nhập quốc tịch các nước khác".
Trước đó, Nga nêu lý do không để Mỹ tham gia giải quyết xung đột tại Donbass. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, quan điểm hiện nay của Mỹ về vấn đề Ukraine là lý do không thể để Washington tham gia giải quyết cuộc xung đột ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong một phát biểu, ông Ryabkov nêu rõ: “Chúng tôi không nghĩ rằng, điều này là bất khả thi trong bất kỳ trường hợp nào. Vấn đề chính là quan điểm và cách tiếp cận. Với cách tiếp cận hiện nay, Mỹ không có gì để làm ở đó (Donbass)”.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mỹ có thể tham gia vào các nỗ lực hòa giải nếu Washington thuyết phục được Kiev tuân thủ thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Donbass.
Trước đó, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới Washington, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết sự tham gia của Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Donbass sẽ là một chủ đề chính trong chương trình nghị sự.