Một số nước thử nghiệm thuốc chống Covid-19 như Nhật Bản, Ấn Độ. |
Nhật Bản cung cấp miễn phí thuốc kháng virus Avigan cho 43 nước
Ngày 1/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo nước này sẽ cung cấp miễn phí thuốc kháng virus Avigan cho 43 nước để tiến hành nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu Nhật Bản, thuốc Avigan dự kiến sẽ được gửi đến các nước trên sau khi đợt nghỉ Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản kết thúc vào ngày 6/5. Khoảng 80 nước đã bày tỏ sự quan tâm tới thuốc Avigan, trong khi trước đó Ngoại trưởng Motegi cho biết Chính phủ Nhật Bản đã sắp xếp gửi thuốc này tới 38 nước, trong đó có Bangladesh, Cộng hòa Dominicana, Lào, Qatar và Uzbekistan. Mỗi quốc gia sẽ nhận lượng thuốc Avigan đủ để điều trị cho khoảng 20-100 người vì mục đích nghiên cứu.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Motegi nêu rõ: "Chúng tôi sẽ hợp tác với lĩnh vực tư nhân cũng như cộng đồng quốc tế để phát triển phương pháp điều trị Covid-19".
Nhật Bản đang tiến hành các nghiên cứu lâm sàng với Avigan sau khi các nhà khoa học Trung Quốc cho biết loại thuốc kháng virus này mang lại hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân Covid-19, nhất là các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Nhật Bản dự định tăng gấp 3 lần kho dự trữ thuốc Avigan, đủ để điều trị cho 2 triệu người. Do loại thuốc này được cho là gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi nên phụ nữ mang thai không được sử dụng.
Một số bang ở Ấn Độ thử nghiệm liệu pháp huyết tương chống Covid-19
Một số bang của Ấn Độ như Maharashtra, Uttar Pradesh và Madhya Pradesh đã bắt đầu thử nghiệm liệu pháp sử dụng huyết tương để chống dịch Covid-19, mặc dù ở quy mô rất nhỏ chỉ liên quan đến một hoặc một vài bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều bang cũng đã bắt đầu sử dụng thuốc hydroxychloroquine (HCQ) như một biện pháp phòng ngừa Covif-19 cho các nhân viên y tế tuyến đầu, bệnh nhân và những người tiếp xúc với họ.
Trong khi đó, các bang và vùng lãnh thổ liên bang khác đang chờ Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) chấp thuận hoặc đã được chấp thuận nhưng chưa bắt đầu triển khai liệu pháp sử dụng huyết tương. Ở Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở Ấn Độ với hơn 10.000 ca, đã có một bệnh nhân được điều trị bằng huyết tương trong tuần qua, trong khi bang này đang sử dụng thuốc HCQ cho tất cả những người ở tuyến đầu chống dịch. Hội đồng thành phố đã phân phát 700.000 viên HCQ cho các bệnh viện và trung tâm chăm sóc Covid-19 trong 15 ngày qua. Hôm 30/4, Giám đốc Sở Y tế bang Maharashtra Rajesh Tope cho biết sẽ cung cấp thuốc này cho nhiều trung tâm khác nữa sau khi họ đáp ứng được các quy định của ICMR.
Ở Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, một bệnh nhân nguy kịch 58 tuổi đã được truyền huyết tương hôm 26/4. Đến ngày 28/4, các bác sĩ cho hay tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã cải thiện. Liệu pháp huyết tương là phương pháp truyền huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19 cho người đang mắc bệnh hoặc người có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh Covid-19. Bang Telangana miền Nam Ấn Độ cho hay đã có 100 người sẵn sàng hiến huyết tương nhưng sẽ chỉ sử dụng liệu pháp này trong trường hợp cần thiết.
Tính đến ngày 1/5, Ấn Độ ghi nhận hơn 35.000 ca mắc Covid-19, trong đó có 1147 ca tử vong.
Số ca mắc Covid-19 tại Belarus nhiều thứ 2 ở Trung - Đông Âu
Theo số liệu tính đến ngày 29/4, tại Belarus đã ghi nhận 13.181 trường hợp mắc viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Như vậy theo bảng xếp hạng số người mắc Covid-19 do statista.com công bố, Belarus đã đứng thứ hai, chỉ sau Nga, có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất trong khu vực Trung Âu và Đông Âu.
Mặc dù số lượng người mắc bệnh tăng mạnh trong những ngày gần đây, Belarus không áp đặt các biện pháp cách ly, nhiều nơi vẫn tập trung đông người, một số nhà thờ và tu viện vẫn mở cửa.
Trong khi đó, tính đến trưa cùng ngày, trên kênh Telegram, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của LB Nga cho biết nước này đã ghi nhận số lượng kỷ lục 7.933 ca mắc Covid-19 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang trong vòng một ngày, nâng tổng số ca mắc lên 114.431 ca.
Trong số các ca bệnh mới, có tới 44,5% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Trong vòng 1 ngày qua, có thêm 96 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 1.169 ca. Bên cạnh đó, nước này đã chữa trị thành công cho 13.220 bệnh nhân Covid-19.
Lào nới lỏng một số hạn chế
Sau hơn 1 tháng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với những thành công bước đầu, chiều 1/5, hai ngày trước khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội (3/5), Chính phủ Lào đã công bố một số biện pháp nới lỏng các quy định hạn chế để đưa xã hội dần trở lại nhịp hoạt động bình thường trên tinh thần vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa như rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, giữ giãn cách tối thiểu 1m.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 1/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Lào, ông Somdy Duangdy cho biết tính tới chiều 30/4, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Lào vẫn là 19 người, trong đó đã có 8 người được chữa khỏi, nâng tổng số ngày Lào không có ca nhiễm mới lên 19 ngày liên tiếp. Đây là cơ sở để Chính phủ Lào nới lỏng một số quy định hạn chế và sẽ áp dụng từ ngày 4/5 đến ngày 17/5 tới.
Theo đó, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại bình thường theo hình thức luân phiên cán bộ, có thể tiếp tục làm việc trực tuyến nếu có đầy đủ trang thiết bị công nghệ; Người dân, bộ đội, công an, doanh nghiệp, ngoại kiều, người nước ngoài đang sinh sống tại Lào được rời khỏi nhà và di chuyển chỉ trong phạm vi thủ đô Vientiane hoặc các tỉnh nơi mình đang sinh sống; Cho phép triển khai tổ chức chương trình đào tạo trong phạm vi nội tỉnh nhưng phải hạn chế người tham gia; Cho phép tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không tổ chức thành nhóm; Các hàng quán như quán ăn, tiệm cắt tóc, làm đẹp, chợ thực phẩm, trung tâm thương mại, quán cà phê... được phép trở lại hoạt động; Các nhà máy và dự án lớn được nối lại hoạt động; Cho phép người nước ngoài đến Lào với mục đích lao động, học tập được trở về nước theo nguyện vọng, ngoài ra, học sinh Lào và lao động Lào học tập và làm việc ở nước ngoài cũng được phép xuất cảnh theo quy định của nước sở tại. Tất cả các hoạt động kể trên được nối lại nếu đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và biện pháp phòng ngừa dịch bệnh...
Lào sẽ tiếp tục duy trì một số biện pháp như cấm mọi cá nhân di chuyển liên tỉnh (ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ); Tiếp tục đóng cửa các tụ điểm giải trí, quán bia rượu, ăn uống, rạp phim, karaoke, mát xa, sòng bạc, chợ đêm, các trung tâm thể thao trong nhà, thể thao ngoài trời theo đội nhóm; Cấm tổ chức các hoạt động tụ tập, lễ tiệc, tập trung quá 10 người và không thể giữ khoảng cách tối thiểu 1m; Tiếp tục đóng các cửa khẩu truyền thống, cửa khẩu địa phương, cửa khẩu quốc tế đối với hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông ngoại trừ được Ủy ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 quốc gia cho phép và chỉ duy trì hoạt động xuất-nhập khẩu hàng hóa; Tiếp tục ngừng cấp thị thực cho cá nhân đến từ các quốc gia có dịch Covid-19, ngoại trừ cấp visa cho chuyên gia và lao động nước ngoài đến Lào làm việc trong các dự án quan trọng nhưng phải thực hiện việc sàng lọc và xét nghiệm cũng như cách ly tập trung 14 ngày.
Phó Thủ tướng Somdy Duangdy cho biết các biện pháp trên chỉ mang tính tạm thời, trong trường hợp địa phương nào đó tại Lào xuất hiện ca mắc Covid-19 mới, việc phong tỏa và biện pháp phòng ngừa trước đây sẽ được tái triển khai nghiêm ngặt tại tỉnh/thành phố đó.
WHO hy vọng được mời tới Trung Quốc để điều tra về Covid-19
Ngày 1/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hy vọng Trung Quốc sẽ mời tổ chức này tham gia cuộc điều tra của nước này về những nguồn gốc liên quan tới động vật của chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic nêu rõ: "WHO sẽ nhiệt tình phối hợp với các đối tác quốc tế và theo lời mời của Chính phủ Trung Quốc tham gia cuộc điều tra xung quanh nguồn gốc liên quan tới động vật".
Ở Việt Nam: - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 18h ngày 1/5: 15 ngày Việt Nam không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. - Tính đến 18h ngày 1/5: Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. - Tính từ 6h đến 18h ngày 1/5: 0 ca mắc mới. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 47.735, trong đó: - Cách ly tập trung tại bệnh viện: 272 - Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.246 - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 35.217 Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19: - Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 9 ca. - Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 7 ca. |
| Chuyên gia quốc tế chỉ rõ yếu tố “then chốt” giúp Việt Nam đánh bại dịch Covid-19 TGVN. Việt Nam thành công nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố, hành động nhanh và quyết liệt bao gồm vai trò lãnh đạo ... |
| Covid-19 tại Việt Nam sáng 1/5: Không ghi nhận ca nhiễm mới, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tại WHO TGVN. Bản tin 6h ngày 1/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đến sáng nay không có ca mắc ... |
| Cập nhật 19h ngày 30/4: Tajikistan có ca mắc Covid-19 đầu tiên, Czech mở cửa thận trọng, Iran hơn 6.000 ca tử vong TGVN. Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3.236.097 ca nhiễm và 228.610 ca tử vong do Covid-19. Dịch bệnh ... |