Danh sách các biến thể đáng lo ngại và biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19. |
Tình hình dịch
Hiện nay, số ca nhiễm mới Covid-19 bắt đầu tăng trở lại trên khắp Bắc Mỹ, với biến thể Delta áp đảo.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với hơn 36,78 triệu ca mắc, trong đó có 633.799 ca tử vong.
Biến thể Delta đang khiến số ca dương tính, nhập viện và tử vong tại nước này tăng cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm vào mùa Đông năm 2020.
Bên cạnh đó, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ lây lan của biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên tại Peru vào cuối năm ngoái. Các kết quả phân tích gene cho thấy, hơn 1.000 ca bệnh nhiễm biến thể này đã được phát hiện trên toàn nước Mỹ.
Theo Tiến sĩ Preeti Malani, Giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Michigan ở Ann Arbor, Lambda có những đột biến đang được quan tâm nhưng biến thể này vẫn khá hiếm ở Mỹ dù đã tồn tại được vài tháng.
Chuyên gia của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ này cũng nhận định, dường như Lambda dễ lây truyền hơn virus SARS-CoV-2 ban đầu và các loại vaccine hiện nay vẫn có tác dụng bảo vệ.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo ghi nhận 143 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 9/8, tăng gần 20 ca so với một ngày trước đó lên mức cao nhất kể từ ngày 20/1.
Theo giới chức Trung Quốc, các ổ dịch mới bùng phát là do sự lây lan của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tính đến hết ngày 9/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 93.969 ca mắc Covid-19, trong đó 4.636 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Indonesia giảm không đáng kể trong 7 ngày nước này thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 vừa qua.
Cụ thể, Indonesia ghi nhận tổng cộng 223.940 ca mắc từ ngày 3-9/8, giảm so với mức 268.067 ca trong 7 ngày trước đó, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm số lượng người được xét nghiệm Covid-19. Số ca tử vong cũng giảm nhẹ từ mức 12.525 ca xuống còn 11.280 ca.
Tối 9/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo quyết định kéo dài (PPKM) cấp độ 4 từ ngày 10-16/8 tại hai hòn đảo Java và Bali. PPKM cấp độ 4 cũng sẽ được kéo dài thêm hai tuần từ ngày 10-23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài Java và Bali “do yêu cầu xử lý khác biệt”.
Ở Trung Đông, trong ngày 9/8, Iran ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức kỷ lục: 40.808 ca - cao nhất khu vực này lẫn châu Á.
Tại châu Âu, từ ngày 9/8, Pháp chính thức áp dụng kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe ở những nơi công cộng như quán bar, nhà hàng, trung tâm mua sắm, nhà ga xe lửa, xe bus đường dài, sân bay, bệnh viện, nhà dưỡng lão...
Trước đó, từ ngày 21/7, biện pháp này đã được áp dụng đối với những cơ sở giải trí hay văn hóa có sức chứa trên 50 người, như rạp hát, viện bảo tàng, triển lãm, công viên giải trí...
Các trường hợp vi phạm hoặc có hành vi gian lận giấy chứng nhận sẽ bị phạt 135 Euro.
Tình hình dịch chưa có dấu hiệu tạm lắng tại Anh. Số liệu của chính phủ Anh công bố ngày 9/8 cho thấy, nước này có thêm 25.161 ca mắc Covid-19 từ ngày 3-9/8, tăng 5,2% so với giai đoạn 7 ngày trước đó.
Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 37 ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 14,8%.
Còn tại Italy, số ca tử vong do Covid-19 ghi nhận ngày 9/8 tăng gấp đôi so với ngày trước đó lên 22 ca, đưa tổng số ca tử vong lên 128.242 trường hợp.
Tại Australia, trong 24 giờ qua, bang New South Wales ghi nhận 356 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, số ca tử vong tại bang này cũng tăng 4 ca lên 32 ca.
Hiện bang New South Wales đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng số ca mắc mới gia tăng do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh, mặc dù lệnh phong tỏa tại thành phố Sydney đã bước sang tuần thứ 7.
Ngày 9/8, bang New South Wales đã áp dụng lệnh phong tỏa đối với thị trấn Tamworth do lo ngại dịch bệnh Covid-19 có thể đã lây lan từ Sydney về vùng nông thôn này.
Vaccine và tiêm chủng
Theo thống kê, một nửa dân số Mỹ được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, trong khi 81% người Canada đã được tiêm ít nhất một liều và 68% đã hoàn thành tiêm chủng.
Đối với những người Mỹ đã tiêm phòng đầy đủ, Canada quyết định dỡ bỏ các yêu cầu về kiểm dịch từ ngày 9/8, gần một năm rưỡi sau khi tất cả hoạt động đi lại không thiết yếu bị tạm dừng.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo, cơ quan này sẽ yêu cầu các quân nhân Mỹ bắt buộc phải tiêm chủng vaccine Covid-19 trước ngày 15/9 hoặc sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.
Tại Anh, tính đến ngày 8/8, có 47,06 triệu trong tổng số gần 58,28 triệu người ở Anh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19 và 39,55 triệu người tiêm đủ hai mũi.
Tính đến ngày 8/8, gần 51% trên tổng dân số 16 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũ vaccine Covid-19. (Nguồn: Phnom Penh Post) |
Ở Campuchia, Ủy ban Quốc gia về tiêm vaccine ngừa Covid-19 nước này thông báo, tính đến ngày 8/8, gần 51% trên tổng dân số 16 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi.
Khoảng 7.872.892 người trưởng thành ở Campuchia (tương đương 78,73%) đã được tiêm một mũi, trong số này khoảng 5.785.077 người đã được tiêm đầy đủ.
Với chiến dịch tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi, được triển khai từ ngày 1/8, khoảng 279.077 người đã được tiêm mũi đầu tiên, tương ứng 14,19% trong mục tiêu tiêm cho 2 triệu thanh thiếu niên Campuchia.
Từ ngày 8/8, Campuchia đã triển khai chiến dịch mũi tiêm tăng cường thứ ba cho những nhân viên hoạt động chống dịch trên tuyến đầu tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan với 12.457 người được tiêm tăng cường trong ngày đầu tiên.
Đại diện Ủy ban Quốc gia Campuchia về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho biết, Campuchia hiện có 21,5 triệu liều vaccine dự trữ trong kho thông qua các hợp đồng mua và được viện trợ, gồm: 7,2 triệu liều Sinopharm; 11,5 triệu liều Sinovac; 1.739.000 liều AstraZeneca; và 1.064.600 liều Johnson & Johnson.
Tại Australia, nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, Thủ tướng Scott Morrison thông báo, cơ quan quản lý dược phẩm của nước này đã cấp phép tạm thời sử dụng đối với vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna (Mỹ).
Tại Trung Quốc, ông Thiều Nhất Minh, bác sĩ hàng đầu và là chuyên gia miễn dịch học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc vừa cho biết, những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 không cần phải tiêm mũi tiêm tăng cường trong vòng một năm.