Cập nhật Covid-19 ngày 11/3: Chile kéo dài tình trạng thảm họa đặc biệt; Nam Phi giải quyết tình trạng phân biệt đối xử vì biến thể của SARS-CoV-2; UNICEF kêu gọi để các nước nghèo tiếp cận vaccine. |
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19với 29.858.904 ca mắc và 542.030 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 11.284.311ca mắc và 158.213 ca tử vong.
Xếp thứ 3 là Brazil với 11.205.972 ca mắc và 270.917 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Brazil, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.286 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch, và 70.764 ca mắc mới.
Ngày 10/3, Quốc hội Chile đã thông qua việc gia hạn tới cuối tháng 6 tình trạng thảm họa đặc biệt được áp dụng tại quốc gia Nam Mỹ này từ hơn một năm qua, qua đó tạo cơ sở pháp lý giúp chính phủ giải quyết những tác động từ đại dịch Covid-19.
Quyết định được ban hành trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại Chile vẫn diễn biến phức tạp và số ca mắc mới Covid-19 mới có dấu hiệu gia tăng, buộc cơ quan chức năng phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại tại một số thành phố lớn.
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở một số điểm nóng.
Czech hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) khi trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần hơn 15.000 ca mắc mới, đưa tổng số ca nhiễm lên tới hơn 1.351.000. Đến nay, Czech có hơn 22.380 ca tử vong do mắc Covid-19.
Tình hình dịch bệnh tại Pháp cũng chưa khả quan khi nước này ghi nhận thêm 30.303 ca mắc và 264 ca tử vong. Hiện số ca mắc và tử vong do Covid-19 đã lên lần lượt là 3.963.165 ca và 89.565 ca.
Trong khi đó, Đức cũng ghi nhận thêm 12.246 ca mắc và 295 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 2.532.855 ca và 73.276 ca. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức ngày 10/3 thông báo biến thể phát hiện ở Anh có tính lây nhiễm cao ngày càng lây lan mạnh ở Đức và hiện đã chiếm tới 55% số ca lây nhiễm mới. Trước tình hình này, Đức đã áp đặt nhiều biện pháp, trong đó có đóng cửa biên giới với các nước và khu vực giáp Đức, những nơi có tỷ lệ mắc biển thế mới ở mức cao.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Czech Radek Vondráček, cùng với các lãnh đạo từ Slovakia và Áo, đã kêu gọi người đứng đầu Hạ viện Đức, Wolfgang Schäuble bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới kéo dài với Cộng hòa Czech và bang Tyrol của Áo. Đức đã nối lại các hoạt động giám sát thường trực biên giới với Cộng hòa Czech và bang Tyrol vì lý do dịch Covid-19. Ủy ban châu Âu cũng phản đối các cuộc kiểm tra, nhưng Berlin bác bỏ đề nghị này.
* Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 11 ca mắc mới trong ngày 10/3, tăng 5 ca so với một ngày trước đó. Tất cả các ca mới đều là các ca nhập khẩu. Hiện tổng số ca mắc tại Trung Quốc đại lục là 90.018 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Trong khi đó, Hàn Quốc ngày 11/3 ghi nhận thêm 465 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 94.198 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 tăng thêm 4 ca lên 1.652 ca. Chính phủ Hàn Quốc ngày 10/3 cho biết đang xem xét phương án tăng số người được tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca bằng cách sử dụng lượng vaccine vốn được dự trù để tiêm mũi thứ 2, nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine trong cộng đồng.
Ngày 11/3, Chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho những người ngoài 65 tuổi, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai việc tiêm chủng loại vaccine này sau khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài cho thấy tính hiệu quả.
Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 10/3, Quốc vụ khanh phụ trách truyền thông Jordan Sakher Dudin cho biết nước này đã ban hành nhiều biện pháp mới nhằm kiềm chế số ca mắc mới gia tăng.
Theo đó, Jordan sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 13/3 cho tới khi có thông báo mới. Biện pháp mới cũng yêu cầu các cửa hàng rút ngắn thời gian hoạt động, đóng cửa vào 18h, trừ dịch vụ giao hàng vẫn được phép hoạt động trong giờ giới nghiêm.
* Tại châu Phi, báo cáo trước Quốc hội Nam Phi, Bộ trưởng Du lịch Mmamoloko Kubayi-Ngubane ngày 9/3 cho biết Bộ Du lịch đang tích cực chuẩn bị cuộc gặp với đại sứ các nước tại Nam Phi nhằm giải quyết tình trạng phân biệt đối xử với nước này do biến thể 501Y.V2 của virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Kubayi-Ngubane cho rằng việc gắn nhãn biến thể 501Y.V2 có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch của đất nước Cầu Vồng. Ngoài các thị trường chính đối với du lịch Nam Phi như Mỹ và Anh, quốc gia miền Nam châu Phi này cũng bị một số nước châu Âu khác như Bỉ, Pháp, Đức và Thụy Sỹ coi là rủi ro.
* Cũng liên quan đến vaccine, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hối thúc các nước bổ sung nguồn tài chính hỗ trợ để các nghèo được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 và theo quỹ, khoản đóng góp cần có khoảng 1 tỷ USD. Tại Hội nghị chính phủ thế giới được tổ chức trực tuyến tại Dubai, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore đưa ra lời kêu gọi bổ sung đóng góp nêu trên, đồng thời nhấn mạnh khoản quỹ này có thể được giải ngân củng cố hệ thống y tế tại những nước nghèo hơn và hỗ trợ phân phối vaccine tại các nước này.