Cập nhật Covid-19 ngày 11/5: Châu Á 'ngược nắng' với toàn cầu; EU cấp thẻ thông hành y tế; Biến thể mới ở Ấn Độ 'đáng quan ngại' |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 596.176 ca tử vong vì dịch Covid-19. Tiếp đó là Ấn Độ với 22.991.927 ca nhiễm và 250.025 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 15.214.030 ca nhiễm và 423.436 bệnh nhân không qua khỏi.
Mặc dù virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên toàn thế giới, nhưng nhìn chung diễn biến dịch Covid-19 đang có dấu hiệu tích cực trong 7 ngày qua, theo đó số ca nhiễm mới tại khu vực châu Âu giảm 19%, tại Bắc Mỹ giảm 16%, châu Phi giảm 1%. Trong khi đó, châu Á ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 0,3% trong cùng thời gian và châu Đại dương tăng 10%.
* Tại châu Đại dương, Papua New Guinea đang là điểm nóng của dịch Covid-19 với 203 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại châu lục này hiện là 12.086 ca, đứng thứ 3 khu vực sau Australia (29.931 ca) và vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp (18.797 ca).
* Tại châu Á
Nepal đang đối mặt với diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong cao chưa từng có, 9.127 ca nhiễm và 153 ca tử vong. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức trên 8.000 ca. Tính đến nay, Nepal có tổng cộng 403.794 ca nhiễm và 3.859 ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/5 cho biết, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, hay còn gọi là B.1.617, dường như dễ lây lan hơn và được đánh giá vào mức "quan ngại".
Trả lời phóng viên, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết: "Có một số thông tin cho rằng chủng virus mới này dễ lây lan và có khả năng cũng có sức kháng cự hơn với các biện pháp bảo vệ bằng vaccine".
Sáng 11/5, trang mạng Fresh News của Campuchia đưa tin, chính quyền tỉnh Takeo, giáp biên giới tỉnh An Giang của Việt Nam, đã ban hành Quyết định số 222/SSR cho phép phong tỏa làng Bang Bat, xã Char, huyện Prey Kabas sau khi địa phương này liên tiếp phát hiện người dân nhiễm Covid-19.
Tỉnh Trưởng tỉnh Takeo Ouch Phea cho biết, lệnh phong tỏa bắt đầu áp dụng ngay từ 8h ngày 11/5 cho đến khi có thông báo mới.
Theo báo cáo của chính quyền tỉnh gửi Bộ Nội vụ, tỉnh Takeo đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm trên địa bàn các huyện Prey Kabas, Bati, Kirivong và T’ram Kok, tỉnh Takeo.
* Tại Trung Đông
Hãng thông tấn chính thức WAM của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 10/5 đưa tin, quốc gia này và Bahrain đã thiết lập một “hành lang” du lịch an toàn cho những du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong bối cảnh sắp đến lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Theo đó, những du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được phép đi lại giữa hai nước mà không cần cách ly khi nhập cảnh, song phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại các điểm đến.
Thông báo cũng nêu rõ, người dân UAE và Bahrain có mong muốn được hưởng lợi từ quy định miễn trừ nói trên cần chứng minh họ đã được tiêm đầy đủ liều cuối vaccine ngừa Covid-19.
Cùng ngày 10/5, chính phủ Kuwait thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm một phần từ ngày đầu tiên của kỳ lễ Eid al-Fitr, tuy nhiên vẫn hạn chế một số hoạt động.
Tại Saudi Arabia, Bộ Nội vụ thông báo từ ngày 20/5 tới, người nước ngoài đến vương quốc này phải thực hiện cách ly 1 tuần tại cơ sở cách ly được chính phủ chỉ định nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Trong khi đó, một số đối tượng được miễn cách ly tại các cơ sở nói trên như các công dân Saudi Arabia, phi hành đoàn, nhà ngoại giao, sẽ phải cách ly tại nhà nếu chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những người đã được tiêm đủ liều vaccine không cần cách ly nếu họ có giấy xác nhận đã tiêm vaccine.
* Tại châu Âu
Nhằm đẩy nhanh việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch, tiến tới mở cửa trở lại nền kinh tế, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực hết sức nhằm đảm bảo tất cả công dân và người cư trú có thể được cấp "thẻ thông hành chứng nhận không mắc Covid-19" vào tháng tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/5, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Christian Wigand cho biết, EU mong muốn mọi người dân của 27 nước thành viên nội khối có thể nhận được "thẻ thông hành kỹ thuật số", xem đây như "giấy chứng nhận xanh", chứng nhận việc đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hoặc đã bình phục sau khi mắc Covid-19.
Không chỉ khởi động một kỳ nghỉ Hè cho người dân châu Âu, "thẻ thông hành kỹ thuật số" còn được xem như một "công cụ hữu hiệu" để cho phép các nước vốn phụ thuộc vào du lịch mở cửa trở lại đón những "thượng đế" ít có nguy cơ mắc Covid-19 hơn.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế Anh (PHE) đã công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer đối với các trường hợp nhiễm bệnh sau tiêm.
Theo kết quả được công bố, vaccine của Pfizer đạt hiệu quả lên tới 97% khi tiêm đủ hai liều, và 80% đối với liều thứ nhất trong bảo vệ người bị nhiễm bệnh khỏi bị tử vong.
* Tại châu Mỹ
Ngày 10/5, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi.
Quyết định rất được mong đợi này là một bước đi quan trọng để đảm bảo các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể mở cửa trở lại và học sinh có thể học trực tiếp trong năm học bắt đầu vào mùa thu tới.
Trước đó, loại vaccine này được cấp phép sử dụng cho người từ 16 tuổi trở lên. Tính tới nay, có 3 loại vaccine đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ, trong đó có Moderna và Johnson & Johnson.
Cùng ngày, Bộ Y tế Argentina thông báo nước này đã lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ và Nam Phi với 3 hành khách trở về nước từ châu Âu.
Trong những tuần qua, Argentina đang phải tăng cường các biện pháp đối phó với đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc vẫn tiếp tục ở mức cao. Đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 67.325 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, chính phủ Brazil cho biết sẽ giải ngân thêm 5,5 tỷ Real (khoảng 1,05 tỷ USD) từ nguồn ngân sách liên bang để đầu tư cho các chương trình sản xuất, cung cấp và phân phối vaccine phòng Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người tử vong tiếp tục gia tăng. Đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |