Anh, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh G7, cho biết nhóm này nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ. (Nguồn: DW) |
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, đang tiến triển tích cực nhờ kế hoạch tiêm chủng vaccine được triển khai nhanh. Với số ca nhiễm mới hằng ngày giảm mạnh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội dần được nối lại.
Ngày 10/6, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã công bố một hướng dẫn đối với các nhân viên chính phủ, theo đó họ không cần phải được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoặc khai báo tình trạng tiêm chủng trước khi trở lại công sở.
Trong 24 giờ qua Mỹ ghi nhận 13.375 ca nhiễm mới và 406 ca tử vong, nâng tổng số lên 34.274.298 ca mắc và 613.898 ca tử vong.
Quốc gia có số ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức dưới 100.000 trong ngày thứ 3 liên tiếp. Với 91.266 ca mắc mới và 3.401 ca tử vong, đến nay quốc gia Nam Á này ghi nhận tổng cộng 29.273.338 ca mắc Covid-19 và 363.097 ca tử vong.
Brazil đứng thứ ba với 17.215.159 ca mắc và 482.135 ca tử vong. Số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày tại nước này vẫn ở mức cao, lần lượt là 89.802 và 2.344.
* Theo số liệu thống kê của Đại học John Hopkins, thế giới đã ghi nhận hơn 1,88 triệu ca tử vong do Covid-19 trong chưa đầy 6 tháng đầu năm nay. Con số này đã vượt tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu trong cả năm 2020, cho thấy đại dịch chưa thể kết thúc cho dù việc tiêm chủng vaccine rộng rãi ở các quốc gia giàu hơn đã kiểm soát được phần nào tình hình.
Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là số ca tử vong trung bình trong 7 ngày trên toàn cầu trong những tuần vừa qua có xu hướng giảm xuống dưới 10.000 ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức trên 14.000 ca/ngày hồi cuối tháng 1/2021.
Ngoài ra, thống kê cho thấy khoảng cách ngày càng xa giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong công tác kiểm soát đại dịch. Trong lúc Mỹ, Anh, Canada đều ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ngày càng giảm thì đại dịch lại bùng lên tại một số khu vực ở châu Á và Mỹ Latinh.
Tại thời điểm cuối năm 2020, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm tới 73% số ca nhiễm mới mỗi ngày và 72% số ca tử vong trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, hơn 80% số ca nhiễm và ca tử vong ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
* Tỷ lệ tiêm chủng vaccine không đồng đều ở các nước đang khiến tình hình kiểm soát đại dịch trên toàn cầu ngày càng khác biệt. Chỉ khoảng 2% người dân châu Phi và 6% người dân châu Á đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine Covid-19, theo số liệu của Our World in Data.
Trong khi đó, Nam Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng cho khoảng 22% dân số, Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành tiêm chủng hơn 40% dân số và Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng hơn một nửa dân số.
* Tại châu Âu
Ngày 10/6, Anh, nước đăng cai hội nghị thượng đỉnh G7, cho biết các nhà lãnh đạo của nhóm này sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.
Anh cũng tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay.
Theo đó, khoảng 80% trong số vaccine trên sẽ chuyển đến chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.
Trước đó cùng ngày, Mỹ cũng tuyên bố sẽ tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên EU cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.
Trong khi đó, mặc dù Thụy Sỹ đã nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 cho các sự kiện ngoài trời, song sẽ không có "Fanzone" - khu vực dành cho người hâm mộ bóng đá châu Âu Euro 2020 khi có quá nhiều ràng buộc cho một sự kiện muốn trở thành lễ hội.
Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ đã cho phép có khán giả trong một số sự kiện khi số ca nhiễm mới hiện ở mức thấp nhất trong thời gian qua, số ca nhập viện giảm mạnh, số lượng người được tiêm vaccine tăng nhanh.
Tuy nhiên, tất cả các sự kiện vẫn phải tuân theo một số quy tắc như không quá 300 người bên ngoài, 100 người bên trong, khán giả ngồi phải đeo khẩu trang và tôn trọng khoảng cách. Sức chứa sẽ được giới hạn ở một nửa công suất.
Tại Geneva, hình ảnh Fanzone ở Plainpalais với 10.000 người tham dự hồi World Cup 2018 giờ cũng chỉ là "giấc mơ". Theo thông báo, sẽ không có những Fanzone cho sự kiện Euro 2020 ở Plainpalais, hay ở các khu vực lân cận như Carouge hoặc Lancy ở Geneva.
* Tại châu Á
Hội đồng Thống đốc quốc gia Nhật Bản vừa thông qua tuyên bố về các hành động nhằm khống chế dịch Covid-19 ở nước này, trong đó cam kết hợp tác với chính quyền trung ương để đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine phòng dịch bệnh.
Tính tới ngày 9/6 Nhật Bản đã tiêm hơn 20,38 triệu liều vaccine cho người dân nước này, trong đó khoảng 8,8 triệu liều cho các nhân viên y tế và 11,56 triệu liều cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên).
Tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản đang có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 10/6 nước này ghi nhận 2.046 ca nhiễm mới, giảm 784 ca so với một tuần trước đó, và 71 ca tử vong vì Covid-19.
Tại Hàn Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm mới vẫn dao động từ 400-700 ca/ngày, chính phủ nước này đã quyết định gia hạn quy định giãn cách xã hội hiện tại thêm 3 tuần, đến ngày 4/7 tới.
Quyết định trên được đưa ra vào thời điểm các cơ quan y tế Hàn Quốc đang chuẩn bị cho một loạt các điều chỉnh liên quan đến giãn cách xã hội dự kiến được chính phủ thông qua vào tháng tới và việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang được người dân nước này hưởng ứng.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy tính đến ngày 11/6 có khoảng 20% dân số Hàn Quốc được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó những người đã được tiêm đủ 2 mũi chiếm khoảng 5%.
Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 14 triệu người vào cuối tháng 6 này và 36 triệu người vào tháng 9 tới để đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Ngày 10/6, Singapore và Australia nhất trí thảo luận về việc thiết lập "bong bóng đi lại hàng không" nhằm khôi phục các hoạt động đi lại giữa hai nước một cách an toàn trong thời gian tới.
Singapore là quốc gia thứ hai sau New Zealand mà Australia muốn thảo luận về bong bóng đi lại hai chiều. Hiện tại, Australia đã thiết lập bong bóng đi lại một chiều với New Zealand, theo đó những người từ New Zealand có thể nhập cảnh Australia mà không cần phải cách ly.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, Australia đã cấm nhập cảnh toàn bộ với người nước ngoài, chỉ các công dân nước này hồi hương mới được nhập cảnh.
* Tại châu Mỹ
Ngày 10/6, Viện Y tế công cộng Chile thông báo nước này đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ sản xuất.
Lượng vaccine đơn liều này sẽ được phân phối thông qua cơ chế phân phối toàn cầu Covax của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong khi đó, Argentina hiện đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 hết sức nghiêm trọng, mỗi ngày ghi nhận hơn 500 ca tử vong, khiến chính phủ nước này lại phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh tế.
Cùng ngày, 2 hành khách trên Celebrity Millennium, một trong những chuyến du thuyền đầu tiên đi ra khỏi Bắc Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện hai hành khách này đang được cách ly.
Công ty du lịch Royal Caribbean, đơn vị vận hành du thuyền này, cho biết tất cả các hành khách và thủy thủ đoàn đã được tiêm phòng.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: 1. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. 2. Không được chủ quan, lơ là. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. 3. Thực hiện tốt Khuyến cáo 5K: KHẨU TRANG - KHỬ KHUẨN - KHOẢNG CÁCH - KHÔNG TỤ TẬP - KHAI BÁO Y TẾ để phòng, chống dịch Covid-19. 4. Liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết. Vì lợi ích của đất nước, cộng đồng và của chính mình, mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19! |