📞

Cập nhật Covid-19 ngày 12/2: Mỹ nói đủ vaccine tiêm cho toàn dân vào tháng 7; Phát hiện virus corona giống SARS-CoV-2 trên dơi ở Thái Lan

Thế Việt 11:40 | 12/02/2021
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận xấp xỉ 108,3 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 2,38 triệu trường hợp tử vong và hơn 80,47 triệu bệnh nhân bình phục.

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 437.561 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, Mỹ chiếm con số lớn nhất với 103.481 ca. Tính đến nay, sau gần 1 năm Covid-19 xuất hiện tại Mỹ, dịch bệnh đã lây lan tổng cộng hơn 28 triệu người - cao nhất thế giới. Mỹ cũng là nước có số ca tử vong do Covid-19 đứng đầu thế giới, 486.922 ca.

Ngày 11/2, Tổng thống Joe Biden thông báo, Mỹ đã mua thêm 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, hoàn thành cam kết như đã hứa vào tháng trước, đồng thời khẳng định sẽ có đủ vaccine từ Moderna và Pfizer/BioNTech để tiêm cho toàn bộ người dân vào cuối tháng 7.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Mỹ đã mua thêm các liều vaccine trị giá khoảng 2 tỷ USD từ công ty Pfizer và 1,65 tỷ USD từ công ty Moderna.

Tổng thống Biden cho biết, việc mua thêm vaccine sẽ giúp tăng nguồn cung cấp lên 50%, khoảng 600 triệu liều và hiện các công ty đang đẩy nhanh thời gian giao hàng.

Trước đó, ngày 10/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, những người được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, phù hợp với tiêu chí sẽ không cần cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Các tiêu chí bao gồm những người tiếp xúc với Covid-19 đã được tiêm chủng đầy đủ, phơi nhiễm trong vòng 3 tháng sau khi nhận liều cuối cùng và họ vẫn không có triệu chứng kể từ lần phơi nhiễm hiện tại.

* Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan ở châu Âu dù các nước trong khu vực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục này (21.063 ca), tiếp sau là Tây Ban Nha (17.853 ca), Italy (15.146 ca), Nga (15.038 ca) và Anh (13.494 ca).

Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả các nước đề nghị, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Cụ thể, kể từ ngày 30/1, thời điểm bắt đầu áp dụng cơ chế giám sát xuất khẩu vaccine đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua 37 giấy đăng ký xuất khẩu vaccine sang 21 nước. Trước đó, EU đã xuất khẩu hàng triệu liều vaccine sang một số nước như Anh, Israel, Trung Quốc và Canada.

Thông tin này được người phát ngôn EC đưa ra ngày 11/2, tuy nhiên không nêu cụ thể số liều vaccine do các nhà máy trong Liên minh châu Âu (EU) sản xuất.

Liên quan đến vaccine của AstraZeneca, ngày 11/2, hãng dược này cho biết sẽ cập nhật “phiên bản” vaccine mới vào mùa Thu năm nay, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại rằng những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc kháng lại được các vaccine hiện có.

AstraZeneca cho biết, từ nhiều tháng trước, công ty này đã cùng đối tác là Đại học Oxford điều chỉnh vaccine để đối phó được với các biến thể mớ và mọi việc đang tiến triển nhanh chóng.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành.

Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho thấy vaccine của AstraZeneca có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.

* Tại châu Á, Ấn Độ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch Covid-19 với tổng số ca nhiễm là 10,88 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận số ca nhiễm cao nhất 9.353 ca, tiếp sau là Indonesia (8.435 ca), Iran (7.474), Israel (5.083 ca).

Theo thông tin truyền thông, một nghiên cứu mới phát hiện rằng, một số cá thể dơi ở miền Đông Thái Lan có mang virus corona có mã di truyền giống tới 91,5% với chủng virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Hãng thông tấn Sputnik của Nga trích dẫn nghiên cứu được đăng ngày 9/2 trên tạp chí khoa học Nature Communications cho biết, loại virus mới được phát hiện trong máu của 5 cá thể dơi tai to ở một hang động nhân tạo tại một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Thái Lan.

Ngày 12/2, chính phủ Nhật Bản quyết định chưa dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số vùng khác trước khi thời hạn thực hiện lệnh khẩn cấp dự kiến kết thúc vào ngày 7/3.

Hiện các bệnh viện ở nước này vẫn đang chịu nhiều sức ép dù số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày giảm trong thời gian gần đây.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng Nhật Bản, ngày 11/2, nước này ghi nhận 1.693 ca nhiễm mới trên toàn quốc, giảm mạnh so với số ca nhiễm trong 1 ngày ghi nhận ở mức đỉnh điểm 7.882 ca hồi đầu tháng 1/2021.

Tuy nhiên, ngày 10/2, Nhật Bản có số ca tử vong trong 1 ngày cao chưa từng có, 121 ca và hiện nhiều bệnh viện đang trong tình trạng không còn đủ giường bệnh cho những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng.

* Tại Nam Mỹ, trong 24h qua, Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao, 53.993 ca. Brazil cũng là nước có tổng số ca nhiễm đứng đầu châu lục (9,71 triệu ca). Trong khi đó, Colombia, Argentina và Peru tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 6.000 ca đến gần 9.000 ca.

* Liên quan vaccine Covid-19, hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Pháp cho biết, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Italy, Đức và Nhật Bản đang xem xét khả năng huy động 500 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

(tổng hợp)